Vì sao các ngân hàng châu Âu ồ ạt đóng cửa?

Thứ ba, 03/09/2013, 18:05
Suy thoái kinh tế kéo dài đang đẩy ngành ngân hàng châu Âu vào cảnh khốn khó và buộc phải đóng cửa các chi nhánh trên khắp châu lục nhằm tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.

ngân hàng Châu Âu

Thống kê của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), các ngân hàng đã đóng cửa 20.000 chi nhánh trong vòng 4 năm qua.

Theo tuyên bố của lãnh đạo các ngân hàng này, việc đóng cửa các chi nhánh trong nước để cắt giảm chi phí hoạt động, đồng thời cắt giảm cả các chi nhánh ở nước ngoài để cải thiện lợi nhuận. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do khách hàng ngày càng tận dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và qua điện thoại di động càng làm khách hàng rời xa mô hình ngân hàng truyền thống.

Theo số liệu do hãng tin Reuters phân tích từ thống kê của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), các ngân hàng đã đóng cửa 20.000 chi nhánh trên khắp châu Âu trong vòng bốn năm qua đưa tổng số đơn vị còn hoạt động xuống 218.687 chi nhánh.

Như vậy các ngân hàng châu Âu đã cắt giảm bình quân 8% số chi nhánh kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu và tiến trình này được dự đoán sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm. Riêng năm ngoái số chi nhánh ngân hàng bị buộc phải đóng cửa là 5.500, tương ứng 2,5% tổng chi nhánh có mặt tại khu vực này, nhưng vẫn thấp hơn con số 7.200 chi nhánh ngừng hoạt động trong năm 2011.

Hy Lạp là một trong những quốc gia chứng kiến số chi nhánh bị cắt giảm nhiều nhất trong năm 2012 với 5,7%. Hoạt động sáp nhập của các ngân hàng trong nước đã khiến 219 chi nhánh phải đóng cửa. Xu hướng này được dự báo sẽ còn kéo dài trong năm nay khi ngân hàng Piraeus xóa sổ một phần trong tổng số 312 chi nhánh mua lại từ các nhà cho vay của CH Cyprus trong tháng Ba.

Mạng lưới chi nhánh ngân hàng tại Ireland cũng giảm 3,3% và được nhận định tiếp tục giảm trong năm 2013. Trong khi đó, hệ thống chi nhánh ngân hàng tại Italia cũng thu hẹp 3,1%.

Các nước khác như Pháp cũng tới thời điểm giảm bớt các chi nhánh ngân hàng. Tại Pháp các ngân hàng chủ chốt như BNP Paribas, Societe Generale và Credit Agricole đã thể hiện rõ ý định cắt giảm chi phí do nguồn thu từ các chi nhánh đang bị thắt chặt bởi người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng.

ngân hàng Châu Âu

Nhưng theo ECB (Ngân hàng trung ương châu Âu), ngành ngân hàng Pháp lại cắt giảm chi nhánh với tốc độ chậm hơn Tây Ban Nha với con số chỉ là 79 vào năm 2012. Pháp có nhiều chi nhánh nhất ở châu Âu tính tới cuối năm ngoái với 38.450 chi nhánh tương đương 1 chi nhánh/1.709 dân.

Trong vòng bốn năm tính đến cuối năm 2012 Pháp giảm chưa tới 3% mạng lưới chi nhánh ngân hàng, trong khi tỷ lệ cắt giảm các chi nhánh ngân hàng của Anh và Đức là 5% và hơn 8%. Số chi nhánh ngân hàng bị cắt giảm tại Đan Mạch 1/3 và tại Hà Lan là 1/4. Pháp có nhiều chi nhánh nhất ở châu Âu tính tới cuối năm ngoái với 38.450 chi nhánh tương đương 1 chi nhánh/1.709 dân.

Tại CH Cyrpus cứ 1.265 dân thì có một chi nhánh ngân hàng phục vụ và các ngân hàng bị rung chuyển do có mối quan hệ mật thiết với nền kinh tế Hy Lạp suy sụp, cũng phải thu hẹp quy mô hoạt động sau khi nhận cứu trợ từ EU.

Chuyển sang "Xứ sở Sương mù" số liệu của ECB cho thấy số lượng chi nhánh ít thay đổi và duy trì ở mức 11.870. Tại Anh với mạng lưới chi nhánh chỉ bằng 1/3 của Pháp hay Tây Ban Nha các ngân hàng đã cắt giảm gần một nửa số chi nhánh kể từ năm 1990.

Các ông chủ ngân hàng cho rằng quy mô tối ưu là 700-800 chi nhánh đối với một ngân hàng hoạt động trên khắp nước Anh. Nhưng không có ai trong số năm đại gia ngân hàng làm được như thế. Chẳng hạn Lloyds có số chi nhánh gấp ba lần (2.260), Royal Bank of Scotland có quy mô gấp đôi (1.750).

Tuy vậy tính đến nay Lloyds đã đóng cửa chi nhánh và rút khỏi 17 nước. Theo kế hoạch, Lloyds sẽ chỉ duy trì hoạt động kinh doanh dưới 10 quốc gia vào cuối năm 2014 nhằm tập trung vào thị trường Anh.

Còn HSBC cho biết ngân hàng này vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại hoạt động trên phạm vi toàn cầu bằng việc tập trung vào các thị trường tăng trưởng cao ở châu Á. Từ đầu năm đến nay, HSBC đã đóng cửa hoặc bán lại 11 chi nhánh, nâng tổng số chi nhánh mà ngân hàng này đã đóng cửa hoặc bán lại kể từ năm 2011 lên 54.

Trái ngược với xu thế thu hẹp hoạt động ở Tây Âu, ngành ngân hàng lại mở rộng hoạt động sang phía Đông. Chẳng hạn số chi nhánh lại gia tăng tại một số quốc gia Đông Âu như Ba Lan (tăng 4%), Cộng hòa Séc (tăng 2,3%) và Litva (tăng 1,8%).

Tuy vậy, nhiều ngân hàng thừa nhận họ sẽ không cắt giảm các chi nhánh với tốc độ nhanh như dự tính do lo ngại mất khách hàng khi thu nhập đang phục hồi và lo ngại phản ứng của công chúng và giới chính trị gia ở các nước như Anh, nơi một vài ngân hàng lớn nhất được "cứu" bởi tiền của người đóng thuế.

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha từng phải xin cứu trợ quốc tế 100 tỷ euro hồi năm ngoái cũng không tránh khỏi lao đao. Thực tế cho thấy trước sức ép cắt giảm chi phí rất lớn do các khoản thua lỗ khổng lồ từ hoạt động cho vay tại Tây Ban Nha, một trong số các nền kinh tế đang gặp khó khăn nhất ở châu Âu, các ngân hàng đã cắt giảm 4,9%, tương ứng 1.963 chi nhánh tại nước này trong năm 2012.

ngân hàng Châu Âu

Các ngân hàng tiết kiệm không ngừng mở rộng từng biến Tây Ban Nha thành đất nước có mạng lưới ngân hàng nhiều nhất châu Âu. Nhưng giờ đây chính mạng lưới ngân hàng một thời bùng nổ đó lại bị ảnh hưởng nặng nề. Đến cuối năm 2012 số chi nhánh tại đây đã giảm 17% so với 4 năm trước. Mặc dù vậy với 38.200 chi nhánh đang hoạt động Tây Ban Nha vẫn có tỷ lệ chi nhánh tính theo đầu người cao hơn bất cứ một nước châu Âu nào khác với 1 chi nhánh/1.210 dân.

Làn sóng sáp nhập ngân hàng Tây Ban Nha trong ba năm qua phần nào lý giải cho sự cắt giảm mạnh mẽ các chi nhánh ngân hàng. Sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản năm 2008 làm gia tăng nợ xấu, sụt giảm thu nhập của ngành ngân hàng, dẫn tới phải xin cứu trợ của châu Âu càng cho thấy sự cấp bách phải cắt giảm quy mô hoạt động. Số liệu từ Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha cho thấy trong ba tháng đầu năm nay đã có gần 700 chi nhánh bị đóng cửa.

Cắt giảm chi nhánh trên khắp châu Âu sẽ cho phép các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động của các chi nhánh còn giữ lại. Nhiều ngân hàng đang hướng tới mục tiêu xây dựng quầy giao dịch nhìn và cảm nhận tương tự như mô hình cửa hàng Apple kết hợp nhân viên giao dịch tại quầy và công nghệ. Nhưng đây là sự quá độ có nguy cơ làm hàng triệu khách hàng tụt hậu, trừ khi ngân hàng duy trì dịch vụ tối thiểu tại quầy.

Chẳng hạn ở Corral de Ayllon, một ngôi làng Tây Ban Nha gần Maderuelo, nơi hầu hết cư dân là nông dân và người về hưu, thay đổi thói quen sẽ không dễ dàng.

Theo báo cáo giám sát lần thứ ba được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 15/7, hệ thống ngân hàng của Tây Ban Nha, từng thoát khỏi tình trạng vỡ nợ hồi năm ngoái nhờ gói cứu trợ từ "bộ ba" chủ nợ quốc tế trị giá 41,3 tỷ euro (53 tỷ USD), đang dần mạnh lên nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ.

IMF cho rằng các cuộc cải cách trong lĩnh vực tài chính của Tây Ban Nha hiện vẫn đang đi đúng hướng, nhưng nguy cơ đối với nền kinh tế và hệ thống ngân hàng nước này vẫn còn rất cao, xuất phát từ khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới.

Theo Infonet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn