Đây có thể sẽ là đại hội đồng cổ đông lần cuối cùng của Habubank dưới tên gọi hiện tại |
Không nằm ngoài dự đoán, đại hội đồng cổ đông hôm nay của NHCP Nhà Hà Nội (Habubank) ngày hôm nay trở nên rất “nóng” xung quanh đề án sáp nhập vào NHCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Theo thống kê của ban tổ chức, đại hội đã thu hút đông đảo cổ đông tham gia với gần 250 triệu cổ phần có quyền biểu quyết chiếm 61,66%.
Với thời lượng làm việc kéo dài đến giữa giờ chiều mới hoàn tất, rốt cuộc, Hội đồng quản trị Habubank đã có thể “thở phào nhẹ nhõm” phần nào khi đề án trình ra, sau nhiều tranh luận đã được thông qua với tỉ lệ cao 85,21%.
Theo Đề án sáp nhập, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu là 1 cổ phiếu HBB “ăn” 0,75 cổ phiếu SHB về ngân hàng sau sáp nhập sẽ có tên gọi Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội với vốn điều lệ 8.865 tỷ đồng, giữ nguyên trong vòng 3 năm sáp nhập. Điều đó cũng có nghĩa là thương hiệu Habubank sẽ không còn trên thị trường tài chính Việt Nam.
Nợ xấu trên 16% vì Vinashin
Như nội dung giải trình đã được nêu ở bản Đề án được công khai, trước các cổ đông, bà Bùi Thị Mai, Tổng giám đốc Habubank cho biết, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ngân hàng phải tiến tới phương án như hiện nay đó là gánh nặng của các khoản nợ vay từ nhóm khách hàng Vinashin đã khiến kết quả tài chính cũng như chất lượng tài sản của ngân hàng từ năm 2011 đến nay bị suy giảm rất nhiều.
Theo đó, tính đến ngày 29/2, tỷ lệ nợ xấu của Habubank lên đến 16,06% (theo đánh giá của chuẩn mực kế toán Việt Nam), và thậm chí lên đến 32,06% nếu đánh giá đặc biệt theo quan điểm mức độ rủi ro tiềm ẩn.
Về phương án sáp nhập vào SHB, nhiều cổ đông của Habubank đã tỏ ra nghi ngại về vấn đề nợ xấu của SHB cũng như khả năng liệu ngân hàng này có “kham” nổ Habubank hay không. Đáp lại thắc mắc đó, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, SHB là một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả trong nhiều năm. Đồng thời, những kết quả kinh doanh của SHB như trong báo cáo tài chính là chính xác.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bảng, Chủ tịch HĐQT của Habubank cũng khẳng định, là người đứng đầu ngân hàng, ông đương nhiên phải hiểu đối tác.
Cũng như bà Mai trần tình trước đó, ông Bảng nói, HĐQT nhận thức và hối tiếc với những sai sót của ban lãnh đạo trong thời gian vừa qua.
Đồng thời, ông Bảng cho biết, việc sáp nhập ở đây là mang tính tự nguyện, và tại thời điểm hiện tại Habubank chưa nằm trong nhóm ngân hàng bị bắt buộc phải sáp nhập, song cần thực hiện ngay để tình hình ổn định tốt hơn.
Tuy nhiên, vì sao Habubank không chọn ngân hàng khác. Ông Bảng nói, do Habubank chưa ở thế tự chọn được. Vừa qua trong giai đoạn kinh tế khó khăn nghiêm trọng, mặc dù đã có đề án tăng vốn nhưng cổ đông không thể góp vốn lên nữa và vì vậy việc sáp nhập sẽ là phương án giúp cho các chỉ tiêu tài chính được tốt hơn.
“Thông” về lợi ích
Trong phần trình bày của mình trước đông đảo cổ đông, bà Mai thông báo, theo kế hoạch sáp nhập, cổ đông của 2 ngân hàng sẽ không được nhận cổ tức trong vòng 2 đến 3 năm tới. Thông tin này đã gây thất vọng cho nhiều người đang nắm lượng lớn cổ phiếu HBB tại hội trường, nhất là khi tỉ lệ sáp nhập không phải 1-1 mà là 0,75.
Tuy nhiên, cũng có không ít cổ đông bày tỏ sự tán thành và thông cảm. Một cổ đông nắm 320.000 cổ phiếu HBB khi đứng lên phát biểu có nói, “Bây giờ cổ đông muốn phát biểu gì cũng nên lưu ý quyền lợi. Hiện rơi vào hoàn cảnh này thì HĐQT cũng rất đau xót, mong các cổ đông khác nhìn vào thực tế”. Vị này phân tích, “NHNN đã đưa ra hướng sáp nhập để cứu vãn tình hình, nếu phá sản thì mất trắng còn sáp nhập thì cứu được. Ở đây là NHNN cứu chúng ta, cá nhân tôi được đồng nào tốt đồng ý. Tôi đồng ý với kế hoạch sáp nhập”.
Nhìn chung, dù tỏ ra nghi ngại hay tin tưởng thì các cổ đông cũng mong muốn, với phương án nào, khi giải quyết được vấn đề trước mắt, ngân hàng cũng cần phải trả được cổ tức cho các cổ đông.
Tất nhiên, cho đến nay, về mặt nguyên tắc thì con đường đi đến đích sáp nhập vẫn mới được 1 nửa. Việc thành hay không còn chờ ngày 5/5 tới, các cổ đông của SHB sẽ nhìn nhận thế nào về lợi ích của họ và đưa ra những quyết định riêng.
Trong bản thông cáo phát ra sau cuộc họp, Habubank cho biết, kế hoạch này đã nhận được sự hỗ trợ và quan tâm của NHNN do việc sáp nhập nằm trong chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn hiện hành.
Nếu thành công, thì trường hợp của Habubank và SHB sẽ trở thành một mô hình mẫu cho việc sáp nhập những ngân hàng niêm yết về sau ở Việt Nam. Tuy nhiên, như một số cổ đông Habubank ngày hôm nay đề nghị, những thông tin về tình hình tài chính, về nợ xấu của các chủ thể có liên quan cần phải được NHNN cũng như các bên cung cấp chính xác, chân thực cho các cổ đông.
Theo Dantri