Là đại biểu quốc hội, chủ doanh nghiệp (DN), nhưng kỳ họp lần này ông có vẻ lặng lẽ trong khi chuyện giải cứu DN đang rất nóng?
Tôi không có ý định chất vấn. Hiện nay rất cần những lời hiệu triệu, động viên, chứ đào bới thì đã quá nhiều rồi. Cần bắt tay nhau, cần tạo niềm tin để doanh nghiệp (DN) đứng dậy, đó mới là cái cần. Tôi đã có đề xuất cực kỳ đột phá hỗ trợ DN đang chuẩn bị kiến nghị Chính phủ đây.
Điều tôi quan tâm lúc này là đóng góp cho chính sách, để vực dậy nền kinh tế. |
Giải pháp đột phá gì vậy?
Đó là chính phủ mua nợ xấu trong tương lai, hay Chính phủ bảo lãnh để ngân hàng cho DN vay vốn làm ăn. Bây giờ lãi suất hạ, kinh tế đã ấm lên, DN nào cũng muốn tái cơ cấu, sản xuất kinh doanh trở lại. Nhưng 70% DN lỗ, hết tài sản thế chấp, hết luôn uy tín tiếp cận ngân hàng. Trong khi ngân hàng cũng đâu có thoải mái khi đầu ra bế tắc. Ngân hàng nhận 10 đồng huy động mà chỉ cho vay được 2 đồng, nhưng không được từ chối người dân gửi tiền.
Vấn đề bây giờ là nhà nước bảo lãnh để DN và ngân hàng gặp nhau. Ngân hàng đâu có dại ôm tiền cho vay khi DN đang lỗ, trong khi đã ôm một đống nợ xấu. Giờ chính phủ bảo lãnh là biện pháp giải cứu cuối cùng.
Nhưng chúng ta đã có công ty mua bán nợ xấu (VAMC), đơn vị này sẽ khơi thông dòng vốn cho DN?
Khơi thông ai cũng biết, nhưng bằng cách nào? Ngay cả khi VAMC mua xong nợ xấu rồi cũng không khơi được bao nhiêu. Bởi công ty này không thể bảo lãnh cho vay với những DN không đủ điều kiện, không thể bảo lãnh quá số vốn 120.000 tỷ. Tuy nhiên, đề xuất của tôi là VAMC vẫn hoạt động song song, hai cái hoàn toàn khác nhau chứ không phải tôi đưa ra vấn đề mua nợ xấu trong tương lai mà phản bác việc mua bán nợ xấu trong quá khứ. Tôi đề xuất thêm giải pháp mà không mất tiền ngân sách.
Thực tế chuyện mua nợ xấu trong quá khứ là công thức bao nhiêu năm rồi chứ không phải mới mẻ gì, vấn đề là đột phá, điều chỉnh. Đột phá nghĩa là mua nợ xấu trong tương lai. Tại sao mua nợ xấu trong quá khứ mất tiền ngay anh mua được, trong khi mua nợ xấu trong tương lai không dám, nợ xấu trong tương lai anh có mất tiền đâu. Mà nợ xấu trong tương lai mới là đồng tiền lưu thông, nợ xấu trong tương lai mới tạo niềm tin cho DN. DN có vay được, tiền mới đi vào cuộc sống, tạo công ăn việc làm, tạo GDP.
Theo kiến nghị của ông Tâm, những ngành sản xuất trực tiếp, giải quyết nhiều lao động như dệt may thì không lý gì chính phủ không bảo lãnh để họ vay vốn làm ăn. |
Vì sao ông lại có ý tưởng này?
Tôi nghĩ ra vấn đề vì tôi là người thật việc thật, là DN đã trải qua những khó khăn của nền kinh tế mấy năm nay.
Nhưng liệu Chính phủ có gánh rủi ro khi DN vẫn đang ngồi trên đống nợ cũ, ngân hàng có nguy cơ mất vốn khi mạo hiểm với "con nợ” lần hai?
Mua nợ xấu trong tương lai, Chính phủ không cần dùng ngân sách bây giờ nên đâu có mất tiền. Đồng tiền trong tương lai Chính phủ bảo đảm, ngân hàng cho vay. Chúng ta có Ngân hàng phát triển, VAMC, Chính phủ chỉ cần bảo đảm qua 2 đơn vị này.
Thực ra việc bảo lãnh cho vay chỉ là công cụ niềm tin. Nhưng tôi nói thiệt, nếu nhà nước bảo lãnh, thì trong 100% DN được vay tỷ lệ xấu nếu có chỉ là rất nhỏ. Trong 3 năm qua khó nhất rồi mà nợ xấu chỉ 8-10%, trong khi thời điểm này kinh tế đã tốt lên làm sao nợ xấu tăng được. Ta không thể nói giờ cho vay 1.000 tỷ 3 năm sau sẽ có 80 tỷ nợ xấu, vì đó là dòng tiền lưu thông, sinh lợi. Hơn nữa thời gian qua nợ xấu nhiều không hoàn toàn vì kinh doanh xấu mà vì lãi suất quá cao, DN gánh không nổi.
Giải pháp này tôi cam đoan chỉ được chứ không mất. Tất nhiên, khi bảo lãnh phải có cơ chế.
Thủy sản- mũi nhọn mang ngoại tệ về cho nền kinh tế cũng là ngành đầu tiên được bảo lãnh vay vốn. |
Ông nói phải có cơ chế cho vay, vậy cơ chế đó theo ông là gì?
Bảo lãnh đừng tràn lan. Tôi thấy là nên ưu tiên nhóm sản xuất trực tiếp. Ví dụ như dệt may, xưa nay hiệu quả luôn lớn và nợ xấu rất hiếm. Thủy sản, nông sản cũng vậy; dệt may, nông thủy sản lại giải quyết rất nhiều việc làm, là mũi nhọn mang nguồn ngoại tệ lớn về cho nền kinh tế, không có lý gì ta không ưu tiên.
Các DN BĐS nếu không được ưu tiên thì cũng đừng buồn. Khi kinh tế khá, người ta có tiền lại đổ vào mua hàng của anh thôi. Vòng trực tiếp chưa đến anh nhưng gián tiếp anh được hưởng rồi. Tôi cho đây là phương án tốt nhất cần làm lúc này.
Theo Infonet