Những con sóng của Hoàng Anh Gia Lai

Chủ nhật, 01/09/2013, 00:51
Với những ngành mang tính chu kỳ, lựa chọn thời điểm vào ra là yếu tố cốt tử nhất. Tuy nhiên lợi nhuận lớn không bao giờ thuộc về số đông.

Hoang Anh Gia Lai

Những ngày giữa tháng 8 vừa rồi, giới đầu tư trong nước chăm chú theo dõi những bước đi mới của HAGL khi công ty quyết định tái cơ cấu lần thứ ba, thoái vốn khỏi thủy điện, BĐS trong nước, khoáng sản và gỗ đá.

Dù chưa từng là cổ đông HAG, tôi vẫn luôn theo dõi hoạt động của công ty nhiều năm nay bởi sự ngưỡng mộ dành cho Bầu Đức. Anh được nhiều người coi như tấm gương sáng cho bản lĩnh doanh nhân, tầm nhìn xa, và hiệu quả thực thi cao trong công việc.
Đối với tôi, HAGL không chỉ là một doanh nghiệp thông thường, đó còn là một chuỗi các cuộc phiêu lưu kỳ thú, là đại điện cho khát vọng làm giàu và vươn lên tầm vóc thế giới của doanh nhân Việt Nam.
Hoang Anh Gia Lai
Trong những cuộc phiêu lưu của HAGL, tôi muốn bắt đầu với Bóng đá, lĩnh vực mà tôi hoàn toàn tin rằng Bầu Đức hiểu rất rõ và làm rất đúng trong hơn 10 năm qua.
Đầu những năm 2000, cả nước sống trong niềm đam mê vô tư và cuồng nhiệt với nền bóng đá non trẻ nước nhà sau những chiến tích đầu tiên ở sân chơi khu vực. HAGL đã làm một việc chấn động khi mua về Kiatisak, cầu thủ suất sắc nhất Thái Lan và ASEAN khi ấy. Cuộc chơi bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam từ đó hình thành và thăng hoa nhanh chóng.
Với tư cách là người đi tiên phong và đoạt hàng loạt cúp vô định, HAGL và Bầu Đức đã dành được ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ và cũng hớt cho mình lớp váng ngon lành nhất mà Bóng đá chuyên nghiệp mang lại.
Sau tấm gương thành công của HAGL, từ giai đoạn 2006-2009 rất nhiều doanh nghiệp và địa phương đã vào cuộc đua tranh V League và những chiếc cúp. Hương vị thành công nhạt dần, nhường chỗ cho lạm phát tiền lương và tiêu cực.
Hoang Anh Gia Lai

Tác giả Lê Chí Phúc Giám đốc quỹ đầu tư SGI

Khi ấy, Bầu Đức đã tỉnh táo chỉ đạo đội bóng rút khỏi cuộc đua hao tiền tốn của và đầy thị phi để tính một chiến lược dài hơi và bài bản hơn – đầu tư vào bóng đá trẻ. Học viện bóng đá HAGL Arsenal ra đời năm 2007. Tới nay, chiến lược ấy đã bắt đầu gặt hái những thành quả đầu tiên đầy hứa hẹn khi đội trẻ HAGL thắng chính đội tuyển U17 Arsenal trong lần du đấu trên đất Anh năm ngoái.
Tuy vậy, các cuộc phiêu lưu khác của HAGL không được thành công mỹ mãn như những gì họ đã làm được với bóng đá. Áp lực vốn vay ngày càng đè nặng trong khi tổng tài sản có mức sinh lời ngày càng thấp đã khiến HAGL bắt buộc phải tiến hành tái cơ cấu. Nói cụ thể hơn là HAGL sẽ thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư kém hiệu quả để giảm tỷ lệ vay nợ và dồn vốn vào các lĩnh vực có kỳ vọng sinh lời cao hơn.
Hoang Anh Gia Lai

Tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản của HAGL tăng mạnh kể từ năm 2010

Bất động sản:

HAGL là một tên tuổi lớn trong ngành BĐS với quỹ đất rẻ và rộng, tập trung chủ yếu tại TP.HCM. Quỹ đất được HAGL tích lũy từ đầu những năm 2000 đã từng là một lợi thế rất lớn khi thị trường BĐS Việt Nam đi vào giai đoạn thăng hoa cực thịnh 2006-2009. HAGL đã phát triển nhiều dự án lớn và thu những khoản lợi nhuận không nhỏ những năm 2007-2010.

Tuy vậy, khi bong bóng lớn nhất lịch sử thị trường BĐS Việt Nam bung vỡ, giá nhà đất rơi mạnh 3 năm liên tiếp, HAGL vẫn giữ lại lượng hàng tồn kho tương đương 2 triệu m2 thành phẩm từ 16 dự án.

Kinh nghiệm từ các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan cho thấy giá BĐS chạm đáy và đi ngang 3-5 năm. BĐS Việt Nam sẽ khó lòng phục hồi trong 1-2 năm tới. Vừa qua, HAGL đã tuyên bố thoái vốn khỏi các dự án BĐS trong nước vì lý do “càng làm càng lỗ”. Giả sử mức lợi suất bình quân tối thiểu là 5 triệu đ/m2 thành phẩm trong giai đoạn 2007-2010 thì HAGL đã lỡ một cơ hội thu lời 10.000 tỷ và nay phải chấp nhận bán hòa hoặc lỗ quỹ đất của mình.

Thủy điện:

Sau thời kỳ Việt Nam bùng nổ nhu cầu năng lượng 2006-2009, hàng loạt các dự án thủy điện mọc lên như nấm sau mưa. Giai đoạn 2008-2011, đầu tư thủy điện là trào lưu thời thượng khi rất nhiều những doanh nghiệp ngoài ngành đổ xô đi tìm địa điểm đặt nhà máy thủy điện. Nói không ngoa, từng km của mọi con sông lớn nhỏ trên lãnh thổ Việt Nam đều được các nhà đầu tư thủy điện xới tung. HAGL cũng đã bị cuốn vào vòng xoáy ấy.

Vào cuối năm 2005, chuyên gia đầu ngành của Việt Nam là ông Lê Bá Nhung, chủ nhiệm đề án Thủy điện Sơn La lúc bấy giờ, có nói với tôi rằng: “Sau 2-3 năm nữa, tất cả các vị trí tốt nhất để làm thủy điện sẽ được khai thác hết. Đa số các nhà máy xây dựng sau giai đoạn này sẽ gặp vấn đề lớn về hiệu quả vận hành vì vị trí địa lý và điều kiện thủy văn không phù hợp”.

Thủy điện là lĩnh vực đặc thù có hiệu quả đầu tư không cao bởi giá bán điện bị khống chế bởi người mua duy nhất – EVN. Chi phí xây dựng ban đầu đòi hỏi một lượng vốn rất lớn. Bởi thế, để giải bài toán thành công đối với đầu tư thủy điện còn cần tới nguồn vốn dài hạn với chi phí thấp. Điều này là xa xỉ đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong giai đoạn lạm phát cao 6 năm trở lại đây.

Mặc dù HAGL có suất đầu tư bình quân ở mức thấp nhất trong ngành (20 tỷ/MW), việc thiếu đi 2 yếu tố then chốt về vị trí địa lý tối ưu và nguồn vốn rẻ khiến các dự án thủy điện chỉ đạt hiệu quả thấp. Chuyện công ty thoái vốn khỏi lĩnh vực này là điều sớm muộn sẽ xảy ra.

Khoáng sản:

Giai đoạn 2006-2010, nhu cầu tăng đột biến từ Trung Quốc (chiếm tới hơn 40% nhu cầu nhập khẩu quặng sắt, than đá toàn cầu) đã đẩy giá các loại khoáng sản tăng gấp nhiều lần chỉ trong vài năm. Toàn thế giới lao vào cuộc đua giàng giật quyền sở hữu và khai thác các loại mỏ với kỳ vọng đạt siêu lợi nhuận.

Ở ngay giữa giai đoạn đỉnh của chu kỳ ngành khai khoáng, HAGL một lần nữa cũng bị cuốn vào làn sóng ấy với 3 mỏ sắt tại Việt Nam, Lào và Campuchia.

Phải công nhận rằng, so với các đối thủ cạnh tranh, HAGL thời điểm đó đã mua được được các mỏ có chất lượng và trữ lượng tốt ở mức giá hợp lý. Tuy nhiên, khoáng sản là một trong những lĩnh vực đầu tư có rủi ro cao nhất bởi khuôn khổ pháp lý không ổn định và tính đầu cơ theo chu kỳ khắc nghiệt. Vì thế thận trọng lựa chọn đúng thời điểm đầu tư và thời điểm thoái vốn mới là điều quan trọng nhất quyết định hiệu quả đồng vốn bỏ ra.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc rõ nét và quốc gia này đã chuyển hướng tăng trưởng từ đầu đầu tư hạ tầng cơ bản sang kích thích tiêu dùng.

Điều đó đồng nghĩa với các ngành sắt thép, xi măng, than đá, khai khoáng… sẽ phải đối mặt với một giai đoạn suy giảm nhu cầu kéo dài. Song hành với đó là áp lực từ nguồn cung gia tăng do đầu tư công suất khai thác quá mức trong những năm bùng nổ vừa qua sẽ tiếp tục tạo sức ép lớn lên giá quặng và sắt thép.

HAGL mới đây công bố rằng các mỏ sắt vẫn đang có lãi, nhưng thừa nhận rủi ro pháp lý và rủi ro cung cầu khiến tập đoàn quyết định rút lui khỏi lĩnh vực kém hấp dẫn này. Gia nhập ngành ở đỉnh chu kỳ và thoái lui ờ gần vùng đáy, cuộc phiêu lưu với lĩnh vực khoáng sản của công ty không để lại một cái kết có hậu.

Mía đường:

Mía đường có lẽ là ví dụ điển hình nhất của hiệu quả thực thi tuyệt vời của HAGL. BCTC nửa đầu năm cho thấy tổ hợp nhà máy mía đường HAGL tại Attapeu đã cho quả ngọt với mức tỷ suất lợi nhuận rất cao.

Hơn 5500 ha mía trồng tập trung cơ giới hóa với công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel đã cho năng suất 130 tấn/ha. Cao hơn cả mức bình quân các cường quốc sản xuất đường trên thế giới như Brazil hay Thái Lan. Kết quả là mía thành phẩm của HAGL có giá vốn thấp tới ngạc nhiên, chỉ hơn 4,3tr đ/tấn trong khi giá bán hiện quanh 13tr đ/tấn.

Mức giá vốn ở vào hàng thấp nhất thế giới này đã giúp khoản đầu tư vào mía đường của HAGL, dù đầu tư đúng vào đỉnh chu kỳ, vẫn có tỷ suất lợi nhuận tốt mặc dù giá đường đã giảm gần 50% so với 2011.

Với chu kỳ cây mía kéo dài 4 năm, có thể hy vọng diện tích mía đường gia tăng sau giai đoạn giá đường đạt đỉnh 2010-2011 sẽ được thu hẹp vào cuối 2014 đầu 2015. Khi đó, hy vọng giá mía sẽ tạo đáy để chuẩn bị cho một chu kỳ tăng giá mới. Dù không đạt mức lợi nhuận như kỳ vọng vào thời điểm xây dựng dự án, mía đường cũng đã cho cổ đông HAGL được nếm vị ngọt đầu tiên từ cuộc dấn thân này.

Hoang Anh Gia Lai

Giá đường giảm mạnh trong năm 2013 sau khi đạt đỉnh năm 2011

Cao su:

Cái hay của Bầu Đức là luôn tìm ra cho HAGL các cơ hội mới khi các cơ hội cũ đã đi qua hoặc không đạt kỳ vọng ban đầu. Các cuộc phiêu lưu mới của HAGL luôn có quy mô và tầm vóc lớn hơn và cổ đông lại tiếp tục có những mục đích, những niềm hy vọng mới để chờ đợi. Cao su chính là một trong những cuộc dấn thân như thế.

Trưởng thành và gây dựng cơ nghiệp từ miền đất Tây Nguyên, Bầu Đức biết đến cây cao su từ rất sớm. Tuy vậy, khi giá cao su bắt đầu vào giai đoạn tăng tốc 2007-2012 thì HAGL mới đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực này.

Trong giai đoạn mười năm 2001-2011, giá mủ cao su đã tăng tới hơn 12 lần. Những năm hoàng kim 2010-2012 khi mủ cao su được xuất khẩu với giá 4000USD - 6000USD/tấn, Bầu Đức từng gọi cây cao su là “vàng trắng” và ông nói “có bán nhà tôi cũng lấy tiền trồng cao su”.

Bầu Đức của HAGL nghĩ vậy, và lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai, Đức Long Gia Lai, BĐS Phát Đạt, Gemadept, … cũng có chung suy nghĩ đó. Giai đoạn 2008-2011, cùng với những doanh nghiệp trong ngành cao su, các doanh nghiệp ngoài ngành cũng đổ xô đi tìm đất trồng cao su. Người nông dân cũng chặt bỏ nhiều loại cây để dồn đất trồng cao su bởi vào năm 2011 một ha cao su chưa cạo mủ cũng có giá tới 300-400tr đồng.

Không chỉ người Việt Nam nghĩ như vậy, người Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Campuchia cũng bị cuốn vào con sóng với sức hút mãnh liệt của “vàng trắng”. Diện tích trồng cao su tăng vọt trên hàng loạt các quốc gia trong suốt giai đoạn 2007-2012.

Cây cao su từ thời điểm trồng cho tới khi có thể cạo mủ thu hoạch, cần tối thiểu là 5-7 năm và năng suất tối ưu đạt được trong giai đoạn cây 9-15 năm tuổi. Đặc điểm này khiến chu kỳ ngành cao su tự nhiên kéo dài và khốc liệt hơn rất nhiều so với chu kỳ cây nông nghiệp khác. Diện tích trồng mới tích lũy suốt giai đoạn 2007-2012 cho tới năm 2011, khi giá cao su chạm đỉnh, chưa hề được đưa vào khai thác.

Chỉ hai năm sau khi đạt đỉnh cao 6000USD/tấn, giá cao su đã rớt không phanh về 2400USD/tấn. 2013-2018 mới là cao trào thu hoạch của những diện tích trồng mới khổng lồ này. Và đó sẽ là giai đoạn tạo đáy của giá cao su.

Trong vòng 3-5 năm tới, sản lượng cao su sẽ tăng tốc rất nhanh và nhiều khả năng tiếp tục vượt qua mức tăng của nhu cầu vốn phụ thuộc rất lớn (30% sản lượng tiêu thụ) vào nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Một lần nữa, lợi nhuận lớn không bao giờ thuộc về số đông.

Hoang Anh Gia Lai

Nguồn: International Rubber Study Group.

Với sự quyết liệt và hiệu quả trong công việc, HAGL đã lại làm được những kỳ tích mà rất ít doanh nghiệp làm được. Trong hơn 6 năm, HAGL đã phát triển được diện tích vườn cao su khổng lồ với hơn 50.000 ha trên lãnh thổ Lào, Campuchia và Việt Nam.

Mỗi ha cao su của Bầu Đức có chi phí đầu tư thấp hơn 20% so với trung bình ngành nhưng theo kế hoạch sẽ cho năng suất khai thác khá cao, đạt 2-2,5 tấn/ha. Bởi vậy Bầu Đức luôn tự tin rằng, với chi phí vốn khoảng 1100USD/tấn, trong mọi trường hợp thì cao su HAGL đều có lãi.

Tuy vậy nếu giá cao su duy trì nhiều năm ở vùng đáy 1500-2000USD/tấn như dự báo của IRSG và mức lãi của Cao su HAGL chỉ đạt thấp như với Thủy điện hay Khoáng sản, liệu Bầu Đức có tiến hành tái cơ cấu một lần nữa?

Tôi còn nhớ lần dự ĐHCĐ 2011 của HAGL, Bầu Đức tiết lộ rằng CP cao su đang là hàng “hot” và một số tổ chức đầu tư quốc tế sẵn sàng mua một phần lớn vốn tại Công ty Cao Su HAGL với định giá 1 tỷ USD. Khi ấy giá cao su vẫn đang trụ ở 4000-5000USD/tấn.

Nhìn lại quá khứ để ngẫm ra bài học thì nếu ban lãnh đạo HAGL khi ấy quyết định bán đi 50% Công ty Cao su để chia sẻ bớt lợi ích cũng như rủi ro thì cổ đông HAGL đã được hưởng một khoản lợi nhuận khổng lồ và dòng tiền của công ty cũng thu về 10.000 tỷ. Biết đâu HAGL giờ đây sẽ ở vị thế của người đi tìm mua lại các tài sản tốt bị bán rẻ ở đáy chu kỳ chứ không phải trải qua lần tái cơ cấu thứ ba này.

Bất động sản Myanmar:

Với quy mô đầu tư lên tới 450 triệu USD, một lần nữa Bầu Đức và cổ đông HAGL lại dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới lớn hơn với kỳ vọng lợi nhuận cũng cao hơn.

Bầu Đức và HAGL vẫn cho thấy cái tài của việc lấy được tài sản tốt với giá rẻ khi có được dự án quy mô hơn 7ha giữa trung tâm Yangon với giá 750$/m2 (so với mức giá thị trường hiện cao gấp nhiều lần). Với quyết tâm dốc toàn lực từ HAGL và năng lực thực thi đã nhiều lần được kiểm chứng, có thể tin tưởng rằng tổ hợp BĐS phức hợp tại Yangon sẽ được hoàn thành và đưa vào kinh doanh đúng kế hoạch.

Quay về với khái niệm chu kỳ, BĐS Myanmar được đánh giá là giống với BĐS Việt Nam giai đoạn 1993-1994 vốn rất thiếu thốn nguồn cung trong khi nhu cầu tăng vọt nhờ mở cửa đón dòng vốn nước ngoài.

Giá phòng khách sạn, giá thuê văn phòng và cả giá đất ở tại Yangon tăng rất mạnh trong hai năm qua và đang ở mức rất đắt đỏ, tương đương với BĐS Hà Nội và TP.HCM giai đoạn 2007-2008. Đây là mức giá không bền vững với một quốc gia có nền kinh tế nhỏ, mới mở cửa và có môi trường kinh doanh còn đầy rủi ro như Myanmar. Câu hỏi hiện nay là khi nào bong bóng BĐS Myanmar sẽ đạt đỉnh và bung vỡ.

Thay lời kết: Cũng như rất nhiều doanh nhân Việt Nam khác, Bầu Đức theo đuổi khát vọng làm giàu bằng việc tham gia vào những ngành nghề mang tính đầu cơ và chu kỳ rất cao. Với những ngành mang tính chu kỳ, lựa chọn thời điểm vào ra là yếu tố cốt tử nhất.

Sau những trải nghiệm đã qua từ những con sóng BĐS, khoáng sản, thủy điện, cao su, hy vọng Bầu Đức và HAGL sẽ tiếp tục phát huy hết lợi thế về hiệu quả triển khai, kết hợp với xác định đúng thời điểm đầu tư và thoái vốn. Để một ngày gần đây người Việt Nam được tự hào về một tỷ phú đô la Đoàn Nguyên Đức.

Theo DDTCCK

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn