Tin liên quan
>> Giá điện bình quân lên đến 2.000 đồng/kwh?
>> Giá điện sẽ không ngừng tăng
>> EVN chưa đề xuất tăng giá điện
>> TS. Trần Hoàng Ngân: Dân không thể chịu thêm cú sốc tăng giá điện!
Ảnh minh hoa |
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất chỉnh sửa một số nội dung trong Dự thảo Luật Giá. Cơ quan này kiến nghị, Nhà nước chỉ nên kiểm soát đối với khung giá phát, bán buôn, truyền tải, phân phối, phí dịch vụ điều độ hệ thống điện, phí dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
Cơ quan này nhấn mạnh, quy định Thủ tướng phê duyệt giá bán lẻ điện bình quân không còn phù hợp và không khả thi. Bởi thực tế, giá bán điện bình quân chỉ phù hợp với giai đoạn hiện nay, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang là đơn vị mua và bán lẻ duy nhất.
Khi cấu trúc thị trường thay đổi theo cấp độ, thì các quy định về giá điện cũng phải thay đổi theo. Khi có thị trường bán buôn và bán lẻ điện sẽ hình thành nhiều đơn vị kinh doanh mua bán điện, giá bán lẻ điện sẽ chịu tác động của cơ chế thị trường.
Việc Nhà nước can thiệp đến đâu, như thế nào đối với mặt hàng điện đang gây tranh cãi gay gắt giữa các cơ quan xây dựng và thẩm định luật. Trước đó, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ quốc hội giữa tháng 4, các đại biểu cũng đưa ra nhiều quan điểm trái chiều.
Lấy kinh nghiệm từ nhiều nước, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, để bảo đảm điện thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có sự điều tiết của Nhà nước thì chỉ nên quy định Nhà nước định giá đối với giá điện bán lẻ bình quân. Còn mức giá cụ thể do doanh nghiệp tự điều chỉnh.
Còn liên Bộ Tài chính- Công Thương lại thống nhất, giá bán lẻ do đơn vị điện lực xây dựng căn cứ vào cơ chế quản lý và điều chỉnh do Thủ tướng quy định. Nhà nước quy định mức giá cụ thể như truyền tải, phân phối, bán buôn, giá dịch vụ cung cấp điện. Đối với phát điện, khung giá cũng do Nhà nước quy định để tránh hiện tượng đẩy giá cao ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Theo VnExpress