Đại gia vỡ mộng hốt tiền kinh doanh di động

Thứ tư, 02/05/2012, 07:57
Trong vòng ba năm, thị trường thông tin di động Việt đã phải chứng kiến sự ra đi của hai “đại gia” công nghệ ngoại là SK Telecom và Vinpelcom. Trước đó, họ đều khẳng định Việt Nam là mảnh đất có nhiều tiềm năng để đầu tư…

Tin liên quan
>>VimpelCom thoái vốn và xóa thương hiệu Beeline tại Việt Nam
>>'Đại gia' di động Nga VimpelCom lỗ bao nhiêu trong thương vụ Beeline?

 
Bỗng dưng đột ngột thoái vốn

 
Từng kỳ vọng rất nhiều vào thị trường di động Việt, thế nhưng, mọi chuyện đã không xảy ra như dự kiến. Cuối năm 2011, để đánh dấu sự trở lại trên thị trường sau một thời gian dài “lặn mất tăm”, Beeline đã từng gây sóng gió thị trường Việt với gói cước Tỷ phú, vực dậy tên tuổi mạng Beeline tại thị trường Việt nhờ chính sách giá siêu rẻ.
 
Vậy mà chỉ sau đó vài tháng, cuối tháng tư vừa rồi, VimpelCom đã bán toàn bộ 49% cổ phần mạng Beeline của mình trong liên doanh Gtel Mobile.

Sự kiện này đã khiến giới chuyên gia phân tích, nếu quả thực VimpelCom bán 49% cổ phần mạng Beeline cho đối tác của mình là GTel với giá 45 triệu USD thì tập đoàn di động lớn thứ 2 ở Nga này đã phải chịu lỗ quá nặng trong thương vụ Beeline Việt Nam.
 
Còn nhớ cách đây chưa đầy 4 năm, vào ngày 8/7/2008, VimpelCom và GTel đã ký kết thành lập Công ty cổ phần di động GTel Mobile. Trong GTel Mobile, VimpelCom nắm giữ 40% cổ phần tương đương khoản đầu tư tài sản 267 triệu USD.
 
Đến tháng 4/2011, VimpelCom tuyên bố đến năm 2013 sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Beeline, đưa tổng mức đầu tư cho mạng này lên 1 tỷ USD, nếu đạt các mục tiêu kinh doanh và được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
 
Thế nhưng, giờ những con số này nhắc tới chỉ để cho… vui mà thôi. Vinpelcom đã quyết rút khỏi thị trường Việt Nam, từ bỏ mọi dự kiến đầu tư vẫn còn dang dở. Nào là trong vòng một năm tới, Beeline dự định sẽ xây dựng thêm 5.000 trạm phát sóng trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán hàng lên 50.000 và mở rộng tổng số nhân viên Beeline lên tới 1.000 người…
 
Cũng “dứt áo ra đi” khi còn dang dở nhiều kế hoạch như Vinpelcom, đó là SK Telecom - nhà khai thác Hàn Quốc đầu tư vào mạng di động CDMA Sfone. Năm 2010, SK Telecom rút khỏi mạng Sfone sau khi có tới gần 10 năm rót vốn, đầu tư tại Việt Nam.
 
Vào thời điểm đó, lý do mà SK Telecom rời khỏi thị trường Việt là do hai đối tác Việt Nam và Hàn Quốc đã phải đối mặt với quá nhiều thách thức lớn từ vốn đầu tư, công nghệ đến hạn chế của cơ chế điều hành trong mô hình hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC.

 
Kinh doanh di động: Quá khó?
 
Với Vinpelcom, nhiều phân tích cho rằng, việc họ bán lại tới 49% cổ phần cho Gtel là để cắt lỗ, chấp nhận mất ở mức còn có thể cho phép thay vì rất có thể, mọi việc sẽ còn đi xa hơn trong thời gian tới.

 

Beeline sắp "biến mất" khỏi Việt Nam


Đầu tư vào Việt Nam ở thời điểm năm 2009, khi thị trường thông tin di động đã gần như ở ngưỡng bão hoà của sự phát triển, Beeline đã từng có rất nhiều tham vọng lớn, đặt mục tiêu nhanh chóng giành được số thị phần còn lại của thị trường di động Viêt Nam.
 
Chắc hẳn khi đó, một thương hiệu di động vốn được đánh giá là một trong 100 thương hiệu đắt giá nhất toàn cầu, ước tính có trị giá lên đến 8,9 tỷ USD, Vinpelcom sở hữu 62,7 triệu thuê bao Beeline (theo Johsnson’s & Partner năm 2009) không thể nghĩ rằng mình lại có ngày phải chấp nhận chịu lỗ mà rời bỏ thị trường Việt như vậy.
 
Giờ, sau gần 3 năm có mặt tại thị trường Việt, kết quả của Vinpelcom đạt được đó là thị phần quá ít ỏi (cuối tháng 12/2011, chỉ chiếm 0,17% tổng số thuê bao trên toàn mạng), đã vậy, doanh thu trên mỗi thuê bao lại cũng rất thấp.
 
Từ hai “cuộc chia ly” trên, nhiều người đặt câu hỏi, có phải chăng, cho tới thời điểm này, thị trường Việt đã không còn là mảnh đất màu mỡ để đầu tư, kinh doanh thu lợi nhuận? Ngay cả những tên tuổi lớn đến từ thế giới còn phải tìm cách thoái lui thì có nghĩa, việc kinh doanh viễn thông di động chắc hẳn phải có nhiều chông gai?
 
Theo phân tích của các chuyên gia viễn thông, nếu chỉ nhìn vào hai “tấm gương” trên mà đánh giá việc kinh doanh tại thị trường di động Việt khó khăn thì chưa hẳn đã đúng. Bởi việc Vinpelcom đã không thành công khi đầu tư vào thị trường di động Việt Nam có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là vì họ chưa thực sự hiểu rõ con người cũng như nắm được văn hóa, điều kiện kinh doanh.

Dù là tên tuổi lớn tới đâu, có đầu tư vốn mạnh như thế nào mà không có những chiến lược, hướng đi đúng đắn và phù hợp thì khó có thể thành công.
 
Bằng chứng là trước Beeline, hai đối tác liên doanh Hanoi Telecom (Việt Nam) và Hutchison (Hàn Quốc) cũng có lúc điêu đứng, khó phát triển với mạng CDMA HT Mobile của mình.

Thế nhưng, sau cú ngã khá đau với thương hiệu mạng di động công nghệ CDMA HT Mobile, Hanoi Telecom đã vực lại phần nào vị thế của mình trên thị trường thông tin di động khi ra mắt mạng di động hoàn toàn mới Vietnamobile.
 
Xác định tham gia thị trường di động ở giai đoạn thuê bao gần như đã bão hòa, lại bị cạnh tranh quyết liệt từ các nhà mạng lớn, Vietnamobile đã phải chọn cho mình những thế mạnh riêng, phù hợp với người dùng Việt.

Và giờ, dù không thể vượt mặt ba đại gia di động là VinaPhone, MobiFone và Viettel song Vietnamobile cũng đã là một “tiểu gia” với lượng thuê bao chiếm 3,18 thị phần vào cuối năm 2011.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, chiến lược kinh doanh thời gian qua của Beeline là khuyến mại nhiều, áp dụng cước thấp, họ muốn bằng mọi giá để chiếm được thị trường chẳng hạn chọn cách phá giá khiến một số gói cước đã từng bị thổi còi. Đây là cách kinh doanh không thể tồn tại lâu dài được.
 
Kinh doanh dịch vụ viễn thông di động ở thời điểm nhu cầu đã gần như bão hòa, chắc chắn, không thể dễ dàng gì, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, điều đó không có nghĩa, cơ hội đã hết. Bởi đây là thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia phải có thực lực, có năng lực thực sự mới có thể khẳng định vị trí của mình.

 

Theo VnMedia

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích