Thì một ca sỹ nhiều năm hoạt động nghệ thuật, làm giám khảo nhiều show trên truyền hình, có nụ cười cứ gọi là vang và sang bỗng nhiên nói rằng không có tiền để trả khoản nợ 2,5 tỷ.
Nghe cũng lạ, thường thấy ca sỹ “hét” cátxê vài chục triệu mỗi bài, tới mức giới cầu thủ bóng đá, vốn không đến mức gọi là nghèo còn nói: “Tui chạy rạc cẳng cả tháng không bằng họ hét toáng một đêm”.
Thực ra những cái gọi là hàng mấy chục triệu ấy, chỉ rơi vào nhóm ít những tên tuổi thuộc hàng “hot” ở showbiz. Còn lại cũng phải bươn chải, kiếm thêm bằng cách mở cửa hàng. Ngoại lệ có những người mẫu kinh doanh vốn tự có.
Nhưng khổ, nghệ sỹ thì lại…sỹ. Ít khi trưng cái khó cái khổ của mình ra, ngược lại cứ nhăm nhăm màu mè để thiên hạ nhức mắt: Mượn nhà ông bầu khoe của trong khi nhà thật ở quê lại…xác xơ.
Nghèo thì ở đâu chả nghèo. Nó còn tùy quan niệm từng người.
Đến đại gia như Cường đôla (cái nick name đã khiến người ta ái ngại), từng là cậu chủ của một dàn siêu xe, tiêu tiền như nước, phu quân của một người mẫu – ca sỹ mà cũng từng than nghèo và hô quyết tâm…phấn đấu.
Tất nhiên, nghèo là nghèo so với tỷ phú đôla người Mỹ Warren Buffett.
Hà Nội T&T là vua nhưng vẫn nghèo khán giả. Cường đôla nghèo là nghèo so với tỷ phú đôla người Mỹ Warren Buffett. |
Hôm rồi, báo chí đưa và mọi người sửng sốt: Một giám đốc công ty thoát nước tại TP.HCM được nhận mức lương chỉ…2,6 tỷ/năm. Phải hiểu đây là lương doanh nghiệp công ích của nhà nước, nếu doanh nghiệp ấy có lãi khủng thì lương vậy cũng không chẳng đáng phải bàn.
Đằng này, lĩnh vực của ông cũng bị dân chúng than trời, bản thân người lao động trực tiếp lương thấp nên tạo ra độ vênh và nhìn mức lương với hiệu quả cho thấy sự phản cảm.
Nhưng lấy gì để đo lương và đóng góp?
Như bóng đá chẳng hạn, lâu nay vẫn được cho là “cái cối xay tiền” nhưng vẫn tồn tại những CLB tung tiền khủng mua cầu thủ, hoặc đi đêm lót tay.
K.Kiên Giang là đội khổ nhất giải, nợ lương, thiếu tiền. Thế nhưng nếu biết trước đội bóng này sẽ phải tham dự một giải đấu không phải xuống hạng thì có lẽ cầu thủ chắc chỉ nhận lương…công chức để chơi bóng.
Ở Việt Nam, chuyện trụ hạng đôi khi quan trọng hơn cả chức vô địch. Ai đầu tư cho một giải đấu mà mùa sau chưa biết V.League và hạng Nhất lên xuống hạng thế nào?
Thế nên có người đưa ra đề xuất là BTC giải, CLB và cầu thủ nên đưa ra thang lương căn cứ vào khoản thu chủ yếu là bán vé. Đại để là anh làm gì thì làm, miễn phải đá hay, khán giả chịu mua vé vào sân thì có lương cao, khán giả mà ít thì chấp nhận đói.
Nhưng mà nếu thế thì Hà Nội T&T lấy tiền đâu nuôi quân nếu không chờ bầu sữa ông chủ. Đội bóng này vừa tuyên bố miễn phí vé vào cửa, thậm chí chuẩn bị sẵn quần áo thi đấu “khuyến mại” cho NHM trong trận đấu Hà Nội T&T- V. Hải Phòng cuối tuần này.
CLB ít khán giả nhất (nhưng lại vô địch) “rải tiền” để “dụ” khán giả ở nơi cuồng nhiệt nhất (nhưng thành tích thấp).
Hóa ra cái nghèo cũng muôn hình vạn dạng. Như Hà Nội T&T - vua đấy, nhưng vẫn phải than nghèo.
Theo Thể Thao 24h