Trong hai hội nghị sơ kết hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm ở Hà Nội (18/6) và TP.HCM (19/6), có khá nhiều vướng mắc được đại diện các ngân hàng đưa ra. Thống đốc đã trực tiếp trả lời, hứa tháo gỡ kịp thời từng vấn đề để toàn ngành “cán đích” mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho cả năm.
Thứ nhất, đối với đề xuất cho vay khách hàng, nhóm khách hàng vượt 15% và 25% vốn tự có của ngân hàng, Thống đốc cho rằng, thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước đã tích cực xem xét, nhưng vì đó là quy định của luật, nên phải xin phép Chính phủ.
Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng một số trường hợp cho vay vượt giới hạn 15% và 25%, nhưng còn phải chờ, và các ngân hàng thương mại không thể trông chờ vào đó. Bởi lẽ, khi quy định như vậy, Chính phủ đã lường trước những hậu quả tai hại khi cho vay vượt vốn tự có.
Đối với đề xuất cho vay khách hàng, nhóm khách hàng vượt 15% và 25% vốn tự có của ngân hàng, Thống đốc cho rằng, thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước đã tích cực xem xét, nhưng vì đó là quy định của luật, nên phải xin phép Chính phủ. |
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các ngân hàng xem xét các trường hợp tương tự theo hướng tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay, để ngân hàng giữ được khách hàng cũng như tăng trưởng được tín dụng trong nước, tránh doanh nghiệp phải đi vay mượn nước ngoài không cần thiết.
Tuy nhiên, Thống đốc cũng lưu ý: Với những trường hợp vượt 15% đến 20% còn dễ xử lý, nhưng cũng có những trường hợp vượt tới 70%, điều này làm cho cơ quan quản lý luôn bất an.
Thứ hai, với vấn đề xử lý nợ xấu, tính toán của Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng sẽ xử lý được số nợ xấu lớn trong năm nay. Cộng với việc Chính phủ thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 30 nghìn tỷ đồng; VAMC xử lý khoảng 50 nghìn tỷ đồng, kết hợp với việc tái cơ cấu các khoản nợ thì tổng nợ xấu sẽ xử lý được con số đáng kể.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng khuyến cáo: “Đối với doanh nghiệp sử dụng vốn đúng mục đích, nhưng do cơ cấu vốn không hợp lý, tình hình thị trường khó khăn, hay trước đây dùng vốn ngắn hạn đầu tư trung dài hạn thì những trường hợp đó xứng đáng để cơ cấu lại. Ngược lại, các doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích thì không thể cơ cấu nợ cho họ được”.
Thứ ba, đối với một số trường hợp muốn tăng “room” tín dụng vượt quá 12%, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương cho phép nhưng các đơn vị phải nâng cao chất lượng tín dụng, đáp ứng các tỷ lệ an toàn theo quy định, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, giải quyết từng trường hợp.
Thứ tư, với vấn đề xử lý tài sản bảo đảm, trong đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Bộ Tư pháp, Tòa án, Bộ Công an phối hợp để cùng tháo gỡ. Tuy nhiên, đây là vướng mắc liên quan đến nhiều bộ ngành nên cần phải có thời gian để xử lý.
Tại hội nghị sơ kết ngày 19/6, Tổng giám đốc Ngân hàng Citibank Việt Nam Brett Krause nhận xét: “Một năm qua, thị trường ghi nhận sự thành công của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát, quản lý thị trường vàng cũng như đưa ra các giải pháp rõ ràng đề giải quyết nợ xấu, đặc biệt là việc công bố số nợ thực tế và thành lập công ty quản lý nợ xấu quốc gia”.
Ông cũng cho rằng, chính sách chống Đô la hóa, vàng hóa đã thành công. Thay vì phải chạy theo xử lý sự cố của thị trường thì Ngân hàng Nhà nước đã trở thành người dẫn dắt cuộc chơi, phát đi các thông điệp cần thiết để thị trường nhìn vào đó để hành động theo.
Đồng quan điểm này, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Sumit Dutta nói: “Việc kiểm soát tỷ giá đã thu nhận được kết quả khả quan, khi mà trong hai năm qua, tỷ giá ở Việt Nam được coi là ổn định nhất trên thế giới. Niềm tin vào VND đã được cải thiện rõ rệt, chúng tôi nhận thấy có xu hướng rõ rệt khi có sự chuyển dịch đáng kể từ tiết kiệm USD, vàng sang VND”.
Theo ông, lãi suất tiền đồng đang có xu hướng giảm mạnh từ quý 2/2012 và tiếp tục giảm trong nửa năm đầu 2013. Lãi suất cho vay cũng có xu hướng giảm, điều này thể hiện cầu nội địa yếu và nỗ lực của ngân hàng giảm chi phí vay cho doanh nghiệp để phần nào kích cầu nền kinh tế.
Theo phân tích của ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, nếu như một năm trước, lãi suất tiền vay ở mức 18 - 20%/năm của 2011, thì nay lãi suất cho vay bình quân đã giảm tới trên 10%. Như ở Eximbank, tính bình quân, lãi suất chỉ còn 11,02%/năm và nhiều tổ chức tín dụng cũng thế. Nhờ đó, nợ đọng của các ngân hàng thương mại cũng giảm theo. Điều hành lãi suất xuống thấp là một thành công lớn nhờ sự đóng góp của chính sách tiền tệ.
“Trong bất cứ một nền kinh tế nào, ổn định lạm phát thấp và kiểm soát tỷ giá hối đoái thành công là hai chỉ số cơ bản hàng đầu. Trên thực tế, tỷ giá từ đầu năm đến nay chỉ biến động trong khoảng 0,9%, nằm trong biên độ cho phép +/-2% mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra từ đầu năm”, ông Phước nói.
Theo VnEconomy