Mượn chứng minh nhân dân thành lập doanh nghiệp (DN), thuê nhà dân làm trụ sở, in hóa đơn rồi bán vô tội vạ, mua bán lòng vòng nông sản để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT)... đó là thủ đoạn của nhiều DN “ma” khiến ngành thuế Đăk Lăk thất thu hàng trăm tỷ đồng.
Ở tù vẫn làm... giám đốc
Do đã tính toán từ trước, các DN “ma” chỉ thuê nhà dân làm văn phòng và liên tục thay đổi địa điểm kinh doanh; Không có tài sản cố định như kho hàng, máy móc… Chính vì thế, khi vụ việc bị phát hiện, việc điều tra, xác minh để củng cố hồ sơ xử lý vi phạm rất khó khăn.
Địa chỉ của Công ty TNHH Ngô Quý Yên là một quán cơm bình dân.
|
Theo tài liệu lưu giữ tại các cơ quan chức năng, Công ty TNHH MTV An Tuấn Phước có địa chỉ tại tổ dân phố 5, phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ (Đăk Lăk) có giám đốc là anh Đặng Văn Tuấn. Sau khi Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ phát hiện công ty bỏ địa điểm kinh doanh, cơ quan chức năng tiến hành điều tra mới phát hiện anh Tuấn mất chứng minh nhân dân từ năm 2009.
Từ năm 2004 đến nay, anh Tuấn là công nhân của một công ty tại TP.HCM. Cá biệt có trường hợp ông Nguyễn Hữu Hiếu, đứng tên làm giám đốc của Công ty TNHH Nguyễn Hữu Hiếu khi đang thụ án tù giam tại tỉnh Hải Dương.
Không chỉ mua bán lòng vòng, các DN “ma” còn giở trò “mua cao, bán thấp” - thu mua cà phê cao hơn giá thị trường, sau đó lại bán ra với giá thấp cho DN xuất khẩu để lấy hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) và kiếm lời từ hành vi chiếm đoạt khoản thuế.
Tính đến tháng 5/2013, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk có hàng chục DN “ma” hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cà phê. Theo số liệu cập nhật chưa đầy đủ, doanh số mua vào, bán ra của các DN này đã lên đến con số hàng ngàn tỷ đồng. Đem con số này nhân với thuế suất GTGT 5% của mặt hàng cà phê sẽ cho thấy ngân sách nhà nước đã thất thu hàng trăm tỷ đồng từ kiểu mua bán lòng vòng này.
Tăng cường quản lý
Hiện tại, tình trạng thành lập DN “ma” để mua bán lòng vòng, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đang diễn biến rất phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngoài mặt hàng cà phê, tình trạng này đã lan sang các mặt hàng khác như: Tiêu, bắp, đậu đỗ các loại và cả cao su. |
Đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Thuế mới có một số biện pháp quản lý thuế bổ sung đối với hoạt động kinh doanh cà phê. Trong số này, biện pháp tăng cường công tác quản lý từ gốc được đông đảo DN đánh giá cao về tính khả thi. Hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia thu mua, chế biến cà phê phải đăng ký đại lý thu mua (không chấp nhận hình thức cá nhân thu gom). Đại lý thu mua phải đăng ký điểm thu mua với chính quyền địa phương nơi có lập điểm thu mua hoặc nơi thu mua...
Các DN trong tỉnh có các chi nhánh, điểm thu mua khác, khi vận chuyển cà phê trong nội bộ tỉnh phải có phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.
Chi cục thuế các huyện, thành phố nơi có các chi nhánh, điểm thu mua có trách nhiệm thông báo đến địa phương nơi DN có trụ sở chính để phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra kho hàng, sổ sách kế toán của DN.
Các DN ngoài tỉnh có mở chi nhánh hoạt động kinh doanh cà phê trên địa bàn trong tỉnh phải thực hiện đăng ký địa điểm chi nhánh, điểm thu mua với chính quyền địa phương và cơ quan thuế sở tại…
Với chỉ đạo rất cụ thể nêu trên của Tổng cục Thuế, nếu được thực hiện nghiêm túc, chắc chắn rằng “đường đi” của hạt cà phê sẽ được kiểm soát một cách chặt chẽ hơn.
Theo Dân Việt