Sự thật lời kêu ế than vì thuế của Tập đoàn Vinacomin

Thứ năm, 18/07/2013, 09:47
Suốt gần một tháng qua, Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) chỉ ký được các hợp đồng xuất khẩu cỡ vài ngàn tấn ở một số chủng loại than chất lượng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), các loại than thông thường, hàng tháng hay xuất đi theo các hợp đồng lớn cỡ trên 1 triệu tấn (than 9A hay 11A) thì không bán được. Như vậy coi như không bán được hàng.

Giá chào bán mỗi tấn than của Vinacomin hiện đã tăng thêm ít nhất 3 đôla Mỹ/tấn tùy chủng loại sau đợt tăng thuế xuất khẩu từ 10% lên 13% hôm 7/7. Do giá cao hơn các nhà cung cấp khác, từ ngày 20/6 đến nay, Vinacomin hầu như không ký được các hợp đồng xuất khẩu lớn.

Lý do của việc bị dừng các hợp đồng xuất khẩu, theo lời ông Biên là do thuế xuất khẩu đã tăng từ 10% lên 13% kể từ ngày 7/7, dẫn đến việc Vinacomin phải tăng giá bán xuất khẩu tương ứng. Vì tăng giá nên giá chào bán của Vinacomin cao hơn giá bán trên thị trường khiến các khách hàng bỏ đi.

Mỗi chủng loại than của Vinacomin từ ngày 7/7 đã tăng thêm từ vài đôla đến vài chục đôla Mỹ/ tấn. Theo cập nhật thị trường than thế giới đến 8/7, than  Quảng Châu (Trung Quốc) loại 11 A chào bán giá 55 đến 56 đôla Mỹ/tấn trong khi giá Vinacomin chào bán là 69 đôla/tấn.

vinacomin ế than
Theo TS Nguyễn Thành Sơn, việc giảm thuế suất thuế xuất khẩu không phải vì lỗ hay vì giá than bán cho nhiệt điện thấp mà sự thật là Vinacomin không còn khả năng xuất khẩu được nữa do chất lượng than đã và đang ngày càng giảm.

Theo Vinacomin, vì tăng thuế nên phải tăng giá bán. Tăng thuế xuất khẩu than thêm 3% và giả sử mỗi tháng Vinacomin xuất được 3 triệu tấn thì ngân sách thu thêm được hơn 100 tỉ đồng. Nhưng do giá thành cao, không cạnh tranh được, Vinacomin sẽ xuất hụt so với chỉ tiêu đề ra khoảng 5,5 triệu tấn. Nếu tính toán thì riêng 6 tháng cuối năm, các khoản hụt thu thuế tài nguyên, phí môi trường và thuế giá trị gia tăng sẽ “rơi” vào khoảng hơn 1.000 tỉ đồng.

“Như vậy là giảm thu chứ không phải tăng thu”, ông nói.

Vinacomin đã gửi đề xuất xin giảm thuế sang Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, mức thuế mới tăng từ trung tuần tháng 7, chưa giảm ngay trước mắt sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của tập đoàn.

Liên quan đến việc xuất khẩu than, TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc BQL các dự án Than ĐBSH-Vinacomin phân tích, việc Vinacomin đề xuất giảm thuế suất thuế xuất khẩu không phải vì lỗ hay vì giá than bán cho nhiệt điện thấp mà sự thật là Vinacomin không còn khả năng xuất khẩu được nữa do chất lượng than đã và đang ngày càng giảm.

Tỷ lệ than tốt (đạt tiêu chuẩn Việt Nam- TCVN) chỉ chiếm 30-40%, còn lại là than chất lượng thấp (lẫn nhiều đất đá, độ tro cao).

Theo ông Sơn, trước kia, Vinacomin lý giải cho việc cần phải xuất khẩu than là do Vinacomin sản xuất ra nhiều than chất lượng cao mà trong nước không dùng đến. Nhưng trên thực tế, những loại than tốt được xuất khẩu không phải là nhiều (chỉ bán được cho các nhà máy thép và xi măng của Nhật), chủ yếu là than chất lượng trung bình và thấp (được các khách hàng Trung Quốc mua về dùng cho các nhà máy điện).

Gần đây (khoảng 2 tháng trước), phía Trung Quốc đã ban hành chính sách cấm nhập khẩu than chất lượng thấp (nhiệt năng dưới 4050 kcal/kg) để phát điện vì lý do môi trường. Vì vậy, Vinacomin đang có nguy cơ mất 70-80% thị trường xuất khẩu than chất lượng thấp là Trung Quốc.

Còn ở trong nước, nhiều doanh nghiệp khu vực miền Trung, miền Nam đã và đang chuyển sang nhập khẩu than về dùng vì việc vận chuyển than lẫn nhiều đất đá từ Quảng Ninh vào đã làm cho giá than trong nước còn cao hơn giá than nhập từ nước ngoài về Việt Nam.

Nếu tính theo đơn vị nhiệt năng, giá bán than trong nước của Vinacomin cao nhất thế giới, vì giá thành khai thác than của Vinacomin cũng đang cao nhất thế giới.

Vì vậy, con đường sống duy nhất của Vinacomin là phải tăng cường quản lý chi phí sản xuất, đầu tư theo chiều sâu để giảm giá thành, tự nâng cao sức cạnh tranh của than trong nước.

‘Bản chất hiện nay là Vinacomin đang bị mất khả năng cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước. Không thể có chính sách ưu đãi nào có thể cứu được Vinacomin nếu chi phí sản xuất cứ tăng bình quân mỗi năm trên 10% như hiện nay’, ông Sơn nói.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn