Những CEO ẩn danh của doanh nghiệp Việt

Chủ nhật, 14/07/2013, 18:46
Họ là những vị lãnh đạo tài ba, thầm lặng gây dựng lên những doanh nghiệp lớn mạnh và tên tuổi của họ thì không phải ai cũng biết đến.

Bà Lê Thị Thúy Ngà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Cường 

Bà Ngà ít xuất hiện trên báo giới vì vậy cái tên Lê Thị Thúy Ngà cũng khá xa lạ so với công chúng. Hiện nay bà là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường.
 
CEO

 Bà Lê Thị Thúy Ngà

Trong hệ thống khách sạn của Tập đoàn Nam Cường, hiện tại có 2 khách sạn đang hoạt động kinh doanh gồm: Khách sạn Nam Cường Hải Phòng (4 sao) mở cửa đón khách từ năm 1998; Khách sạn Nam Cường Hải Dương (4 sao) mở cửa đón khách từ năm 2006. 

Ngoài ra, Tập đoàn hiện đang triển khai hàng loạt các dự án khách sạn quốc tế tầm cỡ từ 4 - 5 sao tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Hòa Vượng (Nam Định), Dương Nội (Hà Đông), Phùng Khoang (Hà Nội)... 

Đặc biệt việc đưa một phần dự án khách sạn Quốc tế Đồ Sơn vào hoạt động trong năm 2013 để phục vụ cho năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng Sông Hồng - Hải Phòng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của khu vực Đồ Sơn nói riêng và Hải Phòng nói chung. 

Bà Ngà cũng được biết đến với khá nhiều hoạt động từ thiện. Hiện nay, quỹ "Trái tim nhân hậu" do bà Lê Thị Thuý Ngà thành lập vào tháng 8/2009 đã và đang đi vào hoạt động với cam kết đóng góp 1,5% lợi nhuận tập đoàn vào hoạt động của Quỹ. 

Bà Tư Hường, bà chủ "đế chế" bất động sản Hoàn Cầu

Sinh năm 1936, đã lên chức bà ngoại từ lâu nhưng nữ doanh nhân người Bình Định Trần Thị Hường (Tư Hường) vẫn làm được những điều khó tin ở tuổi gần 80: điều hành công ty bất động sản, cố vấn HĐQT ngân hàng, sở hữu khối tài sản có giá trị lên tới hàng trăm triệu đô la và là chủ của khu resort Diamond Bay. Nữ đại gia U80 còn đình đám với việc đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ về Việt Nam lần đầu tiên và mời được Lady Gaga đến biểu diễn.

CEO

 Bà Trần Thị Hường. 

Năm 2008, bà Tư Hường đã tổ chức thành công cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tại Khu du lịch Diamond Bay (Nha Trang - Khánh Hòa). Bà đã bỏ ra hơn 10 triệu USD để tổ chức cuộc thi với quy mô lớn này.  

Từ đầu những năm 90, bà Tư Hường đã nổi tiếng với 2 phi vụ thu lời hàng chục triệu USD, số tiền quá lớn vào thời đó. Đó là phi vụ bà đầu tư 15 triệu đô la để xây dựng Nhà máy bia Vinagel rồi bán lại cho San Miguel giá 25 triệu đô la. Sau đó, bà Tư Hường bỏ ra 5 triệu đô la để xây dựng nhà máy nước giải khát rồi tiếp tục bán lại cho Lipovital với giá 17 triệu đô la... 

Năm 1993, bà Hường thành lập Công ty TNHH Hoàn Cầu, chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện tại, công ty của bà có hàng loạt dự án bất động sản tại miền Trung, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, bà Hường còn sở hữu lượng cổ phần lớn tại ngân hàng Nam Á. Bà Hường là cổ đông cá nhân lớn thứ ba tại đây với tỷ lệ nắm giữ lên tới 9,5% vốn. 

Ông Huỳnh Uy Dũng, ông chủ Khu du lịch Đại Nam 

Sinh ra và lớn lên ở Bình Định, khởi nghiệp và thành danh tại Bình Dương, ông chủ khu du lịch được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á - Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến (Đại Nam) - tên thật là Huỳnh Phi Dũng. Sau này, ông đổi tên thành Huỳnh Uy Dũng, với biệt danh Dũng "lò vôi".

Ông Dũng khởi nghiệp từ nghề sản xuất vôi quét tường khi vẫn còn là cán bộ công tác hậu cần tại Công an thị xã Thủ Dầu Một. Ông cũng nổi tiếng với những quyết định kinh doanh không giống ai.

CEO

 Ông Huỳnh Uy Dũng.

Ông Dũng giàu nức tiếng từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, sự giàu có của ông Dũng có được phần lớn nhờ vào các dự án Khu công nghiệp Sóng Thần 1,2,3 với diện tích hàng trăm héc ta mỗi khu, đồng thời là sự ăn nên làm ra từ hàng loạt dự án địa ốc tại Bình Dương. Gần đây, ông Dũng nổi danh hơn với Khu du lịch Đại Nam, mà vốn đầu tư đã lên tới gần 2.000 tỷ đồng, trong tổng số 3.000 tỷ tổng vốn đầu tư dự kiến.

Khi khánh thành Khu du lịch Đại Nam vào tháng 9/2008, ông Dũng cho tổ chức "lời thề không nợ nần ai". Trước 2.000 cán bộ công nhân viên, ông thề kể từ thời điểm này công ty không còn nợ nần ai và không bao giờ vay mượn của ai một đồng nào.

Tuy giàu có nhưng ông chủ Đại Nam vẫn đi xe máy loại thường quanh khu du lịch, mỗi ngày ăn chưa tới 50.000 đồng, một tuần ăn chay 4 ngày. Thậm chí ông Dũng còn ấp ủ ý tưởng xây dựng một khu nhà riêng tự cung tự cấp, trồng 4 sào lúa, nuôi hồ cá, có vườn quả và trồng đậu tương để ép dầu làm đèn cầy thắp sáng cho Đền Đại Nam. 

Lê Hồng Minh, Chủ tịch công ty game lớn nhất Việt Nam

Ông Lê Hồng Minh hiện là chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc với 19% số cổ phần tại Vinagame (VNG), công ty cung cấp game số một tại Việt Nam. 

Ông Lê Hồng Minh cũng được biết đến là một game thủ, từng tham gia World Cyber Game, cuộc thi chơi game lớn nhất thế giới được tổ chức thường niên, năm 2002. Những gì VNG đạt được có lẽ cũng xuất phát từ niềm say mê game online của ông Minh, người đã dành 5 giờ mỗi ngày để chơi game (khi chưa đầu tư VNG) và chỉ 1 giờ hiện nay. Cũng vì sự say mê này, ông Minh đã từ bỏ những thành tựu gặt hái được sau 6 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp và ngân hàng đầu tư để khởi nghiệp kinh doanh với game.


CEO

 Ông Lê Hồng Minh .

Ngày 12/4 vừa qua, VNG đã hoàn tất việc phát hành riêng lẻ 1.697.015 cổ phiếu với giá chào bán 150.260 đồng/cổ phiếu cho ông Lê Hồng Minh. Tổng số tiền bỏ ra là 255 tỷ đồng và sau đợt chào bán trên ông Minh sở hữu 6.341.277 triệu cổ phiếu, tương đương 21,4% cổ phần.

Theo nhận định của giới chuyên gia, với 6,43 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, tạm nhân với mức giá 150.000 đồng/cỏ phiếu thì giá trị lượng cổ phiếu ông Minh đang nắm giữ có trị giá hơn 950 tỷ đồng, tương đương giá trị tài sản của ông Đặng Thành Tâm hay ông Nguyễn Văn Đạt, hai người ở vị trí 12-13 trong top những người giàu nhất thị trường chứng khoán. Khi đó, giá trị VNG tương ứng vào khoảng 4.400 tỷ đồng, tương ứng hơn 200 triệu USD.

Theo VNE

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn