Tiếp xúc ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước trong những ngày của sự kiện đó, người gặp dễ nhận thấy một đôi mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ. Nguy cơ vỡ thanh khoản tại ACB có thể lan ra hệ thống là nỗi lo của người giám sát và quản lý.
Cao điểm của sự kiện, theo tìm hiểu của PV, bản thân lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước đã có những đêm không ngủ để trực tiếp điều phối vốn vàng chi viện cho ACB.
Với tác động của sự kiện, người dân đến rút tiền và vàng. Thanh khoản tiền đồng không đáng ngại, nỗi lo tập trung ở vàng, khi cả vàng huy động lẫn giữ hộ bị rút trước hạn.
Với tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước hoặc các ngân hàng bạn đều có thể sẵn sàng hỗ trợ nhanh chóng. Nhưng với vàng, một thời gian dài thị trường thiếu cung căng thẳng do ngừng nhập khẩu, trong khi đó một phần vốn vàng tại ACB đang bận làm những việc khác…
Huy động và cho vay vàng bị cắt. Việc bơm vốn hậu thuẫn cho kinh doanh, đầu tư vàng bị cắt. Phần còn lại trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay là kinh doanh vàng thương mại đơn thuần, theo giới hạn trạng thái vàng tối đa 2% vốn tự có. |
“Xử” xong 100 tấn vàng
Tuần qua, đến phiên đấu thầu thứ 41, Ngân hàng Nhà nước chính thức khép lại việc tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại. Sau 13 năm, vốn vàng huy động chính thức bị loại bỏ hoàn toàn khỏi hệ thống. Còn lại, tất toán trạng thái vàng cho vay (dư nợ với khoảng 9 tấn) là chuyện riêng của mỗi nhà băng, họ phải tự xử khối tài sản đó theo thời gian và cách thức khác nhau.
Một cách tương đối và tròn số, nguồn tin có thẩm quyền cho biết: Đến thời điểm này Ngân hàng Nhà nước đã có thể thở phào khi bóc xong vốn vàng và những rủi ro, ảnh hưởng ghê gớm của nó khỏi hệ thống. Khoảng 100 tấn đã được “xử” xong.
Như trường hợp trên của ACB, vốn vàng bận làm việc khác và không kịp về để chống đỡ thanh khoản, tức nó được dùng với những mục đích khác nhau, có những điểm đến khác nhau.
Vốn vàng không đơn giản là việc các nhà băng được chuyển đổi 30% lượng vàng tồn quỹ theo quy định. Mà theo nguồn tin trên, trong khoảng 100 tấn đó có khoảng 30 tấn được các ngân hàng dùng để cho vay, khoảng 30 tấn là chuyển đổi thành tiền, phần còn lại được dùng để cầm cố vay vốn trên liên ngân hàng hoặc làm những việc khác…
Nay, quy mô vốn vàng đó đã không còn lại một lượng nào trong cơ cấu huy động. Vấn đề là, chỉ trong khoảng một năm qua, hệ thống phải xoay cho được 100 tấn đó để trả cho người gửi khi mà chúng phần lớn còn bận làm việc khác, khi mà cấm nhập khẩu và thiếu cung căng thẳng. Và Ngân hàng Nhà nước đã phải nhập về khoảng 43 tấn qua đấu thầu thời gian qua để xử lý, cộng thêm người dân cũng đã bán ra để tạo cung; các nhà băng hoàn tất việc hoàn trả khoảng 100 tấn vàng đó.
Câu hỏi là, vì sao sau 30/6 lượng vàng qua đấu thầu vẫn lớn, vẫn được vét khá sạch sẽ, liệu sức cầu vẫn còn rất lớn? Theo tìm hiểu, những phiên đấu thầu sau 30/6, khoảng 80% là do lực hút của VietABank và SouthernBank, hai thành viên cuối cùng chốt sổ và hoàn tất yêu cầu tất toán.
Sau đó, khi không còn ngân hàng nào, lượng vàng nào nữa cần cho tất toán nữa, lực cầu tham gia đấu thầu đã chùng xuống. Các thành viên tham gia chỉ còn mua lượng nhỏ với khoảng 1.000 - 2.000 lượng, và thực tế là vàng đấu thầu bắt đầu ế trong phiên cuối tuần qua.
Một lãnh đạo doanh nghiệp lớn lý giải: Bây giờ gom hàng nhiều không biết bán cho ai, khi các ngân hàng không phải quyết mua tất toán nữa, trong khi lực mua của người dân ngày cao điểm cả thị trường cũng chỉ cần cỡ 10.000 - 15.000 lượng là đủ. Và nếu găm hàng nhiều, xu hướng giá giảm (như thực tế giảm ngược với thế giới trong tuần qua) dễ gặp rủi ro lớn.
Cũng lưu ý rằng, sau khi tất toán, các ngân hàng trở lại thị trường với vị thế của một nhà kinh doanh, chứ không còn là người phải gom mua như trước.
Như vậy, tuần qua, việc tất toán trạng thái đã hoàn tất. Ở đây vẫn có một số thông tin nhầm lẫn về 9 tấn vàng còn lại của dư nợ cần tất toán. Đây là một dạng tất toán khác, là tài sản còn lại mà các nhà băng phải thu hồi và tùy thuộc vào tiến độ và kỳ hạn trả nợ của khách hàng, khác với vàng huy động phải mua để trả cho người gửi ở loại tất toán vàng huy động.
Với loại dư nợ này, lực cầu chỉ thể hiện ở các phiên đấu thầu nếu ngân hàng đứng ra mua hộ vàng cho người vay mà thôi. Mặt khác, 9 tấn đó có thể được đàm phán để chuyển sang thành tiền chứ không nhất thiết là vàng.
Vì sao “tay to” vắng mặt?
Trong khoảng một năm qua, các ngân hàng phải gấp rút tất toán xong, hay khoảng 100 tấn vàng bị bóc khỏi cơ cấu vốn của hệ thống. Điều này gây xáo trộn đối với kế hoạch kinh doanh của họ, thay đổi các trù tình trước đây. Nói cách khác, ngân hàng tính cũng không thể cưỡng lại... chính sách tính.
Trước đây, vốn vàng huy động kỳ hạn ngắn cỡ 6 tháng đến 1 năm, được dùng cho vay dài hạn cỡ 5-10 thậm chí 15 năm. Các vòng quy huy động lấp liếm cho rủi ro khoảng trống kỳ hạn. Hai năm gần đây nó bị vỡ ra do Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngừng cả huy động lẫn cho vay.
Chính sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước cũng đã hạn chế dần sự tham gia của các “tay to” trên thị trường. Đó là việc cắt bỏ nguồn tín dụng cho vay, tạo đòn bẩy cho đầu tư vàng; cắt bỏ việc cho vay vàng tạo nguồn bán khống, cung ảo và có thể tác động đến giá trên thị trường… Khi cả vốn tiền và vốn vàng bị cắt, các “tay to” mất nguồn hỗ trợ và vắng mặt dần là dễ hiểu.
Nhưng “tay to” là ai và hoạt động như thế nào? Thời gian gần đây, hẳn giới lãnh đạo ngân hàng và nhiều cán bộ tín dụng đã biết đến một nhân vật điển hình, một ví dụ nằm lòng liên quan đến đại gia vàng và rủi ro vốn vàng.
Chuyện từ ví dụ này được định hình như sau: Một “tay to” nhảy vào đầu tư vàng và nhanh chóng thu lợi nhuận 100 tỷ đồng. Tiếp tục tăng đầu tư, chỉ một thời gian ngắn mức lỗ ròng lên tới 200 tỷ đồng. Để khắc phục, bài toán dùng một lượng lớn vàng của ngân hàng (quy mô có thể đến gần cả trăm nghìn lượng qua vay vốn, giao dịch vàng kỳ hạn) để bán khống với kỳ vọng giá sẽ xuống sâu rồi vợt lại hàng, trả vàng cho ngân hàng, thu chênh lệch giá bù cho khoản lỗ trước đó.
Nhưng, thời điểm “tay to” này bán ra, giá vàng khoảng 37 triệu đồng/lượng, sau đó giá phi thẳng lên 47 triệu đồng/lượng. Lỗ càng nặng.
Ở ví dụ trên (các con số chỉ mang tính minh họa), không chỉ “tay to” này lỗ lớn, mà ngân hàng cũng dễ rủi ro ở khoản cho vay hay giao dịch kỳ hạn, dù có thể nói cứng với tài sản thế chấp hay ký quỹ (chất lượng tài sản cũng là một điểm được chú ý). Nhưng dù gì đi nữa, các quy định pháp lý đã chưa đủ kín để hạn chế các giao dịch, hay động cơ có sức tác động lớn trên thị trường vàng.
Vậy nên, khi cơ quan chức năng vào cuộc, chính sách phanh lại việc huy động và cho vay vốn vàng, chấm dứt cho vay tạo đòn bẩy đầu tư vàng, các “tay to” dần vắng bóng.
“Rất khó đầu cơ”
Huy động và cho vay vàng bị cắt. Việc bơm vốn hậu thuẫn cho kinh doanh, đầu tư vàng bị cắt. Phần còn lại trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay là kinh doanh vàng thương mại đơn thuần, theo giới hạn trạng thái vàng tối đa 2% vốn tự có.
Với mảnh đất còn lại đó, khả năng đầu cơ trên thị trường vàng sẽ như thế nào?
Trả lời cuối tuần qua, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Sẽ rất khó”. Và ông đưa ra các lập luận.
Thứ nhất, sau khi các ngân hàng không còn mua để tất toán, lực cầu chủ yếu là dân cư với ước tính quy mô cao nhất chưa đến 1 tấn vàng/ngày giao dịch. Các đầu mối gom và giữ hàng quá lớn đều đối diện rủi ro giá xuống.
Thứ hai, với một thị trường lớn, hơn 30 đầu mối, rất khó để bắt tay đồng thanh đẩy giá hoặc kìm hàng, tạo thiếu cung giả tạo - bản chất của đầu cơ. Và trong đó, có vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước được xem là công cụ điều tiết thị trường một cách trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước khi cần.
Thứ ba, nguồn vốn hậu thuẫn cho hoạt động đầu cơ từ tín dụng đã bị cắt bỏ, lực đầu cơ bị hạn chế nhất định.
Thứ tư, nếu có dấu hiệu đầu cơ, vị lãnh đạo trên cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng dùng liệu pháp mạnh để siết giới hạn trạng thái, thậm chí rút về 1% vốn tự có; đồng thời lập tức cung hàng để trấn áp khả năng đầu cơ ở khối doanh nghiệp không bị giới hạn trạng thái.
“Ngân hàng Nhà nước hiện có đủ lực, đủ các công cụ để xử lý một khi thị trường có biểu hiện đầu cơ hay hành vi thao túng nào đó”, vị lãnh đạo cao cấp trên khẳng định.
Theo VnEconomy