Nên bỏ đấu thầu vàng

Thứ tư, 17/07/2013, 16:57
NHNN lại cứ tung vàng ra bán cho DN, DN mua được lại bán cho dân, như vậy, đi ngược với mục đích ban đầu là chống vàng hóa. Đây cũng chính là mặt trái của đấu thầu vàng cần xem xét lại có nên tiếp tục nữa hay không?

Chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long nêu ý kiến khi nói về sự lệch pha giữa giá vàng trong nước và thế giới thời điểm tất toán trạng thái huy động vàng 30/6. Dù NHNN vẫn bơm đều đặn vàng đấu thầu nhằm tăng cung cho thị trường, song chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao.

ngô trí long
PGS-TS Ngô Trí Long: Nói NHNN không thể kiểm soát giá vàng là không đúng. Nếu bây giờ NHNN kéo giá đấu thầu vàng xuống thì khoảng cách giá vàng sẽ xuống theo ngay.

Chênh lệch giá bao nhiêu là hợp lý!?

Dù nguồn cung vàng trong nước được cải thiện song khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao. Theo ông, mức chênh lệch này bao nhiêu là hợp lý?

Trước tiên tôi khẳng định, không thể đòi hỏi giá vàng trong nước bằng giá thế giới mà chỉ là sát với giá thế giới. Chúng ta mua vàng vật chất qua tài khoản ở nước ngoài, chuyển từ vàng tài khoản sang vàng vật chất cần chi phí nhất định, khi về Việt Nam sẽ phải cộng thêm các khoản phí, thuế, bảo hiểm...

Trước đây Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã từng công bố chênh lệch giá vàng 400.000 đồng/lượng là hợp lý, rồi trước các phiên đấu thầu người đứng đầu NHNN công bố mức chênh 2 triệu đồng/lượng là hợp lý. Tuy nhiên, theo tính toán của chúng tôi mức chênh vàng trong nước và thế giới chỉ vào khoảng từ 900.000 - 1 triệu đồng (45-50 USD) là hợp lý. Mức giá sát ở đây không cố định mà tùy thuộc vào sự lên xuống của vàng thế giới vào từng thời điểm khác nhau.

Song, một khi chính sách quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập theo kiểu quản lý một mình một chợ, không theo thông lệ quốc tế thì mức chênh lệch này không thể kéo sát được.

đấu thầu vàng
Vàng đấu thầu vẫn được NHNN "bơm" ra thị trường đều đặn nhưng chênh lệch giá trong nước - thế giới vẫn ở mức cao

Nghĩa là con đường hạ giá vàng để giá trong nước sát với giá thế giới còn rất xa?

Đúng vậy. Bản thân NHNN độc quyền kinh doanh vàng nên muốn giá bao nhiêu thì định giá bấy nhiêu. Vì thế, giá của NHNN là giá thị trường rồi. Khi định giá sàn NHNN căn cứ vào giá thị trường, mà giá này chênh lệch với giá thế giới.

Đơn cử như khi NHNN tung ra 40.000 lượng vàng ngay lập tức NHNN có thể mua ngay 40.000 lượng vàng từ thị trường thế giới qua tài khoản ở nước ngoài. Tay phải mua, tay trái bán là hoàn toàn hợp lý. Khi thực hiện đấu thầu, NHNN phải quy định mua giá nào bán giá đó, coi như là áp mức trần cho giá bán. DN chỉ được bán trong khoảng cho phép. Khi NHNN kéo giá xuống, thị trường cũng sẽ xuống theo ngay lập tức. Nếu DN chỉ nhăm nhăm bán đắt, không muốn bán vàng rẻ nên "ôm” vàng lại thì chính DN sẽ không thể tồn tại.

Do vậy nói NHNN không thể kiểm soát giá vàng là không đúng. Nếu bây giờ NHNN kéo giá đấu thầu vàng xuống thì khoảng cách giá vàng sẽ xuống theo ngay.

Nên bỏ đấu thầu vàng

"Không thể lạm dụng việc chống “vàng hoá” để bao biện cho việc sử dụng biện pháp hành chính trong quản lý bằng việc cấm. Chừng nào chính sách quản lý thị trường vàng còn theo kiểu "một mình một chợ, không theo thông lệ quốc tế" thì chừng đó chênh lệch giá vàng còn cao".

"Neo" chênh lệch giá vàng cao NHNN đã thu về một khoản lời nhất định, nhưng ngược lại, một lượng tiền lớn cũng không vào nền kinh tế, trong khi doanh nghiệp sản xuất thì đang "đói" vốn?

Chúng ta phải thừa nhận là nhu cầu vàng của người dân lớn do tập quán tiêu dùng người Việt Nam, kinh tế vĩ mô luôn bất ổn, tâm lý người Việt Nam muốn giữ vàng...

Bối cảnh kinh tế hiện nay có các kênh đầu tư: Bất động sản đóng băng, sản xuất kinh doanh khó khăn, ngoại hối bấp bênh... nên khi giá vàng thế giới biến động lên xuống người dân sẽ đổ xô đi mua vàng.

Nếu cứ đấu thầu giá vàng như hiện nay thì không bao giờ giá trong nước sát với thế giới, vì giá sàn căn cứ theo giá thị trường, mà giá thị trường luôn cách xa giá thế giới.

Rõ ràng, dòng vốn nền kinh tế sẽ đóng băng nếu tiền cứ đổ vào vàng, thưa ông?

Đúng là thời điểm này NHNN cũng cần cân nhắc lại, có nên tiếp tục đổ vàng ra đấu thầu hay không. Hiện giờ cơ quan quản lý vẫn loay hoay tìm giải pháp huy động 400-500 tấn vàng trong dân để đưa nguồn tiền này vào sản xuất, nhưng không khai thác được mà tiền lại đổ ngược vào vàng, chôn lại, gây bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhiều quan điểm cho là, khi nền kinh tế đang đói vốn thì tại sao ngân hàng cứ đổ tiền đi nhập vàng để đấu thầu mà không đưa tiền đó vào sản xuất, đấy cũng là vấn đề đúng mà NHNN cần xem xét lại. Trong khi chưa khai thác được mà NHNN lại cứ tung vàng ra bán cho DN, DN mua được lại bán cho dân. Như vậy, đi ngược với mục đích ban đầu là chống vàng hóa. Đây cũng chính là mặt trái của đấu thầu vàng cần xem xét lại có nên tiếp tục nữa hay không?

Nhưng không thể phủ nhận giữ giá chênh lệch ở mức cao, hiện tượng nhập lậu vàng giảm hẳn. Phải chăng vì thế mà NHNN vẫn cố "neo" chênh lệch giá?

Buôn lậu vàng giảm chưa có gì chứng minh. Mục tiêu của các doanh nghiệp là lợi nhuận, nên khi chênh lệch giá cao như thế chẳng tội gì không buôn lậu. Đánh giá sự quản lý thị trường tốt hay không nhìn vào khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Khi khoảng cách này còn rộng nghĩa là chính sách đưa ra chưa trúng và cần điều chỉnh tiếp.

Như vậy là hơn 43 tấn vàng đã được "tung" ra thị trường, tương đương với vài tỷ đôla từ nền kinh tế đã "chảy" vào vàng. Theo ông, cái giá để bình ổn thị trường vàng như vậy có phải là đắt?

Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, vàng là một hàng hóa đặc biệt: Khi sử dụng vào mục đích trang sức là hàng hóa thông thường, khi quốc gia đưa vào dự trữ nó là ngoại tệ đặc biệt. Do đó, đổ tiền vào đó cũng là một nguồn lực lớn của Nhà nước, nhưng quan trọng là khai thác nguồn lực này thế nào để biến từ nguồn lực "chết", đóng băng đưa vào phát triển kinh tế mới là quan trọng.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn