"Myanmar như một nàng tiên đẹp kiêu kỳ"

Thứ ba, 16/07/2013, 09:29
Cho rằng đầu tư vào Myanmar chỉ có lợi, nhưng Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà nhắn nhủ những "quý ông" khi đến chinh phục cần tạo được lòng tin chứ không thể "ăn sổi ở thì". 

Phát biểu trước các quan chức Myanmar và nhà đầu tư Việt Nam trong buổi hội thảo hợp tác đầu tư giữa hai nước hôm qua, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM), đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ví Myanmar như là "một nàng tiên đẹp" mới xuất hiện nên được rất nhiều "quý ông" quan tâm.

"Có thể nói rằng Myanmar không chỉ dành riêng cho Việt Nam mà còn dành cho cả thế giới, tất cả các cường quốc lớn và nhỏ đều đang quan tâm đến thị trường này", ông nói.

Cuối năm 2012, nhân cơ hội Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Myanmar, Chủ tịch Trần Bắc Hà đã chia sẻ Myanmar như một mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á. Và đến nay, ông khẳng định nhận xét của mình hoàn toàn đúng.

Myanmar
Myanmar như một nàng tiên đẹp kiêu kỳ. Ảnh: Skift

Từ một nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng thấp nhất khu vực trong suốt một thập kỷ (2000 - 2010), thì tới năm tài chính 2012 (kết thúc vào tháng 3/2013), GDP của Myanmar tăng vọt lên 6,3%, cao hơn so với các năm trước trong khi kinh tế toàn cầu có sự suy giảm. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo kinh tế Myanmar có thể tăng 6,5% và 6,7% trong hai năm tiếp theo. Dù tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng lạm phát của nước này vẫn duy trì ở một con số (3,5%).

Chính các tổ chức quốc tế như IMF, ADB cũng dự báo nếu cải cách diễn ra trôi chảy, Myanmar có thể trở thành con hổ mới trong khối ASEAN trong vòng một thập kỷ tới.

Nhìn thấy một cơ hội làm ăn lớn, cả thế giới dường như dõi con mắt về Myanmar. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia này năm 2012 đã tăng gấp 5 lần so với năm trước.

Chính sức hấp dẫn này mà Myanmar đang trở thành mảnh đất cạnh tranh khốc liệt. Theo cách nói của một lãnh đạo trong Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam, Myanmar như một nàng tiên đẹp kiêu kỳ, thể hiện ở chỗ quốc gia Đông Nam Á này có sức hút lớn nhưng không dễ dàng tiếp cận.

Cùng quan điểm này, một đại diện của hãng hàng không VietJet nhận xét, Myanmar là một cô gái đẹp nhưng nhiều nhà đầu tư tìm kiếm, nếu chúng ta không có những "hành động" nhanh thì sẽ chậm chân.

Để chinh phục được "nàng tiên" này, ông Trần Bắc Hà khuyến cáo điều đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần tạo được lòng tin từ phía đối tác, bởi Myanmar là quốc gia theo đạo Phật, chữ tín được đặt lên hàng đầu, bên cạnh đó phải có kế hoạch dài hạn, không nên "ăn sổi ở thì" và phải có sự quyết tâm để chinh phục mảnh đất giàu tiềm năng này.

"Nếu chúng ta đến được Myanmar thì sẽ giải quyết được thị trường Bangladesh và phía Nam Ấn Độ, từ đó có thể hình dung đây là thị trường lớn như thế nào", ông nói.

Vị này cũng nhấn mạnh, sức hấp dẫn của Myanmar lớn hơn cả Lào và Campuchia khi có tới 60 triệu dân, diện tích đất nông nghiệp chưa khai thác. Đặc biệt, tháng 10 tới, Myanmar sẽ cho phép mở ngân hàng liên doanh và cho các đối tác tự thỏa thuận tỷ lệ góp vốn. Điều này cũng sẽ mở ra cơ hội được lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Myanmar. "Đầu tư vào thị trường Myanmar không bao giờ lỗ mà chỉ có lợi", ông khẳng định.

Tuy nhiên, do vẫn còn là thị trường mới mở cửa, nên đầu tư tại đây cũng không thể tránh một số rủi ro trong thanh toán hoặc dẫn tới mất vốn đầu tư. Các chi phí tại Myanmar còn cao như giá thuê mỗi mét vuông tại khu công nghiệp khoảng 10 USD một năm, giá thuê văn phòng phổ biến mỗi tháng ở mức trên 75 USD một m2 do nguồn cung ít, chi phí điện, nước cao…

Ngoài ra, tại Myanmar vẫn còn tình trạng Nhà nước độc quyền trên một số lĩnh vực (viễn thông, hàng không, khai thác mỏ) nên sự tham gia của tư nhân vào đầu tư xây dựng cơ bản còn thấp. Các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi có nhu cầu đầu tư vào một số lĩnh vực do doanh nghiệp quốc doanh độc quyền kinh doanh.

Đại diện của VietJet cũng đặt vấn đề đầu tư vào lĩnh vực hàng không, song theo quan chức của Ủy ban Đầu tư nước này, ngành hàng không vẫn chịu sự quản lý của Nhà nước nên trước tiên phải xin ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, từ đó mới trình lên các cấp tiếp theo. "Myanmar đang tư nhân hóa ngành này nhưng vẫn phải xin ý kiến của Bộ", vị này nói.

Hết tháng 6/2013, đã có 23 doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy phép hoạt động tại Myanmar, trong đó tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, công nghiệp, viễn thông, dược phẩm, xây dựng - bất động sản và kinh doanh dịch vụ khách sạn…

Và đã có 5 dự án  của các doanh nghiệp đã được phía Myanmar cấp phép với tổng giá trị hơn 600 triệu USD và hơn 18 dự án đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép đầu tư với vốn đầu tư dự kiến hơn 600 triệu USD.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn