|
Chị Thu An, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết chị vừa đáo hạn sổ tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng ở một NH lớn. NH này chào LS cho kỳ hạn 3-6 tháng chỉ còn 6%/năm nên chị khá phân vân. Sau đó, chị quyết định mang tiền chuyển sang một NH khác có LS cùng kỳ hạn là 7%/năm, cộng thêm tham gia chương trình khuyến mãi rút thăm cuối kỳ để hy vọng trúng được giải thưởng lớn trị giá 90 triệu đồng.
Trong khi đó, chị Nga, nhân viên một công ty nước ngoài tại Q.1, TP.HCM, lại “chắc ăn” hơn khi chọn gửi ở một NH cũng có quy mô vừa nhưng LS vượt cả trần quy định, lên đến 8%/năm. Theo chị Nga, việc tham gia rút thăm trúng thưởng là chuyện may rủi mà bản thân chị chưa bao giờ may mắn trúng giải nên cứ chọn nơi có LS cao để nhận được tiền lãi hằng tháng cao hơn là chắc nhất.
Mặc dù hệ thống NH hiện nay được đánh giá là thanh khoản dồi dào khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, nhưng nhiều NH nhỏ ngoài các chương trình khuyến mãi vẫn lách trần LS để giữ chân khách hàng.
Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng (Trường ĐH Mở TP.HCM), bản thân các NH nhỏ vẫn để LS cao nhằm giữ chân khách hàng vì không thể cạnh tranh được với những NH lớn đã có thương hiệu. Hơn nữa, khi LS tiết kiệm giảm còn 7%/năm thì một số khách hàng cũng rút tiền để chuyển sang những kênh đầu tư khác. Vì vậy, để giữ ổn định về thanh khoản thì các NH nhỏ phải neo LS ở mức cao là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, người gửi tiền cần lưu ý, thông thường các NH đưa ra các chương trình khuyến mãi sẽ áp dụng mức LS thấp hơn (ví dụ như LS chỉ là 6,9%/năm thay vì ở mức 7%/năm) và phần chênh lệch LS này sẽ được dùng sử dụng cho các giải thưởng khi rút thăm cuối kỳ. Bên cạnh việc thu hút khách hàng, các chương trình khuyến mãi cũng là cách để NH quảng bá thương hiệu của mình.
Lãi suất đã xuống “đáy”?
Tại hội thảo nhận định kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm vừa tổ chức tại TP.HCM, TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, nhận định hiện tại những chỉ báo vĩ mô đã cho tín hiệu tích cực như lạm phát được kiềm chế, tiền tệ không còn là yếu tố chính, dự trữ ngoại tệ lớn bảo đảm hoạt động xuất nhập khẩu, xuất khẩu tăng 18%, có thể khắc phục được nguy cơ đổ vỡ hệ thống NH thương mại…
Kinh tế năm 2013 không thể tăng trưởng cao, chỉ ở mức hơn 5%, tỷ giá đến cuối năm tăng thêm cao nhất cũng chỉ 2% và cả năm ở mức 3% là tối đa. Do đó, LS sẽ chưa thể thay đổi nhiều.
Với những tín hiệu từ kinh tế vĩ mô thì theo nhiều chuyên gia kinh tế, LS tiền gửi từ nay đến cuối năm 2013 sẽ khó giảm nữa.
TS Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh: Theo dự báo lạm phát cả năm 2013 của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sẽ ở mức khoảng 8,2%/năm, cao hơn cả mục tiêu Chính phủ đặt ra là 7%/năm, thì trần LS huy động sẽ không thể giảm thêm, vì nếu LS giảm hơn nữa sẽ tác động đến giá của các loại tiền tệ khác khi người dân rút tiền ra khỏi NH.
“Trong tình hình hiện tại, dù lựa chọn NH có LS cao để gửi tiền thì khách hàng cũng cần lưu ý là thường những NH nhỏ vẫn sẽ tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Đó là chưa kể chính sách tiền tệ của NH Nhà nước cũng sẽ có những thay đổi. Dù LS kỳ hạn dài 12 tháng trở lên của các NH nhỏ cao hơn nhưng người gửi tiền chỉ nên lựa chọn kỳ hạn gửi tiền từ 3-6 tháng là phù hợp, không nên chọn kỳ hạn quá dài để tránh những rủi ro có thể nảy sinh trong tương lai”, TS Nguyễn Văn Thuận nói.
Theo Thanh Niên