Doanh nghiệp Việt đã chịu chi để kéo người tiêu dùng đến với thương hiệu của mình
Không ít gian hàng tại hội chợ được đầu tư khá hoành tráng, từ 100 - 300 triệu đồng như Thiên Long, Kềm Nghĩa, Biti’s, Việt Tiến…
Riêng gian hàng của Duy Tân năm nay thiết kế thêm khu vực trên lầu dành để tiếp các đại lý và nhà phân phối. Phần trưng bày và những hoạt động kích hoạt thương hiệu cũng được doanh nghiệp đẩy mạnh để níu chân khách tham quan dừng lại gian hàng của mình.
Đơn cử như Việt Tiến, để chuyển đổi sang một hình ảnh trẻ trung hơn, thương hiệu này đã không ngần ngại chi mạnh tay cho chiến dịch “Hành trình tìm kiếm phong cách chuẩn mực” với một gian hàng chỉ dành tổ chức trò chơi cho các nhóm bạn trẻ, các cặp đôi, biểu diễn dance sôi động và treo thưởng giá trị cao cho các khách hàng tham gia chương trình…
Ông Văn Đình Hải, Giám đốc bán hàng khu vực TPHCM của công ty bánh kẹo Hải Hà cho biết: “Hải Hà đẩy mạnh khâu bán hàng bằng cách tung ra tới ba sản phẩm bánh mới đi theo xu hướng đang bán chạy trên thị trường. Có những mặt hàng chúng tôi bán một tặng một, có mặt hàng giảm giá trực tiếp trên sản phẩm và còn tổ chức rút thăm trúng thưởng”.
Nếu như những năm trước, việc đầu tư cho mãi lực chỉ chiếm khoảng 3 - 5% chi phí thì tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao TPHCM năm nay, con số này đã tăng lên gấp nhiều lần. Một đại diện doanh nghiệp trong ngành bánh kẹo- nước giải khát cho biết.
Tuy nhiên đầu tư lớn như vậy, nhưng thế mạnh bán hàng lại không nằm ở nhóm các doanh nghiệp thực phẩm… Chị Huỳnh Thanh Lan, nhà ở Q. Tân Bình cho rằng: “Năm nào có Hội chợ đều đi nhưng năm nay phải cắt hết các khoản bánh kẹo, nước uống, chỉ mua những gì thật cần thiết thôi. Thấy nhiều đồ đẹp, mới cũng ham, nhưng tình hình khó khăn phải tiết kiệm mới đủ chi tiêu”.
Hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng năm nay để bán được một sản phẩm doanh nghiệp phải “kỳ công” hơn nhiều. Các công ty đều phải chịu khó đầu tư thương hiệu, đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi đế hút khách đến với gian hàng của mình.