Tờ Financial Times cho biết, việc SNB mở chi nhánh ở Singapore là một tín hiệu cho thấy tầm quan trọng gia tăng của quốc gia này với tư cách là một trung tâm quản lý tài sản toàn cầu mới. Hiện nay, Singapore đã được biết đến với một biệt danh mới là “Thụy Sỹ của châu Á”.
SNB có một danh mục đầu tư trị giá khoảng 50 tỷ Franc Thụy Sỹ là các tài sản được định giá bằng 4 đồng tiền chủ chốt của châu Á bao gồm đồng Yên Nhật, đồng Won Hàn Quốc, đồng Đôla Singapore và đồng Đôla Australia. So với năm 2007, tỷ lệ các đồng tiền châu Á trong tổng dự trữ của SNB hiện đã tăng gấp đôi.
Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) ở Zurich - Ảnh: WSJ. |
Dự trữ ngoại hối của SNB hiện ở mức 435 Franc Thụy Sỹ, tương đương hơn 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Từ năm 2011 khi SNB can thiệp vào thị trường để ngăn đồng Franc tăng giá, dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương này đã tăng mạnh. Khi đó, đồng Franc của Thụy Sỹ được giới đầu tư xem là một hầm trú ẩn hàng đầu trong bối cảnh khủng hoảng nợ châu Âu leo thang.
Nắm giữ một lượng Euro lớn do mua vào từ hoạt động can thiệp, SNB đã phải đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình bằng cách chuyển từ Euro sang các đồng tiền của châu Á. Trong đó, đồng Won là đồng tiền mới nhất của châu Á được SNB đưa vào dự trữ vào năm ngoái.
“Các đồng tiền của châu Á đã chiếm tỷ trọng lớn hơn trong dự trữ của SNB và chúng tôi phải nghĩ cách để quản lý danh mục này hiệu quả hơn. Singapore và Thụy Sỹ chênh nhau 6 múi giờ. Nói cách khác, khi các bàn giao dịch ở Zurich mở cửa vào buổi sáng, thì chúng tôi đã bỏ lỡ mất những cơ hội tốt nhất để giao dịch các đồng tiền châu Á”, ông Thomas Jordan, Chủ tịch Hội đồng thống đốc SNB, nói.
Văn phòng mới của SNB tại Singapore sẽ có 7 nhân viên, chủ yếu là các nhà quản lý tài sản và vài nhà giao dịch. Việc SNB chọn Singapore để mở chi nhánh có một ý nghĩa lớn đối với đảo quốc này vì Singapore đang nỗ lực để củng cố vai trò một trung tâm tài chính toàn cầu. Hiện Singapore đã là trung tâm giao dịch ngoại hối lớn thứ tư trên thế giới, sau London, New York và Tokyo.
SNB là ngân hàng trung ương thứ hai có mặt tại Singapore, sau Ngân hàng Trung ương Indonesia. Trước khi chọn Singapore, SNB đã xem xét một số địa điểm khác ở châu Á. Cuối cùng, Singapore được chọn vì nước này chiếm một tỷ trọng lớn trong giao dịch trái phiếu ở khu vực.
Ở Singapore hiện có khoảng 500 tổ chức thuộc lĩnh vực quản lý tài sản, với tổng mức tài sản được quản lý lên tới khoảng 1.000 tỷ USD - theo số liệu của Cơ quan Tiền tệ Singapore.
Văn phòng mới của SNB tại Singapore là một tín hiệu cho thấy sự xích lại gần trong quan hệ giữa Thụy Sỹ với đảo quốc sư tử, cho dù hai nước này đang được xem là những đối thủ toàn cầu trong lĩnh vực quản lý tài sản. Tuần trước, từ nay tới năm 2015, hãng tư vấn PricewaterhouseCoopers dự báo, Singapore sẽ vượt Thụy Sỹ về số tài sản quản lý.
Hai tháng trước, hãng bay lớn nhất của Thụy Sỹ là Swiss đã mở đường bay thẳng giữa Zurich và Singapore để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng lớn của giới doanh nhân giữa hai nước.
Theo VnEconomy