Lạm phát cả năm dự báo khoảng 7-8%, tỷ giá hối đoái được cam kết không biến động. Việc đồng USD mạnh lên thì tiền đồng giảm giá là tất yếu, dự báo sẽ tiếp tục phá giá tiền đồng thêm một lần nữa từ nay đến cuối năm 2013 (khoảng 1%).
Ngoài ra, Việt Nam là một thị trường cận biên, P/E rẻ thứ hai trong khu vực, quy mô không lớn, do đó sự dịch chuyển vốn chủ yếu là do ảnh hưởng của các quỹ ETF...
Nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn loay hoay và không nhìn ra được cơ sở bền vững. Do vậy, gần đây, một số nhà phân tích khuyên nhà đầu tư gắn liền diễn biến kinh tế thế giới để phân tích thị trường sao cho hiệu quả và chính xác nhất.
Nói như thế vì thời gian qua, dù có rất nhiều quyết sách và khẳng định nền kinh tế có dấu hiệu tích cực nhưng dường như thị trường vẫn đi ngược lại. Nguyên nhân là những cú sốc nền kinh tế thế giới đang ảnh hưởng rất lớn đến thị trường các nước mới nổi, đặc biệt là Việt Nam.
Chẳng hạn, bà Trần Thị Hà My, chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khóan Rồng Việt đưa ra những thông tin đáng chú ý về một số thay đổi lớn trên thị trường tài chính thế giới sau phát biểu của FED trong cuộc họp vào cuối tháng 5 gồm:
(1) Lợi suất thị trường trái phiếu Mỹ tăng cao trong khi chỉ số chứng khoán các thị trường mới nổi sụt giảm,
(2) Đồng USD mạnh lên và các đồng tiền tại các thị trường mới nổi mất giá,
(3) Rủi ro tại các thị trường mới nổi đang tăng lên từng ngày,
(4) Vốn rút khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu và cổ phiếu.
Một sự kiện nổi lên gần đây có tên là Indianesia (thuật ngữ được Ngân hàng đầu tư Goldman Sach gọi tên cho vấn đề hiện tại của hai nền kinh tế là Ấn Độ và Indonesia). Đây là khó khăn tại hai nền kinh tế Ấn Độ và Indonesia với hai vấn đề chính yếu là đồng tiền mất giá mạnh và thâm hụt cán cân thương mại tăng cao.
Quả vậy, trong hội thảo về việc tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam tại TP.HCM tuần qua, cú sốc tình hình kinh tế thế giới cũng được các chuyên gia phân tích rất rõ.
Theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Ấn Độ và Indonesia là hai nền kinh tế có khả năng chống đỡ tốt với các cú sốc do nền tảng kinh tế vững vàng hơn Việt Nam.
Nhưng chỉ cần một vài ngày các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền tháo chạy là hai nền kinh tế này đã liêu xiêu. "Thử hỏi nếu là Việt Nam thì sao? Không nên bàn đến vấn đề Việt Nam có lợi và hại thế nào, điều quan trọng hơn là rút ra bài học trong vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thành nói.
Hay chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng bày tỏ quan ngại rằng nếu Mỹ thật sự thay đổi chính sách về gói kích thích kinh tế QE3 thì Việt Nam sẽ như thế nào khi chưa có sự chuẩn bị nào rõ ràng.
Bên cạnh đó, cũng phải chú ý rằng, Việt Nam kỳ vọng cú hích từ đầu tư nước ngoài để có thể phát triển tăng vọt, nhưng khi nền kinh tế thế giới khó khăn, nguồn tiền vào Việt Nam bị ngưng trệ, thậm chí có thể bị rút đi, lúc đó thị trường tài chính trong nước sẽ có rất nhiều biến động. "Hơn nữa, cần xem lại nếu mình đang yếu thì cú hích đó ngay lập tức quật ngã thị trường", ông Ánh nói.
Từ thực tế đó, giới phân tích khuyên rằng, các nhà đầu tư trong nước cần theo dõi thêm diễn biến kinh tế tại các thị trường quốc tế để có quyết định đầu tư hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Bởi rủi ro lớn nhất hiện tại là khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng tại các thị trường mới nổi. Có thể, hiện tại khủng hoảng chưa diễn ra nhưng vẫn không loại trừ sẽ có nhiều yếu tố đáng ngại trong ngắn hạn...
Theo DNSG