Dư tiền đồng, ngân hàng mở rộng cửa vay. |
Quyết cho vay, ngân hàng tung ưu đãi
Trong 3 tháng từ 8/7-8/10, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa dành nguồn tín dụng lên đến 4.000 tỷ đồng tài trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn mua bất động sản, mua ô tô, vay tiêu dùng, vay xây sửa nhà và vay hộ kinh doanh với lãi suất hấp dẫn nhất thị trường – 5,99% cùng với ưu đãi thanh toán gốc và lãi linh hoạt.
Theo đó, khách hàng tham gia chương trình được hưởng mức lãi suất thấp 5,99%/năm trong thời gian 6 tháng nếu thời hạn vay từ 5 năm trở lên, trong 3 tháng nếu thời gian vay từ 3 đến 5 năm, và trong 1 tháng nếu thời gian vay dưới 3 năm. Điểm đặc biệt của chương trình, được đại diện Techcombank nhấn mạnh chính là kế hoạch trả nợ gốc và lãi.
‘Nếu muốn dồn tiền thực hiện kế hoạch lớn, khách hàng có thể lựa chọn không trả nợ gốc trong năm đầu tiên. Hay dành tiền sắm sửa cho gia đình trong dịp cuối năm, khách hàng có thể chọn không trả nợ gốc 1 tháng cuối năm trong suốt thời gian vay. Ngoài ra còn có hình thức trả gốc tăng dần hoặc giảm dần phù hợp với kế hoạch thu nhập và chi tiêu của mỗi khách hàng”- vị này nói.
Đến nay toàn ngành đã đạt khoảng 3%, để đạt 12% thì 6 tháng cuối năm phải 9%. Nếu làm được như năm ngoái thì chúng ta đảm bảo cả năm nay được 12% như chỉ tiêu đặt ra. Thống đốc Nguyễn Văn Bình |
Vừa cách đây hai ngày, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhong Bank) khiến các nhà băng khác ngỡ ngàng khi triển khai chương trình cho vay mua xe ô tô doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi 0%, hỗ trợ khoản vay tới 75% giá trị xe.
Theo đó, doanh nghiệp được ưu đãi lãi suất vay 0%/năm trong 3 tháng đầu tiên với khoản vay trên 24 tháng từ 2 tỷ VND trở lên hoặc 0%/năm trong tháng đầu với khoản vay trên 24 tháng và dưới 2 tỷ VND. Đặc biệt, doanh nghiệp được hỗ trợ khoản vay tới 75% giá trị xe mua.
“TienPhong Bank cam kết xử lý hồ sơ vay trong vòng hai ngày. Chương trình áp dụng cho xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống, xe ô tô bán tải, mua xe mới và xe cũ. Doanh nghiệp có thể lựa chọn thời gian khoản vay phù hợp với mình, linh hoạt từ 24 tháng đến 48 tháng. “- Một giám đốc khối của ngân hàng nhấn mạnh.
Tương tự từ khối NHTM Nhà nước như Agribank, Vietinbank, Vietcombank… cho tới các NHTM cổ phần lớn như ACB, Eximbank, MB, VPbank hay nhỏ hơn như Maritimebank, Oceanbank… đều mở hết tốc lực chạy đua mong tìm kiếm những cơ hội giải ngân giảm ùn ứ tiền trong hệ thống.
Cẩn trọng nợ xấu không vội được
Theo lãnh đạo NHNN, cũng bởi dư địa còn rộng dài đến vậy nên các ngân hàng đang quyết tâm cải thiện tình hình cho vay. “Có những yếu tố tích cực và chưa tích cực. Về chưa tích cực, tổng cầu, sức mua của nền kinh tế vẫn rất khó khăn, đòi hỏi có các chính sách khác hỗ trợ với chúng ta, đặc biệt chính sách tài khóa.
Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ để nâng phát hành trái phiếu chính phủ, nâng mức đầu tư công qua đó kích thích tổng cầu, vừa giải quyết tồn kho, giải quyết công ăn việc làm, qua đó mới góp phần khơi thông tăng trưởng tín dụng”- Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Cũng câu chuyện về tăng trưởng tín dụng trong căn phòng rộng chừng hai chục mét vuông tại trụ sở, Giám đốc chi nhánh cấp 1 một ngân hàng thương mại Nhà nước lớn, không giấu được sự mệt mỏi khi chia sẻ với PV.
Ông kể công việc kinh doanh năm nay khó vô cùng. Đúng là ngân hàng đang thừa tiền và rất muốn cho vay, nhưng phải là khách tốt chứ không phải cho vay bằng mọi giá. “Tất tần tật từ tướng đến quân bây giờ đều rốt ráo tìm kiếm khách hàng vay đến bản thân tôi cũng phải thân chinh lăn lộn, có ngày đi và gặp đến mấy cơ sở, dù rất muốn cho vay nhưng phải ngậm ngùi nói lời từ chối. Bởi vì nhìn thấy trước khả năng trả nợ của họ rất rủi ro”.
Nhớ lại thời kì hoàng kim quãng từ 2007- 2010, theo ông lúc đó đúng là cả chi nhánh ngân hàng “ngồi mát ăn bát vàng”. Chỉ cần một dòng tiền của đơn vị kho bạc đóng trên cùng địa bàn chảy vào, rồi đem về ngân hàng mẹ cho vay trên thị trường liên ngân hàng, đã “đủ” lương lo cho anh em. Còn bây giờ vốn trên thị trường hai thì rẻ thế, trong khi huy động đã trót ở mức cao mà tiền cho vay ra không được, chúng tôi phải bấm bụng trả lãi” - Ông than thở.
Chủ tịch HĐQT thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo thừa nhận doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn, nếu mở rộng tín dụng thì hậu quả khôn lường. “Một trong những công việc hiện nay của các NHTM là phải mất thời gian khá lớn để cơ cấu lại nợ. Công việc này không mang tính thời vụ, mà với tình hình kinh tế thế này thì đây là công việc thường xuyên thậm chí kéo dài tới cả 2014, nó động chạm tới nhiều thứ, kể cả giảm lãi.”- Ông Bảo lưu ý.
Theo Tiền Phong