Kinh doanh đa cấp: Bất cập tới mức nghiêm trọng, khó kiểm soát!
Thứ ba, 01/10/2013, 09:21
Lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, đã tới lúc phải kiếm soát chặt chẽ loại hình kinh doanh đa cấp, loại bỏ mô hình kinh doanh kim tự tháp bởi tình trạng hoạt động tràn lan và tác động tiêu cực trong khi việc kiểm soát chồng chéo, rất khó khăn.
Họp báo thường kỳ Bộ Công thương chiều 30/9/2013 (Ảnh: Bích Diệp).
Mới chỉ có 3 trong số 90 doanh nghiệp bị rút giấy phép
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương diễn ra chiều 30/9/2013 về tình trạng bất cập trong kinh doanh đa cấp hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) Nguyễn Phương Nam thừa nhận, đây là lĩnh vực “rất khó kiểm soát”.
Ông Nam cho biết, pháp luật hiện hành của Việt Nam không cấm loại hình kinh doanh này và ở một số nước tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, kinh doanh đa cấp cũng phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, có một thực trạng chung là các nước đều gặp những vướng mắc trong quá trình điều hành và quản lý bán hàng đa cấp.
Là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công thương trong lĩnh vực này, trên cơ sở học tập kinh nghiệm các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Cục QLCT đã xây dựng Nghị định 110 năm 2005 và Thông tư 19 ban hành năm 2005 để quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp.
Theo thời gian, số lượng doanh nghiệp đã giảm từ 90 doanh nghiệp đăng ký trước đây, đến nay chỉ còn 61 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó đã có 3 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép.
Tuy nhiên, do tình hình quản lý rất khó khăn nên buộc phải sửa đổi Nghị định 110. Dự thảo Nghị định sửa đổi hiện tại đang được tiến hành ráo riết và đến nay đã đi vào giai đoạn cuối. Lãnh đạo Cục QLCT cho biết, cơ quan này đã tổ chức 3 cuộc họp với cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến kinh doanh đa cấp, đồng thời với việc tham khảo ý kiến các địa phương và đã công bố công khai dự thảo để lấy ý kiến các Bộ ngành.
So với Nghị định 110, dự thảo Nghị định sửa đổi sẽ siết chặt hoạt động cấp phép kinh doanh đa cấp.
“Chúng tôi cho rằng hình thức bán hàng đa cấp phải kiểm soát chặt chẽ bởi để như thời gian gần đây bán hàng đa cấp đã gây nhiều tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế xã hội của các địa phương” – ông Nam đánh giá.
Theo đó, thay vì trước kia để cho các địa phương trực tiếp cấp phép cho bán hàng đa cấp, kinh doanh ngay trên địa bàn thì đến nay xét thấy mức độ nghiêm trọng, dự thảo Nghị định đưa ra phương án cần phải đưa về Bộ Công thương trực tiếp cấp phép.
“Chúng tôi cho rằng, để kiểm soát chặt chẽ thì bán hàng đa cấp giống như một loại hình phải đưa vào hạng mục kinh doanh có điều kiện. Thực tế hiện nay đang xảy ra hiện tượng một loạt các doanh nghiệp đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp, được cấp phép tại địa phương nhưng khi tổ chức kinh doanh lại chuyển đến các địa bàn kinh doanh sôi động như các thành phố lớn khiến việc kiểm soát rất chồng chéo”, ông Nam nói.
Vì vậy, theo ý kiến của Ban soạn thảo, việc tập trung về một đầu mối cấp phép là rất quan trọng.
Cần phải cấm kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp
Ngoài ra, theo kinh nghiệm các nước trên thế giới, loại hình kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp đã bị cấm. Loại hình này tập trung vào các nguồn thu không chính đáng như phí gia nhập mạng lưới, phí gia hạn hợp đồng hoặc các khoản đầu tư dưới hình thức khác nhau của người tham gia mạng lưới.
“Chúng tôi khẳng định, kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp về bản chất là mô hình hàng hóa đưa vào hệ thống phân phối không tới tay người tiêu dùng và thu nhập của người tham gia mạng lưới chủ yếu xuất phát từ các khoản phí đóng góp của người tham gia. Như vậy hoạt động ở đây không xuất phát từ sản phẩm. Do vậy cần phải cấm!”
Bên cạnh đó, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 110, mức vốn pháp định của doanh nghiệp bán hàng đa cấp dự kiến sẽ được yêu cầu nâng lên.
Nếu trước đây quy định theo Luật doanh nghiệp thì đến nay thấy rằng cần phải quy định ở một mức nhất định mà doanh nghiệp có đủ kinh phí và khả năng trang trải, tránh tình trạng mở rộng tràn lan như hiện nay.
Đồng thời, cũng nâng mức ký quỹ lên gấp 5 lần và bắt buộc phải ký quỹ bằng tiền mặt. Trước đây mức yêu cầu là 1 tỷ đồng, thông qua bảo lãnh ngân hàng hay tài sản thế chấp, tuy nhiên, do nhận thấy mức ký quỹ này quá rủi ro nên cơ quan soạn thảo đề xuất phải tăng lên mức 5 tỷ đồng.