TP.HCM ra tay giải cứu DN

Thứ hai, 30/04/2012, 14:17
Hàng loạt DN đang đứng trước bờ vực phá sản mà nguyên nhân chủ yếu là các DN đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn vốn thị trường (ngay cả khi lãi suất đã giảm). Trước thực trạng ấy, lãnh đạo TP HCM đã đề xuất những kiến nghị, các giải pháp “cứu sống” DN.
Trong quý I năm nay, TP HCM có 4.988 DN được thành lập với tổng số vốn đăng ký là hơn 23.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số lượng DN được thành lập tăng gần 31%, tuy nhiên số vốn đăng ký giảm 7%.

Có 5.012 DN gửi thông báo ngưng hoạt động đến Cục thuế thành phố (tăng 4,6 lần cùng kỳ 2011). Trong đó có 1.725 DN chờ làm thủ tục giải thể, 1.198 DN bỏ trốn, mất tích, 463 DN chuyển đổi loại hình, tổ chức sắp xếp lại, 490 DN ngưng hoạt động chưa rõ lý do, 1.136 DN tạm ngưng hoạt động có thời hạn.

 


Lãi suất ngân hàng đã hạ nhưng doanh nghiệp vẫn khó có thể tiếp cận được vốn vay


DN “thoi thóp”

Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, việc DN thua lỗ hay nợ nần chồng chất dẫn tới phá sản đang là vấn đề nóng bỏng được bàn tán mọi lúc, mọi nơi.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết: 3 tháng đầu năm nay, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP tăng 0,43% so với cuối năm 2011, trong tổng số hơn 23.000 DN được vay vốn thì có tới 1.400 DN phát sinh nợ xấu, chiếm tỷ lệ nợ xấu là 5,8%, tập trung cao nhất ở lĩnh vực xây dựng và BĐS.

Trong đó, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại lên tới 37.000 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ nợ xấu là 4,9, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế khó khăn không chỉ dừng lại ở đấy, con số nợ xấu ngày càng tăng lên khiến hàng loạt DN mất khả năng chi trả.

Vấn đề mà hiện hàng ngàn DN tại TP đau đầu chính là câu chuyện lãi suất. Tuy lãi suất đã được NHNN thông báo giảm lãi suất trần xuống mức 12% nhưng các DN kiến nghị mức lãi xuất hiện tại vẫn còn cao và không phải DN nào cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn này.

Trong bối cảnh đó, nhiều DN sản xuất khát vốn vẫn phải chấp nhận vay với mức lãi suất từ 17 - 20% bởi không có sự lựa chọn khác hơn.

Theo ông Trần Quốc Tuấn - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP HCM, nguồn vốn -  đang là vấn đề đau đầu nhất, với mức lãi suất hiện tại dù đã có dấu hiệu giảm xuống thì vẫn quá sức chịu đựng của DN ngành gỗ. Đồng thời, áp lực rất lớn đối với ngành sản xuất gỗ hiện nay chính là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao do ảnh hưởng của giá xăng dầu và giá dịch vụ vận chuyển đồng loạt tăng trước đó. Từ đó, hàng hóa sản xuất ra mất tính cạnh tranh, mất dần thị trường nên DN không dám nhận thêm đơn đặt hàng.

Không thể bó tay đứng ngoài cuộc nhìn DN “chết” hàng loạt, mới đây chính quyền TP HCM đã có những động thái hết sức tích cực thông qua việc đưa ra những kiến nghị gỡ khó cho DN trong buổi làm việc với đoàn công tác Chính phủ. Theo đó, TP đã đề xuất 20 kiến nghị tập trung vào 6 nhóm vấn đề cơ bản, nổi bật nhất là vấn đề về nguồn vốn và cơ chế.


Chính quyền vào cuộc

Quý 1/2012 toàn TP có 4.988 DN được thành lập mới, nhưng có tới 5.012 DN ngừng hoạt động.


Trước thực trạng khó khăn chung, bà Hồng cũng kiến nghị, NHNN cần đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu bằng các biện pháp: khơi thông nguồn vốn, đảm bảo nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hạn chế rủi ro từ các ngân hàng thương mại.

Bà Hồng đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề nợ xấu của các DN BĐS hiện nay. Sản phẩm làm ra không bán được, khả năng thanh khoản kém, khiến các ngân hàng khó khăn trong việc thu nợ và xử lý nợ. Do đó, với các DN BĐS ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn mới để có thể trụ lại chứ đừng nói là “vượt bão”.

Đại diện TP HCM cũng kiến nghị Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế TNDN phát sinh phải nộp và số thuế còn lại phải nộp theo quyết toán thuế năm 2012 của DNVVN thêm 3 tháng so với quy định. Đồng thời, cho phép TP giảm 30% số thuế TNDN của năm 2012 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN này. Nêu lên kiến nghị này xuất phát từ thực tế hiện nay tại TP HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung, nếu như Chính phủ và NHNN không làm căn cơ, thấu đáo việc miễn giảm thuế cho đối tượng DNVVN thì con số DN “chết” sẽ không dừng lại ở đó.

Ngoài việc kéo lạm phát xuống để DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, thì vấn đề quan trọng là làm sao cải thiện được đầu ra. Nếu DN mà co hẹp sản xuất sẽ sinh ra thất nghiệp, thu nhập giảm, kéo theo hàng loạt hệ quả xã hội.

Vì vậy, ngoài giải pháp giảm thuế, miễn thuế, thay vì hoãn nộp thuế, đồng nghĩa với việc khuyến nghị chính sách là Chính phủ nên giảm thu. Giảm thu để kiên quyết giảm chi, tăng hiệu quả của chi. Nếu chỉ có giảm chi trong khi thu không giảm thì gánh nặng cho DN vẫn còn, trong khi đó hiệu quả đầu tư công vẫn chưa được cải thiện. Các đề xuất thu phí lúc này cũng cần được cân nhắc kỹ vì sẽ khiến DN đã yếu càng yếu hơn.


Theo DĐDN

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn