Ngày 26/8, Uỷ ban Nhân dân TP.HCM đã có thông báo kết luận thanh tra các sai phạm trong khâu chi trả lương ở hàng loạt các đơn vị, công ty công ích trên địa bàn. Theo đó, cuộc kiểm tra vào năm 2012, người đứng đầu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) thoát nước đô thị TP.HCM nhận lương 2,6 tỷ đồng/năm.
Lương chủ tịch Hội đồng thành viên công ty này cũng nhận đến 1,6 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng TP.HCM nhận đến 2,4 tỷ đồng tiền lương/năm, còn giám đốc Công ty này nhận lương đến 2,2 tỷ đồng/năm. Kế toán trưởng và các phó giám đốc của hai đơn vị này cũng nhận lương thấp nhất là 969 triệu đồng/năm, cao nhất lên đến 1,9 tỷ đồng/năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Hùng (thường gọi là Hùng Cửu Long, ông Tưng), tổng giám đốc công ty trang sức Cửu Long Jewelry khá bức xúc về mức lương "khủng" của các lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước tại TP.HCM.
Ông Lê Đình Hùng (thường gọi là Hùng Cửu Long), tổng giám đốc công ty trang sức Cửu Long Jewelry. |
"Mấy ngày qua, theo dõi thông tin qua báo chí, tôi cũng được biết về mức lương lên đến hơn 2 tỷ đồng/năm của một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM.
Thực sự, trong lúc nền kinh tế đang khủng hoảng như hiện nay, Nhà nước đang phải tiến hành tái cấu trúc và hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đều đang làm ăn không hiệu quả bằng doanh nghiệp tư nhân, rồi các nhà lãnh đạo, doanh nhân đang tìm mọi cách để cắt giảm chi tiêu, cắt giảm các khoản để làm sao giữ mức lương cơ bản cho nhân viên đủ sống, vượt qua khó khăn được dự báo còn kéo dài.
Vậy mà lại được nghe lãnh đạo một số doanh nghiệp nhà nước có mức lương cao đến như vậy, lại so với mức thu nhập hiện tại của xã hội thì quả thực là phản cảm, khiến dư luận bức xúc rất nhiều", ông Hùng Cửu Long chia sẻ.
Ông Hùng Cửu Long cũng cho rằng, trong thời điểm hiện tại, ông không dám mơ đến mức lương "khủng" như của các giám đốc doanh nghiệp Nhà nước tại TP.HCM.
"Thực sự, có những lúc làm ăn hiệu quả vào các năm như 2005, 2006, 2007 thì đúng là mức lương như của các giám đốc doanh nghiệp nhà nước vậy với tôi là không phải quá cao và tôi còn ước mơ cao hơn, nhiều hơn nữa. Nhưng trong giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế hiện nay thì những con số lương như vậy, nằm mơ tôi cũng không dám mơ đạt được", ông Hùng khẳng định.
Tuy không tiết lộ con số thu nhập cụ thể nhưng ông Hùng Cửu Long cho biết, vào thời điểm hiện tại, do sự cạnh tranh, khó khăn của nền kinh tế đã dẫn đến thu nhập của ông giảm đi nhiều và ông cũng phải rất vất vả để có thể "chèo lái" hoạt động của công ty.
"Sau khi khủng hoảng kinh tế của thế giới và ở Việt Nam thì thu nhập của tôi cũng rất thấp, bản thân cũng gặp rất nhiều khó khăn để điều hành công ty. Vào thời điểm trước đó công ty phát triển nhanh, nóng nhưng khi kinh tế gặp khó khăn, do quản lý còn gặp nhiều hạn chế, yếu kém nên đã dẫn đến nhiều vấn đề mà mình phải trả giá, trong đó có việc thiếu nợ.
Do thiếu nợ nên công ty phải cắt giảm nhân viên, đóng cửa hàng, thu hẹp hoạt động lại, từ điều đó dẫn đến rất nhiều khó khăn và khách hàng cũng không còn sử dụng nhiều sản phẩm của mình.
Doanh số lúc đó bằng không nên mình phải thay đổi, hoặc là sống, hoặc là chết. Tôi phải tiến hành cắt giảm tất cả các khoản chi tiêu, nếu như ngày xưa chi tiêu xa xỉ, lãng phí, không hợp lý thì bây giờ phải cắt giảm. Những khoản cần chi thì cũng phải chi một cách chi li, tính toán, có chọn lọc để giảm bớt các khoản chi vô lý.
Mặc dù đau đớn nhưng từng bước mình phải thu hẹp lại. Lúc mình phát triển rộng thì cảm thấy rất tự tin nhưng đến khi thu hẹp lại thì cảm giác như thất bại.
Hàng ngày phải đối diện với công nợ, đối diện với nhân viên không có lương, rồi các chi tiêu vẫn đến hàng ngày khi mở cửa đã khiến tôi thực sự căng thẳng, mệt mỏi. Nhưng qua đây, tôi cũng hiểu được, vấn đề cơ bản là phải thay đổi, phải cắt bỏ chi tiêu bất hợp lý, không tính toán như trước đây và phải lên những kế hoạch cụ thể trước khi chi tiêu", ông Hùng Cửu Long nói.
Cùng với đó, ông Hùng Cửu Long cũng chia sẻ đến việc đã làm lãnh đạo, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay là phải biết hy sinh, cắt giảm những quyền lợi cá nhân của mình.
"Người lãnh đạo trong giai đoạn khó khăn hiện nay là phải biết hy sinh, cắt giảm quyền lợi cá nhân của mình để nhường cho tập thể, anh chị em. Có như vậy, thì khi mình nói người ta mới phục, mới nghe được. Còn mình cứ luôn luôn giữ quyền lợi, ưu tiên của mình thì chắc chắn nhân viên dù vẫn phải làm nhưng vẫn không phục, ngầm phản đối và khi có điều kiện, người ta sẽ thể hiện sự bất mãn trong đó.
Một lãnh đạo muốn điều hành công ty tốt, thành công thì sự hy sinh rất là lớn và nếu làm được điều đó thì đấy là một cá tính, một giá trị, điểm mạnh, ngoài sự thông minh, trí thức", ông Hùng Cửu Long nhấn mạnh.
Theo NDT