Quả như lời của mẹ cô, trong khi nhiều bạn bè của Hạnh chật vật tìm việc làm, cô được trả 5 triệu đồng/tháng trong thời gian thử việc, sau đó nhận được 7 triệu đồng/tháng. Từ năm 2009-2011, mỗi năm Hạnh đều được tăng lương. Tính ra mỗi năm, cô nhận được 100 triệu đồng tiền lương, cùng tiền thưởng quý và Tết lên tới 4-5 tháng lương/năm.
Không chỉ tăng số lượng nhân viên, Sacombank còn dự kiến sẽ tăng lương. |
Bỗng dưng thất thế
Năm 2012, ngân hàng kinh doanh khó khăn, không đạt chỉ tiêu doanh số nên hầu hết nhân viên đều không được tăng lương; thưởng Tết cũng chỉ ở mức 2 tháng lương. Những trường hợp tay ngang như Hạnh bị đưa vào danh sách “xem xét”.
Hạnh đã bị chuyển từ phòng hành chính qua bộ phận tín dụng và cô bị áp chỉ tiêu doanh số giải ngân hằng tháng. Nếu không đạt chỉ tiêu, Hạnh sẽ bị trừ một mức lương tương ứng, tùy theo doanh số đạt được. Thời thế thay đổi, mức lương của cô giờ chỉ quanh mốc 5 triệu đồng/tháng.
Chán nản, Hạnh muốn nghỉ việc trở lại làm đúng ngành đã học và cũng là mơ ước của cô. Tuy nhiên, công ty du lịch nào cũng yêu cầu 2-3 năm kinh nghiệm cho vị trí ứng tuyển tương ứng. Điều đó có nghĩa, nếu bắt đầu lại, Hạnh sẽ phải thử việc và hưởng mức lương ít ỏi mà cách đây 4-5 năm bạn của cô từng nhận.
Câu chuyện của Hạnh chỉ là một trường hợp nhỏ trong cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ từ năm 2012. Không ít lãnh đạo cấp cao hay nhân viên có thâm niên trong ngành ngân hàng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Gây chú ý nhất là việc bà Bùi Thị Mai, nguyên Tổng Giám đốc Habubank, bị thuyên chuyển sang bộ phận thu hồi công nợ sau chưa đầy 3 tháng giữ chức Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB sau khi hai ngân hàng này (SHB và Habubank) sáp nhập.
Bà Mai gia nhập Habubank vào năm 1995 sau 10 năm công tác tại Bộ Tài chính và Viện Khoa học Việt Nam. Đến năm 2002, bà được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc và 6 năm sau lên chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Habubank.
Có thể nói sự phát triển của thương hiệu ngân hàng cổ phần đầu tiên Hà Nội này gắn liền với tên tuổi của bà. Khi vướng phải khách hàng Vinashin với số nợ lên tới 3.000 tỉ đồng và không phát sinh lợi nhuận, Habubank đã gần như ngã gục. Khoản nợ xấu lên tới 23,66% (tương đương 3.729 tỉ đồng) là nguyên nhân của cuộc sáp nhập và khiến cho bà Mai bị thất thế.
Biến động nhân sự của một số ngân hàng 6 tháng đầu năm 2013. Đơn vị: người |
Dấu hiệu tích cực
Báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 được các ngân hàng công bố cho thấy lợi nhuận tiếp tục giảm mạnh trong khi tỉ lệ nợ xấu vẫn gia tăng. Vì thế, việc cắt giảm chi phí và tiếp tục tái cơ cấu trong đó có tái cơ cấu bộ máy nhân sự là tất yếu.
Từ năm 2012 đến nay, các ngân hàng liên tục cắt giảm và tuyển dụng nhân sự. Điển hình là cuộc sàng lọc tại Ngân hàng Á Châu (ACB) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank). Năm 2012, ACB đã tuyển 1.663 người và VietinBank 1.218 người. Thế nhưng, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2013, ACB đã cắt giảm 7% số nhân viên, tương đương 568 người, VietinBank cắt 189 người. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cắt giảm 285 nhân viên trong 4 tháng đầu năm.
Trong khi nhiều ngân hàng cắt giảm mạnh nhân sự, vẫn có một số đơn vị tuyển người với số lượng lớn. Đáng chú ý là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), khi tuyển tới 883 nhân viên trong 6 tháng đầu năm 2013. Một nguồn tin tại Sacombank cho biết, không chỉ tăng số lượng nhân viên, ngân hàng này còn dự kiến sẽ tăng lương do doanh số 6 tháng đầu năm đã vượt chỉ tiêu.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, sự thay đổi nhân sự này gắn liền với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và đó là diễn biến tích cực. Việc ngân hàng này cắt giảm nhân sự sẽ là cơ hội tốt để các ngân hàng khác có thêm sự lựa chọn, tuyển được những ứng viên sáng giá, đáp ứng tốt yêu cầu công việc.
Bà Tiêu Yến Trinh, Giám đốc Công ty Tư vấn Nhân sự TalentNet, thì nhận xét: “Chúng tôi nhận thấy các ngân hàng vẫn đầu tư cho nhân sự chủ chốt và tìm kiếm nhân viên giỏi. Sự khác biệt ở đây có chăng là các ngân hàng sẽ ngày càng chú trọng hơn đến chất lượng lao động cũng như chính sách giữ nhân tài”.
Tình trạng cắt giảm, luân chuyển nhân sự cùng với việc cắt giảm lương thưởng đã làm cho độ nóng sốt của ngành ngân hàng giảm đi nhiều. Điều này cũng được thể hiện một phần qua chỉ tiêu tuyển dụng của các trường đại học đào tạo các chuyên ngành liên quan.
Đại học Ngân hàng, trường đào tạo lớn về nhân lực cho lĩnh vực tài chính ngân hàng tại TP.HCM và cả phía Nam, là một ví dụ. Trong năm 2013, Trường đã tuyển không đủ chỉ tiêu cho nguyện vọng 1. Chỉ tiêu tuyển là 1.500 sinh viên nhưng chỉ có 1.392 thí sinh dự thi.
Trong vài năm tới, khi nền kinh tế hồi phục, ngành ngân hàng khởi sắc, chắc chắn sẽ cần thêm nhân lực. Khi đó, ngân hàng sẽ tìm đâu ra người?
Theo NCĐT