Cơ quan thuế cho rằng quy định này là hợp lý, nhưng các chuyên gia đánh giá đây là bước thụt lùi về cải cách hành chính.
Theo quy định mới, nhà in phải có xác nhận của cơ quan thuế mới được in hóa đơn cho doanh nghiệp thành lập dưới 12 tháng. Trong ảnh: In hóa đơn tại Công ty giấy vi tính Liên Sơn, TP.HCM |
Chờ kiểm tra mới được phát hành...
"Bây giờ DN vì muốn có hóa đơn để sử dụng phải lệ thuộc vào cán bộ thuế. Giám đốc phải túc trực tại văn phòng để đợi cán bộ thuế đến, chưa kể quy định mới yêu cầu phải có xác nhận của cơ quan thuế mới được đặt in hóa đơn nhưng không nói rõ xác nhận cái gì nên các chi cục thuế rất dễ tùy tiện, suy diễn theo ý của họ và đây là lỗ hổng để cán bộ thuế làm khó DN" Giám đốc một DNtại quận 3, TP.HCM |
Chị Trần Ngọc Phượng - chủ một nhà hàng tại quận 2, TP.HCM - cho biết đầu tháng 8/2013, theo như thông lệ chị gửi thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế nhưng bị trả lại. Cán bộ thuế nói theo quy định mới, DN phải chờ cơ quan thuế đến kiểm tra xong mới được phát hành hóa đơn.
“Cơ quan thuế chỉ nói chờ nhưng không đưa ra thời gian cụ thể. Vì quá cần hóa đơn để xuất cho khách hàng, tôi phải lên xuống nhiều lần, đến nửa tháng sau cán bộ thuế mới đến kiểm tra địa điểm kinh doanh rồi chấp nhận cho sử dụng hóa đơn” - chị Phượng cho biết.
Tương tự, anh T.Q.N. (Q.Bình Tân) cũng bị từ chối nhận thông báo phát hành hóa đơn, khi anh khiếu nại đến cán bộ quản lý thuế thì lại được tiếp nhận. Thế nhưng ba ngày sau, cơ quan thuế gửi thông báo không chấp nhận cho DN sử dụng hóa đơn vì cán bộ thuế đến xác minh chưa thấy có biển hiệu, kho hàng, nhân viên, chưa gặp được người đại diện pháp luật. “DN tôi nhỏ, chủ DN kiêm luôn các vị trí khác chứ lấy đâu ra nhân viên, thư ký... như cơ quan thuế yêu cầu” - anh N. nói.
Nhiều DN khác cũng cho rằng càng ngày cơ quan thuế càng có nhiều quy định để siết việc sử dụng hóa đơn của DN.
Trước đây DN được tự đặt in hóa đơn, trước khi sử dụng chỉ cần gửi thông báo phát hành cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, sau khi xảy ra tình trạng nhiều DN kinh doanh nông sản lợi dụng sự thông thoáng này để sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tiền thuế VAT, Bộ Tài chính đã có quy định siết lại làm ảnh hưởng đến những DN làm ăn chân chính.
Mới đây Cục Thuế TP.HCM tiếp tục có văn bản yêu cầu nhà in phải có xác nhận của cơ quan thuế mới tiến hành in hóa đơn cho DN thành lập dưới 12 tháng.
Hiểu sai ý?
Không chỉ DN, nhiều nhà in cũng rất bức xúc vì quy định này. Ông Nguyễn Thái Linh, tổng giám đốc Công ty in Liên Sơn, nói ở các tỉnh cơ quan thuế không yêu cầu phải có xác nhận thì nhà in mới được in hóa đơn cho các DN thành lập và hoạt động dưới 12 tháng, nhưng ở TP.HCM cơ quan thuế lại yêu cầu. Chưa kể tại công văn của Bộ Tài chính chỉ nhấn mạnh đến những DN có rủi ro cao, có liệt kê như DN kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản sử dụng các hóa đơn bán hàng của các DN có trụ sở tại các địa phương không có nguồn nguyên liệu, DN mới thành lập đăng ký kinh doanh đa ngành nghề nhưng số vốn đăng ký thấp... Nhưng Cục Thuế TP.HCM lại gom hết vào các DN mới thành lập dưới 12 tháng, tức chỉ vì một vài DN mua bán hóa đơn nhưng lại bắt đa số DN còn lại phải chịu chung số phận.
Trong khi đó trao đổi với PV, bà Lê Thị Tám, cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho rằng các DN, nhà in đã hiểu sai hướng dẫn của Cục Thuế TP.HCM.
Theo bà Tám, công văn hướng dẫn đã ghi rõ căn cứ vào công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính, tức chỉ những DN mới thành lập và hoạt động mà rơi vào bốn nhóm đối tượng rủi ro cao mới phải có xác nhận của cơ quan thuế trước khi in hóa đơn, chứ không phải tất cả DN thành lập và hoạt động dưới 12 tháng. “DN thuộc diện phải xác minh trước khi in hóa đơn không rộng lớn. Do vậy đến nay chưa nhận được phản ảnh nào của DN cho rằng quy định này gây khó cho DN” - bà Tám nói.
Về phản ảnh của DN cho rằng do văn bản hướng dẫn không rõ ràng nên nhiều DN đến xin xác nhận đã bị cơ quan thuế từ chối vì không biết xác nhận vấn đề gì, theo bà Lê Thị Tám, đây không phải là việc mới vì trước đây cơ quan thuế từng làm trong nhiều năm. Việc kiểm tra hiện nay không có gì thay đổi, vẫn là xác minh DN có hoạt động thực tế hay không thông qua việc kiểm tra trụ sở, bảng hiệu, bàn ghế...
“Không thể quy định thời hạn cụ thể mà cơ quan thuế buộc phải xác minh vì khi cơ quan thuế đến địa phương xác minh phải có đại diện chính quyền địa phương xác nhận. Nhưng từ trước đến giờ cơ quan thuế làm rất nhanh vì số lượng DN thuộc đối tượng phải xác định không đông. Mỗi chi cục cao lắm trong một tháng chỉ phát sinh khoảng mười DN thuộc đối tượng phải xác minh trước khi in hóa đơn” - bà Tám nói. Trường hợp chi cục thuế địa phương làm khó, kéo dài thời gian xác minh gây khó khăn cho DN, DN có thể phản ảnh về đường dây nóng của Cục Thuế TP.HCM.
Thu hẹp đối tượng được tự in hóa đơn Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ chuyển một số đối tượng được tự in hóa đơn sang mua hóa đơn của cơ quan thuế để hạn chế gian lận thuế gồm: DN mới thành lập và hoạt động trong các ngành thương mại dịch vụ (trừ siêu thị, trung tâm thương mại) mua hóa đơn của cơ quan thuế trong 12 tháng từ khi thành lập. Sau đó căn cứ tình hình sử dụng hóa đơn, kê khai, nộp thuế của DN, cơ quan thuế sẽ có văn bản chấp thuận việc cho DN chuyển sang tự tạo hóa đơn để sử dụng. Ngoài ra, những DN đang thuộc đối tượng đặt in, tự in hóa đơn nhưng có sự thay đổi địa chỉ kinh doanh từ hai lần trở lên trong vòng 12 tháng, hoặc có hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn hoặc hành vi gian lận, trốn thuế và bị cơ quan thuế xử phạt cũng buộc phải chuyển sang mua hóa đơn của cơ quan thuế. |
Theo Tuổi Trẻ