Alwaleed bin Talal hiện sở hữu khối tài sản trị giá 18 tỷ USD và là chủ tịch của Kingdom Holdings. Ông là người giàu nhất Trung Đông và giàu thứ 29 thế giới theo danh sách mới nhất của Forbes.
Tỷ phú này sinh năm 1955 và là cháu của quốc vương Ảrập Xêút Abdel Aziz Saud. Sau khi cha mẹ ly dị, ông về sống cùng mẹ mình tại Beirut (thủ đô Lebanon), còn em trai và em gái sống cùng cha tại Riyadh (thủ đô Ảrập Xêút).
Khi còn đi học, Alwaleed chưa bao giờ tỏ ra chăm chỉ, nhưng lại là một học sinh rất thông minh. Năm 13 tuổi, ông được cha ghi danh vào Học viện Quân sự Hoàng gia. Sau đó, ông sang California theo học ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Menlo và hoàn thành chương trình sau hơn 2 năm.
Trong thời gian ở đây, Alwaleed đã lập gia đình rồi mới quay về Ảrập Xêút năm 1979. Vị hoàng thân này trở lại Mỹ năm 1985 để lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Syracuse, New York.
Chân dung hoàng thân Alwaleed bin Talal. |
Khác với những tỷ phú Ảrập giàu lên từ dầu mỏ, Alwaleed bin Talal lại ăn nên làm ra nhờ những phi vụ đầu tư mạo hiểm. Đó là lý do vì sao ông được mệnh danh là Warren Buffet của Ảrập.
Sau khi về nước, ông được cha giao cho 30.000 USD và một căn biệt thự. Tuy nhiên, ông đã đem nó đi thế chấp để vay thêm 300.000 USD từ Citibank. Với số tiền đó, trong 10 năm, Alwaleed đã kiếm được hàng tỷ USD nhờ đầu tư vào bất động sản và mua cổ phiếu của các công ty đầu tư vào Ảrập Xêút trong thời kỳ bùng nổ dầu mỏ.
Năm 1990, khi tổng thống Iraq thời đó là Saddam Hussein ra lệnh tấn công Kuwait, rất nhiều người Ảrập Xêút tỏ ra sợ hãi và bán tháo nhà cửa với giá chỉ bằng một phần ba để chuyển sang nước khác sinh sống.
Thế nhưng, Alwaleed lại coi đây là thời cơ có một không hai và tăng cường mua lại số bất động sản đó. Ông tin rằng Saddam Hussein không thể chiến thắng và cuộc tấn công sẽ kết thúc trong vòng vài tháng. Sự nhạy bén đó đã giúp ông kiếm được số tiền gần gấp 5 ban đầu.
Alwaleed đã từng đầu tư vào công nghiệp thực phẩm và chiếm tới 80% thị trường dầu thực vật, 90% thị trường đường và 40% các chuỗi cửa hàng phân phối tại Ảrập Xê út.
Năm 1991, vị tỷ phú này đã liều lĩnh bỏ ra tới 590 triệu USD mua cổ phiếu ưu đãi của Citibank để cứu ngân hàng này khỏi tình trạng phá sản. Rất nhiều người đã chỉ trích ông mù quáng và cho rằng việc này quá mạo hiểm. Tuy nhiên, sự trỗi dậy thần kỳ của Citibank sau đó đã đưa vị hoàng thân Ảrập này vào danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới.
Khách sạn cũng là một kênh đầu tư ưa thích của Alwaleed. Ông đã rót vốn vào chuỗi khách sạn Fremont và Four Seasons ở San Francisco, Plaza Hotel ở New York cũng như George V và Euro Disney SCA ở Paris. Ông còn đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình bằng các khoản vốn rót vào lĩnh vực truyền thông và công nghệ.
Năm 1997, vị tỷ phú này mua 5% cổ phần của News Corporation. Sau đó, ông tiếp tục đầu tư vào Apple, thậm chí còn trước cả khi Steve Jobs quay lại và vực dậy đại gia công nghệ này.
Khi khủng hoảng kinh tế châu Á nổ ra năm 1997, Alwaleed đã mua rất nhiều cổ phiếu của các công ty tại Hàn Quốc, Malaysia và Singapore, điển hình là Hyundai và Daewoo. Tháng 12/2011, tỷ phú này cũng tuyên bố rót 300 triệu USD vào dịch vụ tiểu blog Twitter.
Đình đám nhất phải kể đến việc tháng 2 vừa qua, tỷ phú này công bố sẽ xây siêu tháp cao nhất thế giới mang tên Kingdom Tower, cao tới 1.000 mét tại Jeddah, Ảrập Xêút. Với chi phí đầu tư khoảng 1,22 tỷ USD, công trình này dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
Vì là một tỷ phú, lại có dòng dõi hoàng tộc, nên việc Alwaleed bin Talal có lối sống xa hoa cũng là điều dễ hiểu.
Ông có một căn biệt thự trị giá 130 triệu USD tại Riyadh, hai căn biệt thứ khác tại Hay al Huda. Phương tiện đi lại của ông có 3 chuyên cơ gồm Hawker Siddeley 125, Boeing 747 và đặc biệt là chiếc Airbus A380 giá 500 triệu USD vừa mới tậu.
Vị hoàng thân này cũng sở hữu một bộ sưu tập xe hơi hơn 300 chiếc với đủ các thương hiệu nổi tiếng như Rolls Royce, Lamborghini hay Ferrari. Chiếc du thuyền lớn thứ 3 thế giới Kingdom 5KR có chiều dài 170 mét cũng là tài sản của Alwaleed.
Dù vậy, vị tỷ phú này cũng là một người rất hào hiệp khi đã đóng góp tới 10 triệu USD cho quỹ chống thảm họa Twin Towers, 20 triệu USD cho Đại học Georgetown và 20 triệu USD cho Đại học Harvard. Ông cũng góp phần đáng kể vào việc gây quỹ cho các tổ chức chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cứu trợ lương thực và phòng chống HIV/AIDS tại châu Phi.
Theo Vnexpress