Định cư mà không có đất định canh

Thứ hai, 30/04/2012, 07:51
Ngoài việc “ăn không ngồi rồi”, 45 hộ ở khu tái định cư tại ấp Giang Hà, xã An Điền, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) đang phải sống trong những căn nhà xập xệ không điện, nước, chỗ vệ sinh.


Các tin khác
>>Đà Nẵng: Chủ đầu tư "chạy làng", công nhân bị hụt nhà
>>1.000 công an tham gia trong vụ cưỡng chế đất ở Hưng Yên
 

Trong dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ di dân và phát triển vùng kinh tế mới được triển khai vào năm 2011 tại huyện Thạnh Phú (Bến Tre), những hộ dân thuộc diện gia đình thương binh liệt sĩ, những người mất đất  và diện giải tỏa trắng hiện không có nhà ở, đất sản xuất được nhận 300 m2 đất ở và mỗi nhân khẩu được giao 2.000 m2 đất sản xuất (không quá 10.000 m2 mỗi hộ).

Hơn nửa năm nay, 45 hộ thuộc diện trên đã cất nhà ở tại khu tái định cư thuộc ấp Giang Hà, xã An Điền.

Tuy nhiên, từ lúc về đây, các hộ chỉ ăn không ngồi rồi do không có đất sản xuất làm ăn. Các hộ phải sống trong căn nhà bằng cây lá tạm bợ xập xệ, lại không điện, nước, chỗ vệ sinh. Mọi thứ sinh hoạt hằng ngày đều phải mua với giá đắt đỏ, đặc biệt giá nước sinh hoạt 60.000 đồng/m3...

Ông Lê Văn Nhánh (là thương binh 3/4, bị cụt một chân ở chiến trường Campuchia) than vãn việc phải chống chọi với cuộc sống ngặt nghèo ở ấp Giang Hà: “Đường điện cao thế giăng ngay trước nhà mà dân ở đây không điện thắp sáng. Nước sinh hoạt phải mua từ bên Giao Thạnh chở ghe qua với giá rất cao. Nước giếng khoan thì toàn là phèn vàng lòm, chát lè không xài được”.

 

Khu tái định cư của 45 hộ dân thiếu thốn đủ thứ. Ảnh: VĂN TÂM

 

Ông Lê Văn Nhánh luôn khát nước sạch để sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: VĂN TÂM


Ông Nhánh nói: “Tôi muốn làm việc gì đó để kiếm tiền chi tiêu nhưng lực bất tòng tâm. Tôi không có dụng cụ, phương tiện để khai thác, đánh bắt cá tôm. Mà nếu có cũng không thể làm vì kênh mương, ao hồ đều đã có người làm từ trước đến nay. Lúc đầu tôi tưởng về đây thì sẽ được cấp đất công. Nào ngờ chính quyền lấy đất của những hộ dân đã có công giữ gìn và khai phá trước đó. Những hộ này cho biết sẽ chuẩn bị đồ nghề để chết cùng với đất của họ khiến chúng tôi rất lo lắng”.


Cũng thuộc khu tái định cư này, nhà bà Lê Thị Hớn toàn bằng cây lá tạp, tạm bợ. Bà Hớn thuộc diện gia đình liệt sĩ và bị giải tỏa trắng tại phà Cầu Ván ở xã Giao Thạnh. Bà Hớn băn khoăn:

“Trước kia còn ở nhà cũ, tui với đứa con gái bị tật ở chân lãnh đồ giặt hằng ngày kiếm được 50.000, 30.000 đồng để sống. Giờ tui đã gần 70 tuổi mà phải chịu cảnh mắm không xong muối không đặng, không biết kéo dài đến bao giờ. Mấy tháng trước, một lãnh đạo xã bảo bà con đóng tiền cắt ranh đất sớm thì được nhận đất sớm. Thế là tui chạy đi hỏi bạc bên ngoài để đi đóng. Qua mấy hôm sau tui nhận được thông báo đi cắm và cắt ranh đất. Nhưng nào ngờ chính quyền cắm đằng trước, chủ đất theo nhổ đằng sau. Họ nói đất của họ, ai nhảy vô lấy họ chém chết. Rồi tuần sau nữa, chính quyền thông báo tui lên nhận tiền cắm ranh, cắt ranh lại. Tui lo không biết sẽ trả phần lãi vay hơn một tuần như thế nào đây. Sự việc cứ vậy kéo dài cho đến nay vẫn chưa được giải quyết xong”.
 

Đền 4 triệu đồng/công

Nông trường Giao Điền được khai thác sử dụng trồng lúa từ năm 1983 nhưng không hiệu quả. UBND tỉnh chỉ đạo công ty chuyên doanh dừa hỗ trợ đầu tư trồng dừa lấn biển và trồng rừng phòng hộ. Sau một thời gian làm ăn không hiệu quả, nông trường giải thể. Từ đó đất trong nông trường được phân chia cho người dân nhận khoán và các hộ đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1999. Giờ chính quyền bảo đất này nguyên là đất công và chỉ bồi thường 4 triệu đồng/công để buộc các hộ phải trả lại để cấp cho 45 hộ thuộc dự án 146,89 ha.

Ông TRẦN VĂN BÉ, cựu Giám đốc Nông trường Giao Điền thuộcxã An Điền

Đang ráo riết tìm biện pháp

Huyện chủ trương vẫn tiếp tục duy trì sự ổn định về chỗ ở và đang ráo riết tìm biện pháp để đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho những hộ tái định cư.

Ông BÙI VĂN LÂM, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú

Phần đất trên có nguồn gốc là đất của quốc phòng, sau đó chuyển giao cho chính quyền địa phương quản lý. Chính quyền mới tiến hành cấp đất cho người dân nơi đó canh tác. Tính đến nay những hộ dân này đã hết hạn sử dụng theo hợp đồng. Đúng luật thì những hộ này phải giao đất cho địa phương rồi địa phương giao đất cho 45 hộ tái định cư. Song những hộ này vẫn kiên quyết giữ đất. Hiện tỉnh đã có tính đến phương án xử lý để sớm kết thúc vụ việc.

Ông ĐỖ MINH ĐỨC, Ủy viênThường trực HĐND tỉnh Bến Tre


Theo PLTP

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích