Cần một bàn tay quyết liệt hơn

Thứ hai, 02/09/2013, 14:07
0,83% là mức tăng khá mạnh của lạm phát trong tháng 8 và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3. Nếu tính theo năm, lạm phát đang đứng ở mức 7,5%, vượt qua mục tiêu 7% do Chính phủ đặt ra cho năm nay.

Bóng ma lạm phát quay trở lại đã làm cho nhiều người lo ngại. Trên sàn TP.HCM, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 4% trong tuần công bố lạm phát tháng 8.

“Lạm phát có thể tăng đến 8% vào cuối năm và cao hơn mục tiêu của Chính phủ. Điều này là do lạm phát tháng 9, theo mô hình dự báo của chúng tôi, có thể sẽ cao hơn vì chi phí giáo dục tăng và vì giá cả thường tăng vào cuối năm”, ông Nguyễn Trung Hòa, Phó phòng Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, nhận xét.

Tuy nhiên, cũng không nên quá bi quan. Nguyên nhân chính gây ra lạm phát tháng 8 là các quyết định hành chính, khi một số địa phương, đặc biệt là Hà Nội, đã quyết định nâng giá thuốc và dịch vụ y tế trên địa bàn.

lam phat
Lạm phát được dự đoán có thể tăng lên đến 8% vào cuối năm nay.

Trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế đã tăng đến 54,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí giao thông (ảnh hưởng từ các đợt tăng giá xăng) chỉ tăng 7,81%. Đáng chú ý là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong rổ CPI, chỉ tăng 2,96%. Do đó, sức cầu yếu của nền kinh tế sẽ là yếu tố giữ lạm phát năm nay không tăng cao.

Theo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tháng 7 của HSBC, các doanh nghiệp cũng đang cố gắng giữ giá sản phẩm đầu ra không tăng để duy trì khách hàng và giảm lượng tồn kho.

Như vậy, có lẽ yếu tố tác động lớn nhất đến lạm phát cuối năm sẽ phụ thuộc vào các quyết định hành chính. Do đó, cần sự nhất quán trong chính sách điều hành từ nay đến cuối năm.

Về lĩnh vực y tế, có một địa phương lớn là TP.HCM chưa điều chỉnh giá thuốc và dịch vụ y tế. Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nhiều khả năng đến đầu năm sau, thành phố này mới tăng giá, nên sẽ có thể hạn chế áp lực lạm phát cuối năm nay. Ngoài ra, có thể việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát cẩn trọng lượng tiền bơm ra nền kinh tế từ đây đến cuối năm cũng sẽ giúp giảm bớt nỗi lo này.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) giai đoạn 2000-2010, nỗi ám ảnh lạm phát quá khứ và lạm phát kỳ vọng có tác động rất lớn đến mức độ lạm phát hiện tại. Hiểu một cách đơn giản, do lo ngại lạm phát trong quá khứ có thể lặp lại trong tương lai, nhân viên có thể đòi mức lương cao hơn. Để bù đắp chi phí này, doanh nghiệp có thể sẽ tăng giá bán sản phẩm.

Kỳ vọng về lạm phát như thế đã được phản ánh ngay vào giá thời điểm hiện tại, làm cho lạm phát có thể trầm trọng thêm. Vì vậy, trong lúc này, rất cần một lời giải thích về lạm phát mục tiêu từ Chính phủ để làm dịu kỳ vọng lạm phát của thị trường.

Một nhân tố khác có thể tác động đến CPI là việc điều chỉnh tỉ giá. Nghiên cứu của VEPR cho thấy việc hạ giá tiền đồng có tác động đáng kể đến lạm phát, đặc biệt kể từ năm 2008 khi tỉ giá được phép điều chỉnh linh hoạt hơn và nhanh hơn. Nếu tỉ giá tăng thêm 1%, sẽ có thể làm tăng 0,23% chỉ số CPI ngay trong tháng đó.

Nhà đầu tư đang rút vốn ra khỏi khu vực châu Á và có lẽ Việt Nam không phải là ngoại lệ. Điều này có thể sẽ tác động tiêu cực lên tỉ giá. Thế nhưng, với khả năng can thiệp bằng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, tỉ giá VND/USD được dự đoán sẽ biến động rất ít. Điều này sẽ tác động tích cực đến khả năng kiềm chế lạm phát cuối năm nay.

Nếu xét kỹ, lạm phát tăng cũng là điều tốt vì nó tăng áp lực đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế. Từ năm 2011 khi đối mặt với lạm phát hai con số, Chính phủ đã thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa, đồng thời cho biết sẽ tái cấu trúc 3 khu vực, bao gồm đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Những động thái này đã mang lại hy vọng về viễn cảnh phục hồi của nền kinh tế.

Thế nhưng, trong 2 năm qua có vẻ như Chính phủ đã bỏ lỡ khá nhiều cơ hội khi có quá ít các động thái được triển khai. Việc cải tổ doanh nghiệp nhà nước vẫn giậm chân tại chỗ. Hệ thống ngân hàng vẫn còn yếu ớt. Thậm chí, đến lúc này, còn chưa có nổi đề án tái cấu trúc cho khu vực đầu tư công.

Có lẽ sau khi thắt chặt mạnh chính sách tiền tệ và tài khóa, khiến sức cầu của nền kinh tế sụt giảm và làm cho lạm phát được kéo từ mức hai con số xuống một con số vào năm ngoái, các nhà điều hành dường như đã hài lòng mà quên đi nhiệm vụ quan trọng này.

Việc lạm phát có xu hướng tăng trở lại cho thấy đà phục hồi kinh tế Việt Nam vẫn còn mong manh, từ đó thúc giục các nhà điều hành chính sách phải hành động quyết liệt hơn nữa để tái cấu trúc, đưa nền kinh tế phát triển bền vững hơn.

Theo NCDT

Các tin cũ hơn