Các tin khác
>> Khu nghỉ dưỡng nửa tỷ đô dưới lòng đất
>> Hoàng gia Qatar chi gần 7 triệu đô mua đảo Hi Lạp
Dịp lễ 30/4, 1/5 năm nay, hầu hết các điểm du lịch có “thương hiệu” của Quảng Bình như Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu nghỉ dưỡng Sun Spa Resort Quảng Bình (bên bờ biển xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) – đạt tiêu chuẩn 5 sao; các bãi biển Bảo Ninh, Nhật Lệ… đều diễn ra tình trạng “chặt chém” du khách về giá.
Du khách bỏ Quảng Bình vì bị “hét” giá cao
Các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn TP. Đồng Hới như Hòa Bình, Hương Giang, Sài Gòn Quảng Bình… đã “cháy” phòng từ ngày 30/4. Lợi dụng cơ hội này, giá phòng đột ngột tăng vọt hơn ngày thường từ 40% - 80%, dù các khách sạn đều đã có cam kết giá với cơ quan chức năng.
Du khách đến tắm biển, nghỉ ngơi ở biển Nhật Lệ, Bảo Ninh tăng đột biến nhưng nhiều người than phiền giá cả quá đắt đỏ so với mức sống thường ở đây. Chúng tôi dùng điện thoại gọi đến nhiều điểm tư nhân cho thuê xe du lịch dịch vụ thì nhận được câu trả lời đã hết xe vì được đặt trước. Nếu muốn “ưu ái” phải trả giá cao gấp đôi người đặt trước. Trong khi đó, giá này đã cao gấp rưỡi ngày thường.
Một căn phòng sang trọng tại Sun Spa Resort Quảng Bình. |
Một du khách cùng gia đình đang có dự định nghỉ lễ tại Quảng Bình nhưng ngày 30/4 lại quyết định đổi địa điểm vào Huế.
Anh N., người trong gia đình này cho hay: “Chúng mình định thuê một căn tại khu biệt thự Villa, Sun Spa Resort Quảng Bình, điện thoại cho lễ tân đặt ở thì được nghe báo giá 48 triệu đồng/căn/ngày – đêm. Mình thấy đắt đỏ quá nên quyết định thôi, vào Huế để du lịch, mong có giá rẻ hơn."
Theo nguồn tin PV có được, giá thuê mỗi căn biệt thự 5 sao bên bờ biển Bảo Ninh, TP. Đồng Hới trước đây 1 - 2 tháng chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng.
“Muốn ngon thì… về nhà nấu mà ăn”!
Tại Phong Nha – Kẻ Bàng, ở trung tâm dịch vụ chính là xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch cũng xảy ra nạn chặt chém. Theo ghi nhận giá thức ăn, đồ uống đã được các nhà hàng, quán ăn như: M.H, T.D… áp dụng khi thấy “khách lạ” ngoại tỉnh tăng cao, có địa điểm giá tăng đến gấp đôi ngày thường.
“Chúng tôi ra Quảng Bình từ sáng 30/4, chiều tạt vào ăn bún nấu kiểu Huế tại một quán ăn rất bình thường ở xã Sơn Trạch. Khi trả tiền thì chủ quán hét giá đến 55 nghìn đồng/tô. Ngày thường tôi ăn ở Đồng Hới, giá cũng chỉ có 25 – 30 nghìn” – anh Nguyễn Hữu Hoàng, một du khách từ TP. Vinh (Nghệ An), than thở.
Du khách đến với Di sản thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng tăng gần 50% so với dịp năm ngoái nhưng nhiều người không khỏi phiền lòng vì tình trạng "chặt chém". |
Còn du khách từ Quảng Nam ra, tên Thiêm kể và khẳng định chắc chắn là mình nói sự thật rằng: “Giá ăn đã rất đắt nhưng kiểu phục vụ rất ẩu.
Khi than phiền giá đắt nhưng thức ăn quá dở, chủ quán ăn tại Phong Nha - Kẻ Bàng còn “nạt” rằng: Muốn ngon thì… về nhà nấu mà ăn”. Các nhà nghỉ, khách sạn ở đây cũng tăng giá đồng loạt.
Cũng do thời tiết đợt nghỉ lễ tại Quảng Bình ngày xuất hiện nắng rất nóng nên tầm từ 10h sáng đến 15h chiều, khách du lịch phần lớn đổ xô vào các nhà hàng nổi, quán ăn dọc sông Nhật Lệ như Sóng Thần, Biển Đông, Bình Yên… chật kín. “Tranh thủ” điều này, các nhà hàng, quán ăn cũng đột xuất tăng giá gần gấp rưỡi so với ngày thường.
Quên đảm bảo "an toàn" hầu bao cho du khách? |
Chiều tối 1/5, Trung tâm Du lịch Văn hoá và sinh thái Vườn quốc gia Phong Nha -Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, cho biết: Trong 4 ngày từ 28/4 – 1/5, có tổng cộng gần 20.000 lượt khách đã đến tham quan. Riêng động Thiên Đường đã thu hút gần 10.000 lượt khách. Số khách năm nay tăng gần 50% so với cùng dịp năm ngoái. |