Những “điểm nhấn” hạ tầng làm đổi thay TP.HCM

Thứ ba, 01/05/2012, 14:46
Diện mạo TP. HCM đã có sự "thay da đổi thịt” đáng kể nhất từ những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm.

 

 
Nét thay đổi dễ thấy nhất trong 5 năm trở lại đây là hệ thống hạ tầng giao thông bộ của thành phố ngày càng được hoàn thiện. Hàng loạt cây cầu được xây mới như cầu Calmete, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Long... không chỉ giảm ùn tắc ở các khu vực này mà góp phần làm tăng thêm vẻ mỹ quan đô thị thành phố.


Những cây cầu mới được xây dựng góp phần tăng thêm vẻ mỹ quan đô thị


Trong đó cầu Phú Mỹ thông xe vào năm 2009 nối liền quận 7 với quận 2 không chỉ là cầu dây văng hiện đại mà còn được xem là công trình biểu tượng của TP. HCM với khung trụ cầu hình chữ H.

Đây cũng là cây cầu có độ tĩnh không thông thuyền cao nhất trên địa bàn thành phố với chiều cao 45m, khổ thông thuyền rộng 250m để tàu biển tải trọng 30.000 DWT có thể dễ dàng ra vào các cảng của thành phố.

Cầu Phú Mỹ có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng năng lực giao thông của thành phố với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do nối kết với trục Đông Tây thành phố nên các phương tiện từ miền Tây đến Vũng Tàu (tuyến cao tốc TP. HCM - Cần Thơ) và từ miền Trung vào thành phố (tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây) không phải đi xuyên tâm thành phố.

Cầu Phú Mỹ còn gắn kết đường vành đai phía Tây và phía Đông, khép kín đường vành đai chủ lực của thành phố.

 
 

Cầu Phú Mỹ - cây cầu mang biểu tượng TP. HCM
 
 
Đại lộ Đông Tây với bề rộng mặt đường từ 42 - 60 m gồm 10 làn xe là tuyến đi xuyên tâm thành phố qua các địa bàn quận 1, quận 2, quận 4, quận 5, quận 6, quận 8, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh được thông xe toàn tuyến vào năm 2011. Đây là tuyến đường kết nối trung tâm thành phố với các khu vực xa trung tâm về hướng Tây Nam và Đông Bắc.

Điểm nhấn của toàn tuyến Đông Tây dài 18,44km là hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn - hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á. Hầm Thủ Thiêm có tổng chiều dài 1.490m, mặt cắt ngang rộng 33,3m, cao 9m, thiết kế cho 6 làn xe lưu thông theo 2 hướng với vận tốc 60km/h. Công trình này được xem là bước đột phá trong quy hoạch giao thông đô thị của thành phố, tạo ra con đường ngắn nhất nối trung tâm thành phố với khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Mới đây vào trung tuần tháng 4-2012, thành phố đã khởi công xây dựng cầu Sài Gòn 2, với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2014. Cầu được thiết kế cho 6 làn xe khi hoàn thành sẽ giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu và giải tỏa ùn tắc giao thông ở cửa ngõ Đông Bắc thành phố.

 
 


Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn - công trình hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á
                                
 
Bên cạnh đó 2 dự án xây dựng tuyến metro đã được khởi động, dự kiến đến năm 2015 tuyến metro số 1 (tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7km có tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD sẽ được đưa vào khai thác với sức chứa của mỗi đoàn tàu là 942 hành khách và cứ cách 5 phút có một chuyến.

Tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành – Tham Lương) tổng vốn đầu tư 1,25 tỷ USD, có chiều dài 11,3km với khoảng 9,3km đi ngầm dưới đất dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào năm 2016 với tốc độ khai thác cho phép là 80km/h và hành khách chỉ mất khoảng 20 phút để đi hết tuyến.
 
Khoảng thời gian 37 năm không phải là dài đối với một đô thị trẻ chỉ hơn 300 năm kiến tạo, nhưng với hàng chục ngàn tỷ đồng được đầu tư cho hạ tầng giao thông mỗi năm và hàng trăm công trình đang và sắp xây dựng, trong thời gian tới diện mạo thành phố nhất là về hạ tầng giao thông sẽ có những đổi thay rất đáng tự hào.
 

Theo Đại Đoàn Kết

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích
  • LA Home dự án nhà phố Long An