Doanh nghiệp nhập khẩu “lách luật” trốn thuế

Thứ năm, 03/05/2012, 08:10
Lợi dụng kẽ hở của chính sách thuế quan, nhiều doanh nghiệp (DN) đã khai không đúng thuế suất, chủng loại, giá trị đối với hàng hóa nhập khẩu... để trốn thuế khiến lực lượng chức năng kiểm soát không xuể.

Tin liên quan
>>Đề nghị giảm thuế nhập khẩu gas xuống 2%
>>Hàng Việt vào Nhật tiếp tục được cắt bỏ thuế quan

50% DN gian lậu thuế nhập khẩu
 

Nhiều DN không khai đúng thuế suất khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.


Mới đây, Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh) phối hợp với Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 tiến hành kiểm tra hàng của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Q.K đang làm thủ tục nhập khẩu qua cảng Cát Lái TP.Hồ Chí Minh.

Theo khai báo của DN, hàng nhập khẩu gồm 2.580 bộ ống thủy tinh, dùng cho máy nước nóng năng lượng mặt trời, trị giá trên 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra toàn bộ lô hàng không đúng với khai báo hải quan. Thay vào đó là 66 bộ máy điều hòa nhiệt độ, hiệu Panasonic, xuất xứ Malaysia, mới 100%; gần 8.000 lon sản phẩm dinh dưỡng Ensure loại nước và loại bột, trên sản phẩm không thể hiện xuất xứ.

Theo quy định, toàn bộ số hàng vi phạm nêu trên khi nhập khẩu phải có giấy phép tự động của Bộ Công Thương và phải thực hiện kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (đối với sản phẩm dinh dưỡng). Thống kê ban dầu cho thấy, trị giá hàng vi phạm trên 1,1 tỉ đồng, ẩn lậu thuế gần 450 triệu đồng.

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, trong thời gian qua tình trạng gian lận thuế xuất nhập khẩu ngày càng trở nên phức tạp. Trung bình hằng năm có khoảng 10.000 mẫu hàng hóa được phân tích phân loại, trong đó mẫu khai sai khoảng 53%, giảm thuế khoảng 7,4%.

Bên cạnh đó, tình trạng DN câu kết với đối tác nước ngoài làm giả hồ sơ, khai báo cao hơn thực tế một số mặt hàng có thuế nhập khẩu bằng 0% để giảm trị giá tính thuế các mặt hàng có thuế suất nhập khẩu cao cũng được sử dụng để gian lận thuế.

Nguyên nhân của tình trạng này do ý thức chấp hành pháp luật của DN chưa cao, trong khi đó cơ chế chính sách trong lĩnh vực quản lý hải quan còn nhiều kẽ hở, thiếu tính đồng bộ, nhiều kẽ hở...

Cho đến nay, hải quan vẫn chưa chú trọng đến việc xác định lại trị giá tính thuế, tỉ giá tại thời điểm chuyển tiêu thụ nội địa.

Do vậy, DN lợi dụng để trốn thuế. Bên cạnh đó, hải quan các địa phương nêu ra là biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, tuy đã được sửa đổi theo hướng tích cực, nhưng các mặt hàng có tên gọi hoặc phạm vi sử dụng tương tự nhau vẫn có mức thuế suất chênh lệch và chưa có tiêu chuẩn phân biệt dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.

Ngoài ra, hệ thống cơ sở dữ liệu của hải quan còn nghèo nàn, đa số chỉ dựa vào thông tin do DN khai báo, độ tin cậy còn thấp.

Danh mục rủi ro về giá mang tính dàn trải, phạm vi quá rộng. Các mức giá kiểm tra xây dựng tại danh mục chủ yếu là mức giá khai báo, độ tin cậy chưa cao. Việc sử dụng nguồn thông tin do DN khai báo vô hình chung đã hợp thức hóa cho tình trạng gian lận thương mại.


Tăng mức phạt gấp 2 – 3 lần so với tiền trốn thuế

Theo Tổng cục Hải quản, trong thời gian qua  để kiểm soát tình trạng này, ngành Hải quan tiếp tục hoàn thiện cơ sở chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý như: sửa Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế theo hướng bổ sung quy định về phân loại hàng hóa, xác định trị giá, xác định xuất xứ trước khi làm thủ tục hải quan.

Đồng thời, sửa đổi quy định về điều kiện phân loại trước, bảo đảm có thể phân loại trước các mặt hàng phức tạp, dễ lẫn nhằm khắc phục các vướng mắc trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, xây dựng quy chế phối hợp theo hướng phân định rõ trách nhiệm từng bộ phận, từng khâu nghiệp vụ, từng cá nhân, đồng thời chỉ rõ điều kiện, cách thức phối hợp trong quá trình phân loại hàng hóa.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện một số giải pháp nhằm hạn chế các trường hợp lợi dụng sự thông thoáng của chính sách để trốn thuế như: Rà soát các nguồn thu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hải quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại, phát hiện kịp thời các sai sót và các hành vi gian lận, trốn thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời cho ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ việc kiểm tra hàng hóa xuất khẩu ngăn ngừa hiện tượng quay vòng hàng hóa xuất khẩu, xuất khẩu khống; chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Công an, Chi cục Quản lý thị trường địa phương… kịp thời đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi gian lận thuế qua hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, kiểm tra kỹ đối tượng, thủ tục hồ sơ, điều kiện miễn, giảm, hoàn thuế, phân loại hàng hóa, xác định mức thuế, trị giá tính thuế theo đúng qui định.

Những trường hợp chưa rõ phải đề nghị người nộp thuế giải trình, bổ sung tài liệu vào hồ sơ.

Đặc biệt chú trọng tập trung kiểm tra các trường hợp kê khai miễn thuế hàng hóa nhập đầu tư, hoàn thuế, các mặt hàng mới, dễ lẫn, có thay đổi tên, mức thuế suất thuế nhập khẩu, trị giá tính thuế.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách quốc hội cũng đã yêu phạt tăng lên 2-3 lần so với số tiền thuế trốn, nếu khai thiếu sẽ bị tăng mức phạt lên 20% - gấp đôi hiện nay.  Đối với DN nộp chậm thuế có thể phải chịu lãi 0,1%/ngày, cũng gấp đôi mức đang áp dụng.
 

Theo Báo Công Thương

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn