“Sốt ruột” về sự trì trệ của nền kinh tế, hiện có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần mạnh dạn gác lại mục tiêu kiềm chế lạm phát để ưu tiên cho tăng trưởng. Xin cho biết quan điểm của ông?
Tôi cho rằng khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013 là thách thức lớn khi sự phục hồi tăng trưởng chưa thực sự chắc chắn do cầu nội địa còn yếu và chi phí sản xuất cao. Trong khi đó, lạm phát sẽ tăng thấp trong 6 tháng cuối năm và lạm phát cả năm 2013 sẽ khoảng 5% nếu không có những thay đổi về chính sách vĩ mô cũng như giá các mặt hàng cơ bản.
CPI tăng thấp không nằm ngoài dự kiến của nhiều chuyên gia bởi tổng cầu của nền kinh tế thấp, cầu đầu tư thấp, cầu tiêu dùng thấp. Chỉ số bán lẻ từ đầu năm đến nay cũng cho thấy tín dụng tăng rất thấp và giải ngân vốn ngân sách cũng trong tình trạng tương tự.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. |
Thêm vào đó, một số dự báo cho biết, giá hàng hóa trên thế giới năm nay sẽ duy trì ở mặt bằng thấp nên không có tác động của giá thế giới vào Việt Nam.
Như vậy, với vấn đề kiềm chế lạm phát, tôi nghĩ không khó để đạt được như mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra. Nhưng với việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thì tôi không khẳng định được như vậy.
Tại Kỳ họp thứ 5, vừa diễn ra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có đưa ra khuyến nghị rằng do lạm phát đang có xu hướng giảm và mục tiêu lạm phát thấp hơn năm 2012 có khả năng đạt được nên trong những tháng còn lại của năm 2013, chính sách kinh tế vĩ mô nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Tôi đồng tình với ý kiến này của Ủy ban Kinh tế, cần ưu tiên tăng trưởng kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh sản xuất. Tuy nhiên, vẫn luôn phải rất chú trọng để xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.
Ưu tiên tăng trưởng đồng nghĩa với việc phải kích thích tổng cầu. Một hướng kích thích thế nào theo ông là hợp lý để vừa không làm lạm phát cao trở lại, vừa có tác động làm nền kinh tế ấm lại?
Như tôi vừa nói, để tạo cầu cho nền kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho năm 2013, chúng tôi cho rằng trong 6 tháng cuối năm, chính sách điều hành cần ưu tiên hơn nữa cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Chúng ta phải “sưởi ấm” nền kinh tế bằng cách tăng thêm tổng cầu để kích thích tăng trưởng.
Cụ thể, cần đẩy mạnh hơn nữa chi tiêu đầu tư công thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ cho các dự án lớn đang thiếu vốn; sớm giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản 94.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh tốc độ chi đầu tư ngân sách nhà nước vào những công trình trọng điểm quy mô lớn, những dự án có kế hoạch sớm hoàn thành trong năm 2013 và có thể hoàn thành trong năm 2014.
Nhưng tăng đầu tư công cũng đang là bài toán rất khó, thưa ông?
Đúng là như vậy. Đây là bài toán khó đối với Chính phủ vì dư địa chính sách của chúng ta rất hẹp, nợ công đã bị khống chế trần, cân đối ngân sách đang trong tình trạng khó khăn. Thêm nữa, tín dụng đang ở mức tăng trưởng rất thấp nên cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tổng vốn đầu tư của xã hội.
Việc cân đối vốn đầu tư cho nền kinh tế ở mức 30% GDP là một thách thức không nhỏ. Với giả định lạm phát 2013 ở mức 6,5%, tín dụng tăng 12% và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tương đương năm 2012, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ước tính tổng vốn đầu tư còn thiếu khoảng 50.000 - 70.000 tỷ đồng.
Để duy trì tổng vốn đầu tư của xã hội năm nay ở mức 30% GDP, đầu tiên phải huy động đủ nguồn lực trong thời gian từ nay đến cuối năm. Đây là một quãng thời gian rất ngắn, vì vậy, tôi đồng tình với giải pháp: Nhà nước chấp nhận tăng đầu tư công, tìm nguồn, ứng trước phát hành trái phiếu của năm sau cho năm nay.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần tiếp tục giảm lãi suất hơn nữa nhằm khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận vốn và tiếp tục tái đầu tư.
Công ty quản lý tài sản hay còn gọi nôm na là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã chính thức đi vào hoạt động. Theo ông, đến thời điểm nào có thể thấy tình hình xử lý nợ xấu có tín hiệu khả quan?
VAMC ra đời, ngân hàng sẽ có điều kiện để xử lý nợ xấu nhanh hơn. Nhưng việc liệu VAMC có giải quyết triệt để được nợ xấu như kỳ vọng hay không cũng cần phải xác định là chúng ta không thể yêu cầu quá lớn đối với VAMC bởi một mình VAMC không thể làm được tất cả mà cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ đi kèm, trong đó, không thể không kể đến yếu tố là ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo VnEconomy