"Với vàng, tôi còn có thể để dành làm thứ gì có giá để lại cho con cháu sau này", bác tâm sự.
Năm nay 57 tuổi, đã về hưu, bác Hương chỉ là một trong hàng triệu người dân Việt Nam đang giữ 300 - 400 tấn kim loại quý để tích trữ tài sản, tương đương dự trữ vàng chính thức của Anh hồi tháng 7. Số vàng này trị giá khoảng 19 tỷ USD, theo giá trong nước. Ngân hàng Trung ương Việt Nam muốn chuyển đổi số vàng này thành tiền để phục vụ kinh doanh và như một cách bảo vệ VNĐ trước áp lực mất giá. 5 năm qua, tiền đồng đã giảm giá 21% so với đôla Mỹ..
Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) nhận xét người dân nắm giữ vàng "phản ánh văn hóa cũng như sự thiếu tin tưởng vào tiền đồng. Lạm phát cao và nội tệ mất giá những năm qua đã khiến nhiều người tiết kiệm tài sản bằng vàng".
Người dân Việt Nam đang giữ 300 - 400 tấn vàng. Ảnh: AFP |
Hai chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, Michael Kokalari và Hang Vu cho biết nhu cầu vàng cũng khiến các công ty nhập khẩu và giới buôn lậu gom đôla Mỹ để mua vàng từ nước ngoài, càng gây sức ép với tiền đồng.
Để giảm tình trạng buôn lậu và thuyết phục người dân bán vàng, Ngân hàng Nhà nước đã biến mình thành đơn vị nhập khẩu độc quyền, và chỉ Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn là đơn vị gia công vàng miếng hợp pháp duy nhất. Cơ quan này cũng yêu cầu các ngân hàng trả hết số vàng huy động của dân vào ngày 30/6. Thay vào đó, người dân sẽ mất phí nếu muốn ngân hàng giữ hộ.
Ông Alan Phạm, Kinh tế trưởng VincaCapital cho biết: "Những chính sách này sẽ bình ổn được tiền đồng vì nếu mọi người giữ ít vàng hơn, họ sẽ không xa lánh nội tệ nữa. Một tác dụng nữa là làm tăng lượng vốn đầu tư. Đó là mũi tên trúng hai đích".
Vốn hóa vàng tích trữ của dân không phải biện pháp duy nhất Ngân hàng Nhà nước áp dụng để nâng giá tiền đồng và tăng vốn tiền mặt cho ngân hàng. Cơ quan này cho biết sẽ thành lập công ty quản lý tài sản để mua nợ xấu từ các ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Việc sử dụng vàng và USD quá mức đã cản trở nỗ lực quản lý chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Trinh Nguyen cho biết: "Giữ vàng chẳng sản sinh được khoản đầu tư có lợi nào cả".
Tháng trước, Ngân hàng Nhà nước đã hạ giá tiền đồng, lần đầu tiên kể từ năm 2011, khi USD mạnh lên. Cơ quan này cũng giảm trần lãi suất tiền gửi bằng USD để người dân không giữ ngoại tệ, đồng thời tăng dự trữ ngoại hối.
Các nước khác có lượng vàng trong dân lớn cũng đang cố gắng giải quyết vấn đề này. Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, đã tăng thuế nhập khẩu vàng. Một hiệp hội thương mại của nước này cũng kêu gọi ngừng bán vàng xu và vàng miếng cho các hãng bán lẻ để thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai, vốn đang đẩy giá đồng rupee xuống thấp nhất mọi thời đại.
Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho biết trên truyền hình: "Ngân hàng Nhà nước có thể mua vàng để bơm tiền đồng vào nền kinh tế, tạo vốn cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội".
Ngân hàng Nhà nước cũng muốn thuyết phục người gửi rằng giữ các tài sản khác có lợi hơn nhiều so với vàng. Việc này nhằm tăng niềm tin của họ vào tiền đồng, một quan chức của SBV cho biết. Theo vị này, kế hoạch trên vẫn đang được thảo luận.
Quan điểm của họ đã được hỗ trợ khi trong 9 tháng qua, giá vàng thế giới giảm tới 27%, còn tiền đồng giảm 1,8% so với USD. Trước khi kim loại quý bắt đầu lao dốc tháng 10 năm ngoái, giá vàng đã tăng gấp 4 trong một thập kỷ, còn tiền đồng thì mất giá 27%.
Vàng gửi tại các ngân hàng Việt Nam đã giảm 75% cuối tháng 5 so với cuối năm 2012, theo số liệu trên website Chính phủ ngày 12/6. Tuy nhiên, việc người dân chuộng vàng và các chính sách hạn chế nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước cũng dẫn đến việc họ phải mua vàng với giá cao hơn thế giới tới 6 triệu đồng một lượng hồi tháng 4.
Sự chênh lệch này cũng làm nảy sinh hoạt động buôn lậu vàng. Trước năm 2012, khoảng 50 - 60 tấn vàng được nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam mỗi năm để sản xuất vàng miếng. Còn theo con đường nhập lậu, mỗi năm có thêm khoảng 50-70 tấn. Cũng theo số liệu hồi tháng 2 của Hội đồng Vàng thế giới, Việt Nam đã mua 77 tấn vàng năm ngoái, cả hợp pháp và buôn lậu, giảm 24% so với năm 2011.
Jonathan Pincus - nhà kinh tế học trong Chương trình tại Việt Nam của Trường Harvard Kennedy nói: "Những thói quen này đã ăn sâu lắm rồi và cần thời gian để thay đổi".
Các quy định của Ngân hàng Nhà nước, kết hợp với giá vàng biến động đã bắt đầu ảnh hưởng đến thái độ của mọi người với kim loại quý, đặc biệt là trong các giao dịch lớn như bất động sản, anh Nguyễn Văn Doanh - một nhân viên môi giới địa ốc tại Hà Nội cho biết. "Trong quá khứ, giá vàng rất ổn định. Những thứ có giá trị lớn, như nhà cửa, đất đai, ôtô, đều được quy ra vàng. Nhưng việc giá biến động gần đây, còn Chính phủ lại hạn chế mua bán vàng miếng đã khiến vàng không còn là tài sản an toàn và tiện dụng nữa", anh nói.
Bà Hương, 64 tuổi, đang rao bán ngôi nhà 5 tầng tại Hà Nội với giá 7 tỷ đồng. Bà đã mua căn nhà này cách đây 7 năm với 190 lượng vàng. "Tôi không thể định giá bằng vàng được nữa, vì chẳng ai muốn trả bằng vàng những ngày này. Mà nếu có ai trả, thì tôi cũng chẳng nhận", bà cho biết.
Theo VnExpress