Ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn làm giàu như thế nào?

Thứ tư, 19/06/2013, 15:41
Bên cạnh việc tập trung đầu tư, tập đoàn Bảo Sơn cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài, đặc biệt là không phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Cuộc đời - sự nghiệp gian truân

Ông Nguyễn Trường Sơn sinh năm 1945 tại Nghệ An, trong một dòng họ thuộc hàng vua chúa ngày xưa. Khi mới tròn 5 tháng tuổi, cậu bé Trường Sơn đã phải chịu nỗi đau mất cha. Cha ông bạo bệnh mất sớm để lại người vợ góa và hai đứa con trai côi cút. Nhà chỉ có độc một sào ruộng, mẹ ông quanh năm đi cấy lúa thuê để nuôi hai anh em ông. 
 
Có lẽ chính sự tận khổ của những người con sinh ra nơi mảnh đất xứ Nghệ "cày lên sỏi đá" ấy mà hai anh em ông quyết tâm phải thay đổi cuộc đời. Anh trai ông bám trụ với đồng ruộng, gắn bó với người nông dân để phát triển sự nghiệp. Sau này khi làm Giám đốc Xí nghiệp trại hươu giống và nuôi ông, người anh trai đã định hướng cho Trường Sơn thi vào Học viện Thủy lợi điện lực để học văn hóa và học Trường Trung cao Cơ điện. 
 
 nguyễn trường sơn
  Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn
 
Tốt nghiệp Trường Trung cao cơ điện năm 1965, Nguyễn Trường Sơn bắt đầu hành trình của cuộc đời nhiều khát vọng. Năm 1967, ông được Bộ Cơ khí Luyện kim cử sang Bulgaria học về ngành thiết kế chế tạo biến thế và máy điện. Năm 1972, ông tốt nghiệp bằng kỹ sư thực hành và trở về nước. 
 
Năm 1989, ông làm Giám đốc Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu và Dịch vụ may thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Cũng chính trong quãng thời gian này ông đã có những kỷ niệm cay đắng, những bài học lớn không bao giờ quên được trong cuộc đời doanh nhân mà ông vẫn thường nói là "lắm rắc rối và tai ương" của ông.
 
Rắc rối thứ nhất xảy ra năm 1985, lúc đấy ông là Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoàn Kiếm với thương vụ xuất khẩu 200 tấn cà phê sang CHDC Đức ngoài Nghị định Thư để đối lấy 900 tấn hạt nhựa. Trong một năm với các thủ tục giấy tờ, Nguyễn Trường Sơn đã gặp biết bao bão táp dư luận với những lời thị phi, đồn thổi. Tưởng chừng như tuyệt vọng, nhờ có sự giúp đỡ của các lãnh đạo Bộ, ngành, Nguyễn Trường Sơn đã xuất được 200 tấn cà phê nhưng không phải sang Đức mà sang Liên Xô và đem về hơn 20.000 tấn phân đạm. Nhờ thương vụ này mà tiếng tăm lẫn những thị phi của ông Nguyễn Trường Sơn nổi tiếng cả hai miền Nam Bắc.
 
Rắc rối lớn thứ hai trong cuộc đời nhiều bão táp của Nguyễn Trường Sơn là thương vụ xuất khẩu 150.000 chiếc áo thêu sang Ba Lan để đổi lấy 80.000 mét vải giả da và mấy nghìn cái phích nước. Thương vụ này cũng lấy đi của ông không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Ông đã phải đứng trước những cuộc thanh tra, kiểm tra để tìm sai phạm. Nhưng cây ngay không sợ chết đứng, ông đã vượt lên búa rìu dư luận và dư luận đã công nhận ông là người hùng. Với những thương vụ này, ông đã chuyển toàn bộ công ty của Nhà nước ra ngoài quốc doanh và quyết định kinh doanh độc lập. 

Người đàn ông thành đạt nhưng gặp nhiều gian truân trong cuộc đời và sự nghiệp này cũng có một cuộc đời riêng cũng không mấy suôn sẻ. Người vợ đầu của ông mất vì mắc bệnh hiểm nghèo năm bà mới 36 tuổi, để lại cho ông 2 con gái nhỏ và một mất mát lớn. Mười năm sau, ông lập gia đình với một người phụ nữ hiền dịu và họ đã có một đứa con trai 10 tuổi. Bà đã rời cơ quan Nhà nước trở về bên ông, chung tay xây dựng và quản lý cho công việc kinh doanh của Tập đoàn Bảo Sơn. 
 
Liên tiếp dính "tai ương"
 
"Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng", hết sóng gió này qua, sóng gió khác lại ập đến với Nguyễn Trường Sơn. Rắc rối này liên quan đến Dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Tập đoàn Bảo Sơn làm chủ đầu tư được triển khai cuối năm 2004.
 
Đối tác của Tập đoàn Bảo Sơn là Công ty cổ phần Thương mại Tổng hợp Quốc tế D&T do bà Trần Thị Hồng Hạnh là giám đốc đã có một hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng 47 lô biệt thự trong dự án. Bà Hồng Hạnh đã bán 47 lô đất này cho người mua nhưng đồng thời cũng lấy 47 lô đất này thế chấp ngân hàng để vay 66 tỷ đồng. Sau khi phát hiện sai phạm, bà Hồng Hạnh đã bị bắt giữ, danh dự của Tập đoàn Bảo Sơn được trả lại.
 
Vụ việc gây xôn xao dư luận thời gian đó. Một số phương tiện truyền thông trước đó đã nhầm tưởng Công ty D&T là công ty con của Tập đoàn Bảo Sơn nên đã đưa tin thất thiệt, khiến độc giả hiểu lầm vụ lừa đảo của Công ty D&T là của Tập đoàn Bảo Sơn. 
 
Dù đã được truyền thông cải chính, nhưng với việc một số công ty truyền thông đưa tin thất thiệt đã ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của Tập đoàn Bảo Sơn. Ông Nguyễn Trường Sơn đã làm đơn kiện những công ty truyền thông đó, khởi kiện cả người đưa tin thất thiệt kể cả một số nạn nhân trong vụ mua bán đất với bà Hồng Hạnh đã có những hành động khủng bố khách sạn Bảo Sơn.
 
nguyễn hữu khai
  Ông Nguyễn Hữu Khai - Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long
 
Mới đây, vụ "tranh cãi" giữa Tập đoàn Bảo Sơn và Tập đoàn Bảo Long cũng hao tốn rất nhiều giấy mực của báo chí.
 
Theo đó, ngày 3/3/3011, ông Nguyễn Hữu Khai - Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long và ông Nguyễn Trường Sơn ký kết Hợp đồng số 01 "chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm. Tập đoàn Bảo Long phải chuyển nhượng cho Tập đoàn Bảo Sơn 100% vốn cổ phần của các cổ đông và phần vốn góp bổ sung với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ diện tích đất, tài sản xây dựng trên đất, bản quyền thương hiệu sản phẩm, tổng giá trị chuyển nhượng là 227,5 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, ông Khai cho rằng Bảo Sơn đã không thực hiện đúng hợp đồng. Ông Khai "tố" Tập đoàn Bảo Sơn đã vi phạm nghiêm trọng những điều ký kết trong hợp đồng và còn nợ của Tập đoàn Bảo Long tới 125 tỷ đồng. Về phần Tập đoàn Bảo Sơn, ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng, đây là một vụ mua bán đàng hoàng, đúng pháp luật. 
 
Liên quan đến vụ việc này, chiều 15/6 vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Khai để điều tra về hành vi "Sử dụng trái phép tài sản".
 
Trong thời gian từ năm 2011 đến nay, ông Nguyễn Hữu Khai đã nhiều lần chiếm giữ, sử dụng trái phép các tài sản mà Tập đoàn Bảo Long đã bán cho Tập đoàn Bảo Sơn tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ngày 16/6, cơ quan điều tra cũng thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của ông Khai tại tầng 10 tòa nhà Tập đoàn Bảo Long ở xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
 
Dám nghĩ dám làm

Với niềm đam mê du lịch và những ý tưởng ấp ủ từ lâu, ông Nguyễn Trường Sơn đã xây dựng Công viên Thiên đường Bảo Sơn. Đây là sự kết tinh tình yêu của một doanh nhân Việt luôn đau đáu nỗi niềm với nền văn hóa dân tộc đặc sắc, là một minh chứng cho tinh thần dám nghĩ dám làm. Được xây dựng từ tháng 3/2005 với diện tích 20 ha, tổng số vốn đầu tư lên tới 100 triệu USD.
 
Công viên Thiên Đường Bảo Sơn bao gồm 6 khu lớn, gồm: Khu làng nghề, Khu Phố cổ, Khu vui chơi giải trí và công nghệ, Khu ẩm thực, Khu sinh thái, Khu biểu diễn nghệ thuật. Chủ đề của Thiên đường Bảo Sơn là bảo tồn kiến trúc cổ Việt Nam, tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp, khai thác những nét độc đáo của thiên nhiên và văn hóa Việt Nam trong một quần thể du lịch, giải trí công nghệ cao của châu Âu và thế giới.

Trả lời báo giới về bí kíp vượt khủng hoảng của Tập đoàn Bảo Sơn, ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng: Thứ nhất, chúng tôi định hướng chiến lược phát triển đúng đắn và thực hiện từ đầu đến cuối theo chiến lược đề ra, không chạy theo lợi nhuân trước mắt. Thứ hai, chúng tôi đầu tư và phát triển theo đúng năng lực của mình. Trong đó bao gồm năng lực tài chính và năng lực quản trị. Đặc biệt, Bảo Sơn chỉ đầu tư tập trung chứ không dàn trải. Bên cạnh việc tập trung đầu tư, chúng tôi cũng cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài, đặc biệt là không phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ ngân hàng mà dựa vào nguồn vốn tự có cùng nhiều nguồn khác.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp thẳng tay cắt giảm nhân công để giảm bớt gánh nặng chi tiêu thì Bảo Sơn vẫn tiếp tục tuyển dụng, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ mới, thu hút nhân tài. Tóm lại, việc không chạy theo lợi nhuận trước mắt và có chính sách đúng về vấn đề nhân lực, quản trị doanh nghiệp là chìa khóa thành công của Bảo Sơn.
 
Từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Trường Sơn đã gây dựng nên một tập đoàn kinh tế hùng mạnh hàng đầu Việt Nam. Dù bao sóng gió, tai ương ập đến với ông nhưng "cây ngay không sợ chết đứng", ông vẫn quyết liệt bảo vệ thành quả lao động của mình, bảo vệ Bảo Sơn để Tập đoàn tiếp tục tiến xa hơn, thành công hơn. 
 
Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn (Gọi tắt là Tập đoàn Bảo Sơn) tiền thân là Công ty Dịch vụ đầu tư và Du lịch Nghi Tàm được thành lập theo giấy chứng nhận kinh doanh lần đầu số 040342 cấp ngày 09/01/1992.
 
Tập đoàn Bảo Sơn có 11 công ty thành viên hoạt động chuyên nghiệp, uy tín, chất lượng và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như: Dịch vụ, du lịch trong nước và quốc tế, khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng, xuất nhập khẩu, tư vấn, thẩm mỹ, đầu tư kinh doanh bất động sản, xây dựng các khu đô thị mới…
 
Ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn Nguyễn Trường Sơn hướng Bảo Sơn trở thành một đơn vị làm công tác từ thiện mạnh nhất, thiết thực nhất.
 
Ông sáng lập Qũy Bảo Sơn nhằm hỗ trợ giáo dục đào tạo Nhật Bản - Việt Nam với mục đích tài trợ, giúp đỡ các em học sinh nghèo vượt khó, các giáo viên, học sinh Việt Nam sang học tập tại Nhật Bản và ngược lại. Qũy cũng sẽ dành ra một số tiền lớn để trao giải thưởng cho những người có đóng góp lớn cho nền giáo dục Việt Nam và cho việc xóa đói giảm nghèo. 

Theo Kiến Thức

Các tin cũ hơn