Không có đơn vị nào của Vinacomin móc nối với bên ngoài xuất lậu than
Gần đây, dư luận bàn luận khá nhiều về việc xuất lậu khoáng sản thô, trong đó có ngành than. Đặc biệt là độ chênh lệch giữa các con số xuất - nhập là rất lớn, có khi gấp đôi cả về giá và số lượng. Chính điều này đã đặt ra câu hỏi về sự thiếu minh bạch, quyết liệt trong khâu kiểm tra, giám sát từ các doanh nghiệp Nhà nước. Vinacomin có ý kiến gì về vấn đề này?
-Trong Tập đoàn, việc kiểm tra, kiểm soát tài nguyên đã được thực hiện rất chặt chẽ, quyết liệt và phối hợp với địa phương để lên kế hoạch bảo vệ khai thác kinh doanh than trên địa bàn.
Cụ thể giữa Vinacomin và tỉnh Quảng Ninh đã ký kế hoạch phối hợp giữa tỉnh và Tập đoàn để triển khai một cách đồng bộ từ nhiều năm nay, các đơn vị đều ký quy chế phối hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ tài nguyên trong và ngoài ranh giới mỏ.
Đặc biệt là từ khi thành lập Tổng công ty than (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) đã lập lại trật tự khai thác, kinh doanh than, được quản lý một cách chặt chẽ, có những giai đoạn hết sức quyết liệt như năm 2008, đến nay than trái phép về cơ bản đã được ngăn chặn.
Về phía Tập đoàn, đã chủ động có rất nhiều biện pháp kiểm soát, bảo vệ sản xuất từ nơi khai thác, chế biến cũng như trên đường vận chuyển. Ví dụ như vấn đề vận chuyển than, chúng tôi đã quy định nghiêm ngặt chỉ cho phép vận chuyển từ 6h đến 18h, áp dụng tin học trong kiểm soát bằng Camera, thiết bị giám sát hành trình vận tải,...
Trong Tập đoàn cũng có lực lượng bảo vệ, cơ động tập trung và liên các mỏ có sự chỉ đạo thống nhất về kiểm soát từ phía Tập đoàn.
Tuy nhiên, việc trộm cắp lén lút, lò, điểm than trái phép ở ngoài ranh giới mỏ, có thời điểm cũng diễn biến phức tạp như năm 2008, nhất là những khu vực bên dưới là tài nguyên, bên trên là dự án, nhà dân cũng tiềm ẩn những rủi ro và sự kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Còn hiện nay, chính thức ở trong Tập đoàn, trong quá trình thực hiện sản xuất thì chúng tôi đã có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt, các đơn vị chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Tập đoàn, không có đơn vị của Tập đoàn vi phạm trong quá trình khai thác, chế biến, kinh doanh than trái phép.
Đặc biệt trong xuất khẩu, 5 năm gần đây, Tập đoàn chỉ xuất khẩu than chính ngạch, theo con đường chính thống, thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, theo đúng sự giám sát của các khâu từ Hải quan cho đến Cảnh sát, Công an và các bộ phận biên phòng. Cho nên việc xuất khẩu chính thống không thể có việc xuất khẩu lậu.
Trong thời gian qua, lực lượng địa phương, cảnh sát biển đã phát hiện ra một số tàu chở than ở phía bên ngoài vùng biển, thì đó là những trường hợp kinh doanh than ngoài địa bàn, và không phải là các đơn vị của Vinacomin.
Ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) |
Với một số lượng lớn than được vận chuyển để xuất lậu ra nước ngoài liệu thực sự không có liên quan gì đến Vinacomin? Và chưa từng phát hiện vụ việc nào nhân viên Vinaconmin móc nối với bên ngoài, thưa ông?
- Thực tế trong quá trình tiêu thụ than, chúng tôi đã tổ chức hệ thống kiểm soát rất chặt chẽ, gần đây có phát hiện 1 tàu trong việc giám định chất lượng. Nhưng Tập đoàn đã kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, từ cấp quản lý cho đến người trực tiếp liên quan.
TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc BQL Các dự án than đồng bằng sông Hồng đã đưa ra con số 2 triệu tấn than xuất lậu tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2013. Và theo TS Sơn, số liệu này Vinacomin cũng nắm được. Nếu tính theo giá thành khai thác than hiện nay, thì khoản tiền thất thu ngân sách là rất lớn. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?
- Hiện tượng khai thác than trái phép lén lút ở những nơi hẻo lánh gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, nhưng chúng tôi đã cùng với địa phương chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn đặc biệt như năm 2008.
Tăng giá bán than cho điện, giảm thuế suất xuất khẩu là đề nghị công bằng
Gần đây, Vinacomin đã đề xuất tăng giá bán than, vậy đề xuất này đã được phê duyệt chưa, thưa ông?
- Việc điều chỉnh giá bán than cho điện hiện nay các cơ quan Nhà nước vẫn đang thực hiện theo lộ trình, mà trước tiên là bù đắp chi phí sản xuất hợp lý, đảm bảo tiền lương cho công nhân ngành mỏ, khấu hao máy móc thiết bị và trang trải các chi phí cho khai thác.
Đặc biệt đặc thù ngành mỏ khác hẳn với các nhà máy sản xuất theo dây chuyền ổn định đã định sẵn, còn ngành mỏ thì diện sản xuất luôn thay đổi, ngày càng xuống sâu và xa hơn, có những mỏ hiện nay đang khai thác dưới -300 mét và tới đây dưới -500-600 mét so với mặt nước biển thì các vấn đề về áp lực mỏ, nước, khí, nguy hiểm và độc hại, đặc biệt là an toàn mỏ là vấn đề hết sức quan trọng.
Do đó, chi phí khai thác ngày càng cao là quy luật của cả thế giới, việc Vinacomin đề nghị điều chỉnh giá than cho điện hiện nay là đòi hỏi trước tiên bù đắp được chi phí, tiến tới phải có lãi mới có điều kiện phát triển đáp ứng nhu cầu than ngày càng cao cho nền kinh tế.
Còn giá bán than cho các hộ kinh doanh khác, than xuất khẩu thì đã theo cơ chế giá thị trường, tự bản thân than bán cho các hộ này hiện nay cũng không thể cao vì kinh tế thế giới suy giảm, chỉ đủ bù đắp chi phí, không thể có nguồn để bù than cho điện.
Trước đây, có nhiều giá nên dễ sinh ra chênh lệch, và người mua giá thấp lại đem đi bán nơi giá cao, dễ dẫn tới xuất khẩu lậu, nhưng bây giờ không còn chênh lệch này nữa. Than cho điện thì Chính phủ đã có chỉ đạo điều chỉnh theo lộ trình, để tiến tới cơ chế một giá thì việc quản lý sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Vậy còn việc xin giảm thuế của Vinacomin đã xúc tiến đến đâu rồi, thưa ông?
- Vinacomin đã có văn bản đề nghị giữ mức thuế xuất khẩu than 10% như 6 tháng đầu năm (là mức cao nhất thế giới hiện nay) vì nền kinh tế chưa được phục hồi, giá than thế giới còn thấp, giá một số chủng loại than còn đang tiếp tục giảm.
Cho nên giữ thuế để bán được than theo thị trường thế giới, để ổn định sản xuất, giải quyết việc làm, an sinh xã hội vùng mỏ và cũng tạo điều kiện có sản lượng để tính các loại thuế tài nguyên, phí môi trường, thuế GTGT và thuế xuất khẩu, nếu không sẽ giảm khoảng 1000 tỷ tiền thu ngân sách năm 2013. Vấn đề này các cơ quan Nhà nước cũng vẫn đang xem xét.
Có một số ý kiến cho rằng, Vinacomin đang ỷ thế độc quyền than nên vừa xin giảm thuế, vừa xin tăng giá. Ông có đánh giá gì về ý kiến này?
- Vấn đề mà mọi người vẫn bảo là xin tăng giá, thực chất không phải là tăng giá mà là để bù đắp lại chi phí sản xuất than, để Vinacomin trang trải đủ chi phí hợp lý theo định mức có thể tiếp tục sản xuất, chứ trước mắt không phải tăng gì cả so với giá thị trường.
Vì trước đây, vào giữa năm 2012 thì giá chỉ bằng 50% giá thành, đến cuối năm 2012 thì bằng được 73% giá thành đã được kiểm toán và hiện nay mới bằng 85% giá thành.
Hiện nay, Tập đoàn mới chỉ đề xuất bằng 100% giá thành hợp lý, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thôi. Đây là một đề nghị công bằng của bất kỳ ngành sản xuất nào theo cơ chế thị trường.
Còn vấn đề xuất khẩu, Tập đoàn đề nghị giảm thuế suất xuống 10% là vì 10% là mức giảm cao nhất hiện nay. Ở Trung Quốc sản xuất 3,5-3,7 tỷ tấn than, vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu thuế suất cũng 10%, riêng than cocking 0%.
Còn các nước khác như Úc, Indonexia đều xuất khẩu một năm 250- 300 triệu tấn than thuế suất chỉ có 0%, Nga 5%, Mông Cổ 5 - 7%... Chúng ta ở mức 10% thì cũng phải cạnh tranh khốc liệt rồi, nhưng nếu trên 10% thì không hòa nhập được thị trường, không thể bán để ổn định sản xuất được (có mua lẻ cũng rất ít, không đáng kể).
Nếu không bán được thì công nhân phải giảm việc làm, ảnh hưởng đến tồn kho. Chúng tôi đã dự báo nếu không giảm xuống 10% thì sẽ xảy ra tồn kho cao vì phải ổn định sản xuất tối thiểu cho các mỏ đặc biệt là hầm lò vì an toàn không thể dừng được, thời điểm tháng 7/2012 khi không xuất khẩu được tồn kho đã lên đến 9,7 triệu tấn.
Mục tiêu đảm bảo việc làm cho công nhân không đạt được, tăng thu ngân sách cũng không đạt được mà sẽ giảm khoảng 1000 tỷ như nêu ở trên, nên Tập đoàn mới đề nghị trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay phải giải quyết như vậy để phù hợp với mặt bằng quốc tế, để bán được than, để duy trì việc làm cho công nhân mỏ, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách. Tôi nghĩ bài toán đấy chính là tối ưu.
Chưa phát hiện ra đơn vị nào của Vinacomin vi phạm trong quá trình khai thác, chế biến, kinh doanh than. |
Một mặt chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu than với giá rẻ, nhưng mặt khác, nhiều ngành nghề của chúng ta đang phải nhập một lượng than lớn với giá rất cao. Theo ông như vậy liệu có hợp lý?
- Tôi khẳng định chúng ta không xuất khẩu than với giá rẻ mà theo giá thị trường thế giới.
Giá than trong nước vẫn cạnh tranh hơn nhiều so với than nhập khẩu, cho nên lượng nhập không đáng kể. Còn xuất khẩu hiện nay không phải là ưu thế đề bù đắp trong nước mà là để duy trì việc làm, giữ được công nhân, cũng như thực hiện việc ổn định theo kế hoạch nguồn thu ngân sách, đảm bảo duy trì lực lượng sản xuất. Và sau này khi nhu cầu tăng cao thì chúng ta mới có lực lượng để làm.
Vì công nhân mỏ tuyển và đào tạo đã rất khó, cho nên chúng ta phải có việc làm đảm bảo cuộc sống cho người lao động để phát triển đội ngũ cho sau này, trong vài năm tới than cho điện và các ngành kinh tế tăng cao thì chúng ta mới có thể đáp ứng được.
Sản lượng mỏ thì chỉ có thể tăng dần, xây dựng một mỏ cũng mất ít nhất 5-7 năm. Ví như “Bây giờ muốn đi lên tầng 2 thì tốt nhất vẫn phải đi từng bậc một, chứ không thể nhảy từ tầng 1 lên tầng 2 được”. Muốn sau này có nhiều mỏ, có nhiều sản lượng thì phải làm dần dần.
Nhiều ý kiến cho rằng, Vinacomin cũng giống như Bauxit, chỉ việc đào khoáng sản dưới lòng đất lên để bán nhưng vẫn kêu lỗ. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
- Không có chuyện như vậy. Tôi khẳng định là không chuyện khai khống sản lượng lên để làm tăng chi phí nọ kia là không có.
Đặc thù của ngành mỏ là giá thành ngày càng tăng do điều kiện khai thác ngày càng sâu và xa hơn như nêu ở trên. Trước đây, chúng ta chỉ khai thác trên bề mặt đất, bóc 3-4 khối đất lấy được 1 tấn than, thì hiện nay phải bóc đến 11 khối đất mới được 1 tấn than.
Hầm lò đã phải xuống sâu đến -300 mét, tới đây đến 500-600 mét so với mặt nước biển. Hiện nay, hàng năm, Tập đoàn phải bóc khoảng 300 triệu m3 đất nổ mìn, xúc bốc vận chuyển đi 4 km; đào khoảng 400 km đường hầm tiết diện 10 m2 (có thể so sánh như đào hầm xa hơn từ Hà Nội đến Vinh), than khai thác ra còn phải sàng tuyển, chế biến, vận chuyển…đòi hỏi chi phí rất lớn, không thể nói thông thường đào, xúc lên mà bán.
Cả thể giới người ta làm như vậy, mà Việt Nam là không phải nước có giá thành cao của thế giới, thậm chí thuộc nhóm giá thành dưới trung bình (Điều này chúng tôi có cả hệ thống kế hoạch hóa, định mức, đơn giá, khoán quản trị chặt chẽ chi phí, giá cả minh bạch, hiệu quả được hoàn thiện trong nhiều năm nay, các đoàn thanh kiểm tra, các bộ ngành đến các tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế như Moodys’, Standard & Poor đã nhiều lần làm việc, kiểm tra, giám sát đều đánh giá như vậy).
Còn việc quản trị chi phí, tái cơ cấu doanh nghiệp để làm sao cho năng suất cao hơn, công nghệ ngày càng tiên tiến hơn thì Tập đoàn vẫn đang triển khai. Tiềm năng hiện nay và lâu dài vẫn có thể cải thiện được năng suất, cải thiện giảm chi phí một số công đoạn, chứ làm giảm giá thành toàn bộ của 1 tấn than sản xuất so với năm trước thì tôi khẳng định là không thể vì điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn là quy luật.
Chúng tôi đã và đang tiếp tục có nhiều biện pháp tiết giảm tối đa chi phí, các giải pháp để kìm hãm việc tăng giá thành do xuống sâu ở mức hợp lý, tốt nhất để hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao, đời sống công nhân ngày được cải thiện, đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp vào ngân sách ngày càng cao.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Theo Baodatviet