Các tin khác
>>Chen chân đi đăng ký thất nghiệp
>>Trợ cấp thất nghiệp: Khó bảo đảm chi đúng đối tượng
>>TPHCM: Gần 9.000 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 1
Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Cục phó Cục thuế TP HCM, cho biết, quý I, lượng doanh nghiệp báo lỗ tăng 20% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn cả thời điểm khủng hoảng 2008-2009. Địa ốc, xây dựng, thiết kế, nguyên vật liệu, sắt thép, xi măng, san lấp mặt bằng, trang trí nội thất... thua lỗ nhiều nhất.
Lãi suất quá cao (nhiều doanh nghiệp phải vay mức trên 20%), trong khi sức mua giảm rõ rệt đã đẩy một loạt đơn vị vào cảnh khốn đốn. Quý I, hơn 5.000 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động đến Cục Thuế, tăng gấp 4,6 lần cùng kỳ - cao nhất trong nhiều năm.
Trước tình hình này, Cục Thuế kiến nghị UBND TP HCM tiếp tục giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng được giảm thuế như 2011. Ngoài ra, thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 2012 nên gia hạn 3 tháng. Để giảm khó khăn tài chính, Cục Thuế cũng đề xuất UBND cho nộp phân kỳ tiền thuế nợ trong thời hạn không quá 12 tháng, không phạt chậm theo đề nghị và cam kết của doanh nghiệp...
|
Lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh trong quý I. Ảnh: B.H. |
Sức khỏe doanh nghiệp ở mức báo động nên cuộc Tổng Điều tra cơ sở kinh tế TP HCM lần 4 (1/4-31/5) khác hẳn với những đợt trước, đi sâu tìm hiểu những thách thức mà doanh nghiệp đã và sẽ gặp phải ở năm 2012. Thông qua cách tiếp cận này, Cục Thống kê TP HCM kỳ vọng nắm bắt chính xác thực trạng hoạt động để trị đúng "bệnh" cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai gặp khó khi có doanh nghiệp không thẳng thắn chia sẻ. Có đơn vị cho rằng để tiếng nói của họ tới cơ quan chức năng phải mất một thời gian nữa, khi đó không biết doanh nghiệp còn tồn tại để nhận giúp đỡ.
Lượng doanh nghiệp giải thể tăng cao trong 3 tháng qua đẩy hàng loạt lao động vào cảnh mất việc. Quý I, TP HCM có gần 30.000 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã xét hưởng cho hơn 11.000 người, tăng mạnh so với cùng kỳ.
Đại diện Sở lao động thương binh xã hội TP HCM cho biết, đang xúc tiến nhiều chương trình chăm lo cho người lao động, đặc biệt kết nối với các Trung tâm giới thiệu việc làm để nhanh chóng giúp lao động tìm việc. Vấn đề này sẽ được chú trọng hơn mọi năm, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn, thậm chí đóng cửa, đẩy số người thất nghiệp tăng cao.
Trong khi đó, doanh nghiệp nợ lương, chậm lương, giải quyết chế độ không thỏa đáng xuất hiện nhiều hơn, chứ không còn lác đác như trước.
Theo ông Huỳnh Văn Hải, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp huyện Hóc Môn, TP HCM, từ đầu năm đến nay, huyện có gần 10 doanh nghiệp nợ lương, chậm lương trong khi cùng kỳ năm ngoái không có chuyện này. Hiện một số giám đốc không dám ngồi văn phòng vì nợ vây, công nhân yêu cầu thanh toán lương. Hoạt động kinh doanh khó khăn từ năm 2010, kéo dài sang 2011, các doanh nghiệp vẫn cố gắng chống chọi với mọi biến cố, nhưng sang 2012 đã không thể gắng gượng hơn.
Đại diện Liên đoàn TP HCM cho hay, giữa tháng 4, có doanh nghiệp may mặc đột ngột cho công nhân nghỉ việc 1 tuần không lương mà lương tháng 3 vẫn chưa trả. Công ty ngừng hoạt động, máy móc chuyển đi nơi khác. Cả trăm công nhân bao vây nhà xưởng, canh chừng ông chủ người Hàn Quốc mấy ngày liền không cho ra khỏi công ty.
Nguồn tin từ Bộ Lao động Thương bình và Xã hội cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các Sở lao động thành phố thu thập dữ liệu, báo cáo Bộ tình trạng doanh nghiệp nợ lương, chậm lương người lao động. Căn cứ vào thực trạng và số liệu thu thập, Bộ sẽ nhanh chóng có phương án hỗ trợ, xử lý.
Không chỉ cơ quan chức năng, phía Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP HCM cũng góp sức nắm bắt sức khỏe doanh nghiệp, trong đó có thống kê những đơn vị nợ lương, chậm lương. Phía Hiệp hội liên kết với ngân hàng để các đơn vị là hội viên được hưởng lãi suất ưu đãi, dễ dàng tiếp cận vốn vay. Những cuộc tọa đàm, tập hợp lấy ý kiến, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn được tổ chức nhiều hơn mọi năm.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhận định, chưa khi nào doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức như 2011. Hệ lụy kéo theo là số doanh nghiệp đóng cửa tăng cao. Số liệu từ VCCI, mỗi năm khoảng 5.000-7.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể, nhưng 2012 con số này sẽ tăng 1,5-2 lần. Đây là minh chứng cho thấy nhiều đơn vị không thể cầm cự hơn nữa. Với những doanh nghiệp nhỏ còn sống sót, sự tan rã của các đồng nghiệp kém may mắn sẽ buộc họ co cụm trong chiến lược phòng thủ, hoạt động cầm chừng dựa trên nguồn vốn tự có ít ỏi, phát triển chậm với năng lực cạnh tranh thấp.
Theo ông Sơn, hàng loạt doanh nghiệp phá sản tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Lượng công ăn việc làm giảm, tỷ lệ người lao động thất nghiệp đang gia tăng. Tuy nhiên, đây không phải hoàn toàn do lỗi doanh nghiệp mà còn do tác động của các yếu tố vĩ mô: lãi suất, thuế, giá đầu vào...
Theo VnExpress