Dưới đây là bài viết của tác giả Kenneth Rogoff đăng trên Business Standard tuần qua, khi giá vàng tiếp tục dò đáy và nhiều ý kiến tiên đoán có thể về 1.000 USD mỗi ounce trong hai năm tới.
Kenneth Rogoff hiện là Giáo sư Kinh tế và Chính sách công tại Đại học Harvard. |
Về nguyên tắc, nắm giữ vàng là một hình thức bảo hiểm chiến tranh, huyết chiến tài chính và sự mất giá tổng thể của đồng tiền. Ngay từ khi mới xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá vàng thường được miêu tả là thước đo cho tình hình bất ổn của kinh tế toàn cầu.
Vậy thì phải chăng tình trạng suy giảm từ đỉnh điểm là 1.900 USD một ounce trong tháng 8/2011 xuống còn 1.250 USD đầu tháng 7 năm nay có thể được coi là một phiếu tích cực cho nền kinh tế toàn cầu?
Sẽ là quá đơn giản hóa khi nói rằng thị trường vàng vừa qua phản ánh toàn bộ đặc thù cổ điển của hiện tượng nổ bong bóng về giá.
Vàng tăng lên mức đỉnh điểm từ 350 USD mỗi ounce trong tháng 7/2003, đã làm cho các nhà đầu tư thèm thuồng. Giá vàng tăng vì mọi người đều bị thuyết phục rằng ngày mai nó còn tăng hơn nữa. Bác sĩ và nha sĩ bắt đầu bán cổ phần của mình để mua vàng tích trữ. Nhu cầu vàng trang sức ở Ấn Độ và Trung Quốc tăng vọt. Các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế mới nổi bỏ đôla ra mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối.
Lý do để người ta mua vàng có một số yếu tố khá thuyết phuc. Mười năm trước vàng được bán với giá thấp hơn giá trung bình dài hạn được điều chỉnh cùng lạm phát. Ba tỷ người dân tại các thị trường mới nổi gia nhập vào nền kinh tế thế giới cũng tạo ra một cú hích lớn về nhu cầu dài hạn đối với vàng.
Cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu đã làm cho vàng càng thêm hấp dẫn, trước hết bởi người ta lo ngại có thể xảy ra một cuộc đại khủng hoảng thế giới lần thứ hai. Tiếp đó một số nhà đầu tư lo ngại rằng các chính phủ có thể cởi trói cho lạm phát để giảm bớt gánh nặng các khoản nợ công đang phình to và giải quyết nạn thất nghiệp dai dẳng.
Khi các ngân hàng trung ương đưa ra chính sách giảm lãi suất xuống 0%, thì không ai bận tâm về việc vàng không mang lại lợi nhuận nào. Do đó việc cho rằng giá vàng tăng chỉ là hiện tượng bong bóng là vô nghĩa. Nhưng nó cũng hoàn toàn là sự thật khi giá vàng tăng thì một số đông các nhà đầu tư ngây thơ lại tìm cách mua vào.
Gần đây những vấn đề căn bản về kinh tế có phần đảo ngược, cơn sốt đầu cơ vàng còn đảo ngược nhiều hơn. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục mềm đi, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ đã giảm mạnh trong vài năm gần đây.
Trái lại, bất chấp phải cắt giảm tài chính thiếu khôn ngoan, kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu được phục hồi từng phần. Mặt bằng lãi suất toàn cầu đã tăng thêm một điểm cơ bản kể từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bắt đầu gợi ý sẽ rút bớt chính sách nới lỏng định lượng.
Với việc FED nhấn mạnh định hướng chống lạm phát của mình, thật khó có thể lập luận rằng các nhà đầu tư cần lấy vàng làm tài sản dự trữ để chống lại tình trạng lạm phát cao.
Các bác sĩ và nha sĩ, những người cách đây hai năm từng mua vàng, thì nay bắt đầu bán ra, và vẫn còn chưa chắc chắn là việc giá vàng hạ nhanh sẽ được chấm dứt hay không. Một số người còn nhằm mục tiêu giá vàng đứng ở mốc tâm lý là 1.000 USD mỗi ounce.
Thực tế là những lý lẽ ủng hộ hoặc chống lại vàng đã không hề thay đổi nhiều kể từ năm 2010. Trong tháng 10 năm đó giá vàng, tài sản đầu cơ tuyệt vời, đang trên đà tăng sau khi đạt tới nấc 1.300 USD. Nhưng lý do thực để giữ vàng, lúc đó cũng như hiện nay, lại không phải là nhằm đầu cơ.
Thay vào đó vàng mang tình bảo hiểm rủi ro. Nếu bạn là một nhà đầu tư có giá trị tài sản lớn, hay là một quỹ giữ tài sản độc lập, thì hoàn toàn hợp lý khi dành một phần nhỏ tỷ lệ tài sản của bạn bằng vàng để để phòng rủi ro nếu xảy ra những sự cố mang tính cực đoan.
Giữ vàng cũng có lý đối với tầng lớp trung lưu và các hộ gia đình nghèo ở các nước như Trung Quốc và Ấn Độ, khi sự tiếp cận với các hình thức đầu tư tài chính khác bị hạn chế. Còn ở hầu hết các nước khác, vàng chỉ là một hình thức đánh bạc khác mà người ta có thể tham gia. Và, cũng như tất cả các hình thức đánh bạc khác, đây không nhất thiết là một trò chơi chỉ có thắng.
Trừ phi các chính phủ kiên quyết ấn định giá cho vàng, như thường làm trước Đại chiến lần thứ nhất, thị trường vàng sẽ không tránh khỏi rủi ro và dễ bốc hơi.
Trong một nghiên cứu được công bố tháng 1 năm nay, Công ty Claude Erb & Campbell Harvey đã tính đến một số mô hình có thể cho giá vàng cơ bản, và họ phát hiện ra rằng vàng hoạt động tốt nhất nếu chỉ bị trói buộc một cách lỏng lẻo vào các mô hình đó. Thay vào đó, giá vàng thường có xu hướng trôi dạt quá cao hoặc quá thấp so với giá trị cơ bản lâu dài của nó trong một giai đoạn dài.
Những người hám vàng đôi khi trích dẫn những dữ liệu lịch sử rời rạc cho rằng giá trị lâu dài của vàng vẫn ổn định trong suốt thiên niên kỷ qua.
Thí dụ, người ta thường trích dẫn một nghiên cứu năm 1998 của Stephen Harmston chỉ ra một bằng chứng có tính giai thoại cho rằng một ounce vàng có thể mua được 350 ổ bánh mỳ vào thời Nebuchadnezzar, Hoàng đế của Babylon, đã chết vào năm 562 trước công nguyên. Ví dụ này đã bỏ qua một thực tế là bánh mỳ ở Babylon lúc đó có lẽ bổ hơn bánh mỳ được tinh chế cao thời nay, còn giá vàng ngày nay không khác xa quá nhiều, tương đương với 600 ổ bánh mỳ trên thị trường.
Tất nhiên, chúng ta không thể kiếm được các chỉ số giá vàng hàng năm của thời Babylon. Chúng ta chỉ có thể giả định rằng, với các cuộc chiến tranh và những điều không rõ ràng khác, giá vàng trên thị trường lúc đó, cũng giống như ngày nay, là khá dễ bốc hơi.
Vì vậy, hiện tượng giá vàng suy giảm gần đây đã không thực sự làm thay đổi lý do người ta đầu tư vào vàng dưới hình thức này hay hình thức khác. Giá vàng có thể dễ dàng tụt xuống dưới mức 1.000 USD, nhưng ngược lại nó cũng có thể tăng. Các nhà hoạch định chính sách cần cẩn trọng hơn khi cho rằng giá vàng sụt giảm mạnh là một phiếu tín nhiệm cho cách điều hành của họ.
Theo VnExpress