Tập đoàn Bảo Long từ đỉnh cao tới "kết cục bi thảm"

Thứ năm, 20/06/2013, 11:11
Từ một tên tuổi lớn trong cộng đồng doanh nghiệp, Bảo Long rơi vào cảnh lao đao  sau những quyết định đầu tư dàn trải và "thiếu kinh nghiệm" của người sáng lập Nguyễn Hữu Khai.

Câu chuyện lùm xùm tại Tập đoàn Bảo Long khiến dư luận chú ý suốt những ngày qua, khi Chủ tịch Nguyễn Hữu Khai - người sáng lập Tập đoàn bị bắt giữ và di lý ra Hà Nội. Câu chuyện xuống dốc của một tên tuổi lớn trong làng doanh nghiệp đã được ông Nguyễn Hữu Trường - con trai trưởng của ông Nguyễn Hữu Khai và hiện là Phó Tổng giám đốc Bảo Long chia sẻ.

Tập đoàn Bảo Long tiền thân là Xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long, được thành lập năm 1990. Trong hơn 20 năm phát triển, giai đoạn 2005 - 2007 là thời kỳ Bảo Long "thịnh vượng nhất". Khi đó, ngoài đơn vị sản xuất thuốc trong TP.HCM, tập đoàn có thêm bệnh viện và công ty ngoài Hà Nội. "Sau khi tên tuổi được biết đến rộng rãi, có uy tín, hoạt động kinh doanh của Bảo Long rất thuận lợi, hàng hóa bán chạy", ông Trường cho biết.

Cũng trong giai đoạn ấy, Bảo Long nhận được giải thưởng Sao Vàng Đất Việt. Bản thân ông Nguyễn Hữu Khai cũng được Đài truyền hình KenJa (Nhật)  bình chọn là một trong 10 doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam và 500 doanh nhân nổi tiếng Châu Á, nhận học vị tiến sĩ danh dự của Viện Hàn lâm khoa học Xêchênốp (Nga).

Tuy nhiên, chung số phận với nhiều doanh nghiệp, khi suy thoái kinh tế bắt đầu năm 2008, Bảo Long rơi vào cảnh lao đao. Là người chỉ quen với nghề y mà chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý tài chính, vị thuyền trưởng của Bảo Long đã đưa ra những quyết định sai lầm, để rồi sau này lâm vào hoàn cảnh khó có ai ngờ tới. "Bố tôi không có khiếu kinh doanh, nhiều người cho rằng ông chỉ phù hợp với việc chữa bệnh, tư vấn", người con trai của ông thừa nhận.

nguyễn hữu trường
Ông Nguyễn Hữu Trường - con trai trưởng ông Nguyễn Hữu Khai.

Theo biên bản thanh tra thuế của Cục thuế Hà Nội ngày 2/12/2012, Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long có vốn điều lệ 150 tỷ đồng với ngành nghề chính là kinh doanh thuốc, sản xuất rượu các loại, sản xuất sản phẩm chức năng, khám chữa bệnh và sản xuất thuốc y học cổ truyền, trồng cây dược liệu.

Trong kỳ thanh tra từ 2008 đến tháng 11/2011, cơ quan thuế kết luận Y dược Bảo Long đã kê khai thiếu thuế giá trị gia tăng với số tiền thuế bị truy thu gần 1,47 tỷ đồng. Từ đó, Cục thuế xác định mức phạt tiền cho đơn vị này là hơn 462,6 triệu đồng.

Cũng theo báo cáo kết quả kinh doanh đã được thanh tra, giai đoạn từ tháng một đến tháng 11/2011, thời kỳ xảy ra tranh chấp, Bảo Long lỗ 278,5 triệu đồng, sau khi lãi tổng cộng 870 triệu đồng liên tiếp trong 3 năm trước đó.

Xâu chuỗi những sự kiện xảy ra trong quá khứ, ông Trường cho biết với hoài bão sẽ xây dựng được mạng lưới khép kín gồm công ty y dược, bệnh viện và trường học, trong thời kỳ Bảo Long phát triển mạnh, ông Nguyễn Hữu Khai đã vay vốn của các cá nhân và ngân hàng để đầu tư các cơ sở ngoài Bắc. Nhưng đến năm 2008, khi kinh tế suy thoái, việc đầu tư dàn trải khiến ông và tập đoàn Bảo Long phải trả giá đắt.

"Những dự án dài hơi như bệnh viện, trường học chưa kịp có nguồn thu ổn định thì vấp phải những khoản nợ đến hạn mà không có khả năng chi trả. Lúc này, bản thân bố tôi chịu nhiều áp lực khi phải thanh toán nợ, thậm chí còn phải vay mượn chỗ này trả chỗ kia. Đến năm 2011, như nhiều doanh nghiệp khác, Bảo Long như đứng trên bờ vực", ông bày tỏ.

Nhận thấy không còn khả năng cầm cự lâu, ông Khai quyết định sẽ bán các tài sản để trang trải nợ nần. Với diện tích đất hơn 53.000 mét vuông trên Sơn Tây (Hà Nội), nhiều đơn vị đã đề nghị mua lại nhưng bố ông không đồng ý vì ngoài đất, ở đây còn có nhà xưởng, trường học và các nhân viên, học sinh đang làm việc và học tập.

Sau nhiều lần từ chối, trong năm này ông Khai gặp ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng và Du lịch Bảo Sơn, người đưa ra đề nghị mua lại cổ phần, tài sản cùng bản quyền thương hiệu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long, bệnh viện đa khoa và trường võ thuật để giúp Bảo Long cơ cấu nợ, đồng thời sẽ cùng nhau phát triển bệnh viện và xưởng thuốc.

Bản hợp đồng chuyển nhượng được phía Bảo Sơn soạn ra và được ông Nguyễn Hữu Khai ký vào ngày 3/3/2011. Một lần nữa, sự vội vàng, thiếu kinh nghiệm khiến ông Khai có quyết định sai lầm. "Khi đó, nhiều người bảo gàn nhưng bố tôi vẫn ký vào bản hợp đồng bởi ông cho rằng phía Bảo Sơn đã có thiện chí, nếu mình đòi hỏi quá thì họ sẽ từ chối hợp tác và Bảo Long không có tiền trả nợ", ông Trường nhớ lại thời điểm bước ngoặt.

Trong hai năm phát sinh mâu thuẫn, ông Trường cho biết tâm trạng ông Nguyễn Hữu Khai luôn căng thẳng, thậm chí có lúc suy sụp nặng. "Mỗi lần cơ quan điều tra gọi lên làm việc, ông phải chuẩn bị tài liệu trước đó hàng tuần. Song, điều đó vẫn không tránh khỏi kết cục thảm khốc như ngày hôm nay", ông nói.

Ngày 15/6/2013, ông Nguyễn Hữu Khai đã bị Công an Hà Nội bắt tạm giam 3 tháng vì hành vi sử dụng tài sản trái phép, gây nhiều thiệt hại cho Tập đoàn Bảo Sơn cũng như làm nảy sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự trên địa bàn trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, báo cáo của Phòng An ninh Kinh tế - Công an Hà Nội lập ngày 19/1/2012 cho biết, ông Nguyễn Hữu Khai còn có dấu hiệu của tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khi lợi dụng danh nghĩa tổ chức pháp nhân để huy động hơn 83 tỷ đồng của 265 cá nhân và nhận khoán vốn 10 tỷ đồng của Bảo Sơn để sử dụng cho cá nhân.

Trao đổi với báo chí một ngày sau khi bố bị di lý ra Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Trường cho biết, nguyên nhân của sự việc bắt nguồn từ bản hợp đồng chuyển nhượng tài sản ký ngày 3/3/2011. Theo ông, hợp đồng Bảo Sơn soạn ra có câu tổng giá trị hợp đồng là 227,5 tỷ đồng và kết thúc bằng dấu hai chấm rồi xuống dòng: Giá trị toàn bộ diện tích đất 53.382,7 m2 là 164 tỷ đồng và giá trị công trình xây dựng trên đất là 63,5 tỷ đồng.

"Nếu cộng 2 khoản đó thì đúng bằng số tiền 227,5 tỷ đồng, không còn dư đồng nào để trả cho thương hiệu, vốn cổ phần. Trong khi đó, phía ông Sơn lại khẳng định số tiền đã đủ để thanh toán cho toàn bộ phần trên. Do đó, bố tôi vẫn để lại người trong khuôn viên đất tại Sơn Tây để trông nom tài sản và làm đối trọng yêu cầu Bảo Sơn thanh toán nốt tiền, từ đó 2 bên nảy sinh nhiều lần tranh chấp", ông Trường nói.

Về việc ông Nguyễn Hữu Khai còn nợ tiền của các cá nhân, vị này cho biết ngày 17/6 đã soạn xong thư gửi tới các cổ đông với lời hứa sẽ đem hết khả năng của mình để duy trì sự phát triển của Bảo Long, tạo được nguồn thu nhập, thanh quyết toán số vốn vay.

Cho rằng đây là giai đoạn khó khăn nhất với Bảo Long khi vị thuyền trưởng đang bị tạm giam, nhưng ông Trường vẫn tin tưởng rằng, chỉ cần bố mình được thả ra thì Bảo Long sẽ còn cơ hội. "Tài năng của bố tôi là không thể nào phủ nhận. Trong giai đoạn này thì doanh nghiệp nào cũng khó, mặc dù ông không giỏi kinh doanh nhưng có thể thuê người khác giỏi về tài chính về quản lý, song tài năng thì không ai có thể thay thế", ông khẳng định.

Ông Nguyễn Hữu Khai sinh năm 1952. Từ một thầy lang phải bỏ xứ vào Nam lập nghiệp vào những năm 80 thế kỷ trước, sau gần 20 năm, ông Khai đã xây dựng nên Tập đoàn Bảo Long. Với 6 đơn vị hoạt động trong Nam và ngoài Bắc, đến thời điểm hiện nay, chỉ còn 2 đơn vị còn hoạt động.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn