Từ khi còn chưa đặt chân tới Việt Nam, Nick Vujicic đã giúp cho cổ đông Tôn Hoa Sen, trong đó, cổ đông lớn nhất là ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch hội đồng quản trị kiếm bộn nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của cổ phiếu HSG.
Tuy nhiên, may mắn đó lại chưa đến với bầu Đức khi bỏ hàng chục tỷ đồng mời Arsenal sang Việt Nam thi đấu. Xét về tính phổ biến, rõ ràng, Arsenal nhận được sự chú ý chẳng kém gì Nick Vujicic. Thế nhưng, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai lại chỉ tăng nhỏ giọt.
Cụ thể, dù có tới 4/5 phiên tăng điểm nhưng tính cả tuần, HAG chỉ cộng được thêm 1.100 đồng/CP, tương ứng 5,4%. Có thể thấy, đà tăng điểm cả tuần không bằng một phiên tăng trần của cổ phiếu khác.
Tuy nhiên, do nắm giữ rất nhiều cổ phiếu nên một biến động nhỏ của HAG cũng đủ sức tạo nên thay đổi lớn trong tổng giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán mà bầu Đức nắm giữ. Sau 5 phiên, bầu Đức có thêm 342,8 tỷ đồng trong tài khoản. Ông vẫn là người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch hội đồng quản trị Vingroup.
Arsenal chưa phát “lộc” cho bầu Đức |
Có thể thấy, cổ phiếu HAG đang có những bước đi khá chậm chạp. Đây là khoảng thời gian Hoàng Anh Gia Lai nhận được sự chú ý rất lớn từ dư luận. Đầu tiên là góp công đưa Arsenal sang Việt Nam. Sau đó là tới thông tin Hoàng Anh Gia Lai hoàn tất phát hành 950 tỷ đồng trái phiếu.
Với việc phát hành thành công trái phiếu, rõ ràng Hoàng Anh Gia Lai có nhiều vốn hơn để rót vào nhiều dự án “khủng” từ Việt Nam tới Myanmar. Không hiểu sao, những thông tin tốt này lại không hỗ trợ cổ phiếu HAG đi những bước đi mạnh mẽ hơn.
Một cổ phiếu khác được chú ý trong tuần chính là “đồng hương” của Hoàng Anh Gia Lai. Đó là Quốc Cường Gia Lai (QCG). QCG, nơi ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) giữ chức vụ phó giám đốc rơi vào tầm ngắm của nhà đầu tư sau khi Công ty TNHH ĐTPT Nhà Quốc Cường (QCN), công ty con của QCG thua kiện.
Không lâu sau khi tuyên bố sẽ kháng cáo, QCG bất ngờ tuyên bố bán luôn “cục nợ” QCN. Đối tác nhận chuyển nhượng cũng như giá trị vụ chuyển nhượng không được QCG công bố.
Tuy nhiên, những thông tin kém tích cực này không tác động nhiều tới giá QCG. Sau một tuần giao dịch, QCG đứng giá ở mức 7.400 đồng/CP, không đổi so với cuối tuần trước. Như vậy, tổng giá trị thị trường của công ty này được giữ nguyên.
Tài sản của đại gia ít biến động
Các đại gia trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam cũng chứng kiến sự biến động không lớn của tài sản khi giá cổ phiếu không thay đổi nhiều.
Mặc dù Deutsche Bank AG & Deutsche Asset Management (Asia) Limited đã bán ra hơn 2 triệu cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát nhưng HPG vẫn tăng nhẹ. Tính chung cả tuần, HPG tăng 600 đồng/CP lên mức 28.600 đồng/CP.
Sự tăng trưởng này giúp ông Trần Đình Long, Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Hòa Phát có thêm 60,64 tỷ đồng, nâng tổng tài sản mà ông nắm giữ trên sàn chứng khoán lên 1.769 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, các sếp của Tập đoàn Masan thiệt hại nhẹ khi cổ phiếu MSN giảm 4.000 đồng/CP và đóng cửa tuần ở mức 90.000 đồng/CP. Sự sụt giảm này khiến hai phó tổng giám đốc Masan Nguyễn Hoàng Yến và Hồ Hùng Anh lần lượt mất đi 87,1 tỷ đồng và 63 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen không quá bận tâm khi tài sản của ông chỉ giảm nhẹ. Nguyên nhân là do cổ phiếu HSG giảm 100 đồng/CP. HSG đã lấy đi của ông Vũ gần 430 triệu đồng.
Tổng giá trị hơn 136 triệu cổ phiếu OCG của ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đại Dương (OGC) không đổi khi OCG đứng giá ở mức 10.800 đồng/CP, đúng bằng mức giá đóng cửa tuần trước.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Hùng Vương tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm của tài sản khi HVG giảm 1.300 đồng/CP. Trong tuần, ông Minh mất 37,13 tỷ đồng.
Ba đại gia còn lại trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán ghi nhận sự gia tăng mạnh nhất trong tổng tài sản khi cổ phiếu mà họ nắm giữ tăng tới 2.000 đồng/CP. Cả ba đại gia có thêm gần 733 tỷ đồng vào tài khoản.
Theo VTC News