FPT rốt ráo "thâu tóm" FPT Telecom

Thứ tư, 02/05/2012, 13:32
Viễn thông là lĩnh vực đóng góp lợi nhuận lớn cho FPT. Đó cũng là một trong những lý do khiến doanh nghiệp này quyết tâm mua lại toàn bộ phần vốn góp của Nhà nước trong FPT Telecom.


Tin liên quan
>>
Tỷ phú đứng sau cổ đông lớn nhất của FPT là ai?
>> FPT kiện Vinacom


Bỏ qua thương vụ mua cổ phần của EVN Telecom có nhiều trường đoạn đau khổ, Công ty FPT đang quyết tâm cao để đạt được mục tiêu có đầy đủ các giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Mới đây nhất, lãnh đạo FPT đã bày tỏ mong muốn được mua lại toàn bộ phần vốn góp của Nhà nước trong Công ty FPT Telecom hiện do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đại diện. FPT đang nắm giữ 40,43% cổ phần tại FPT Telecom, còn SCIC nắm giữ 50,15%.

FPT đang quyết tâm mua lại toàn bộ phần vốn góp của Nhà nước trong FPT Telecom


Ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT cho biết, trong vòng 6 tháng qua, FPT đã làm việc với SCIC nhiều lần về kế hoạch mua lại FPT Telecom nhằm thực hiện chiến lược OneFPT như công ty đã làm với 3 đơn vị FPT Software, FPT IS và FPT Trading trong năm 2011.

Vẫn theo ông này, Hội đồng Thành viên của SCIC đã họp bàn câu chuyện mà FPT đề cập và đang lên kế hoạch định giá FPT Telecom cùng các phương án chi tiết liên quan đến hình thức mua bán theo phương thức hoán đổi cổ phần hoặc bằng tiền mặt.

“Từ góc độ FPT, giá trị của FPT Telecom được định giá càng cao càng tốt, nhưng câu trả lời cuối cùng liên quan đến SCIC, người nắm 50,15% cổ phần của FPT Telecom”, ông Trương Đình Anh nói.

Lãnh đạo FPT cũng hy vọng, câu chuyện mua bán FPT Telecom có thể hoàn tất trong năm 2012 xét trên góc độ cơ sở pháp lý không có gì vướng mắc.

Nguyên do, trong Danh mục các doanh nghiệp có hạ tầng mạng viễn thông Nhà nước cần nắm cổ phần chi phối được ban hành năm 2011 không có tên FPT Telecom.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cũng cho hay, trong quy hoạch phát triển viễn thông không khuyến khích quá nhiều doanh nghiệp nhà nước tham gia bởi sẽ cạnh tranh lẫn nhau, hiệu quả sản xuất, kinh doanh giảm, trong khi lại cùng có một ông chủ.

Ngoài thúc đẩy tiến trình thâu tóm FPT Telecom, FPT vẫn đang tìm kiếm cơ hội mua bán khác trong lĩnh vực viễn thông, cũng như chờ đợi được cấp phép liên quan đến triển khai các công nghệ mới như 4G.

“Đây là câu chuyện không đơn giản, nhưng FPT sẵn sàng tìm kiếm cơ hội để hoàn thiện việc kinh doanh viễn thông”, ông Trương Đình Anh nhấn mạnh.

Nhìn vào kết quả kinh doanh của FPT, có thể dễ dàng nhận thấy, một trong những lý do quan trọng khiến công ty quyết tâm thực hiện mở rộng mảng kinh doanh viễn thông đó là lợi nhuận.

Trong những năm qua, mảng viễn thông không phải là mảng đóng góp doanh thu chính cho FPT, nhưng lại là mảng đem về khoản lợi nhuận “hoành tráng” nhất, ngay cả vào thời điểm được cho là khó khăn.

Theo báo cáo tài chính quý I/2012 của FPT, doanh thu của mảng viễn thông đạt con số 658 tỷ đồng, chiếm 11% tổng doanh thu của toàn công ty và chỉ bằng 17% so với doanh thu của lĩnh vực phân phối nhưng lại đem về cho FPT khoản lợi nhuận là 186 tỷ đồng, chiếm 29% tổng doanh thu của công ty. Còn trong năm tài chính 2011, viễn thông đóng góp 801 tỷ đồng, tương đương 31% tổng doanh thu của FPT.

Ông Trương Đình Anh nhận xét, năm 2011, mảng viễn thông của FPT đã có những bước tiến đáng kể. Trong giai đoạn 2009-2010 đã mở thêm chi nhánh ở 30 tỉnh, thành phố và trong năm 2011 gần một nửa số chi nhánh được mở trong giai đoạn trên đều đạt đến điểm đóng góp lợi nhuận thay vì tiêu tốn chi phí như trong giai đoạn đầu tư ban đầu.


Theo Báo Đầu Tư

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích