Phải chấp nhận lỗ
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thông báo bán đấu giá công khai theo lô lớn (không bán lẻ) 25,2 triệu cổ phần (CP) tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vào ngày 9/8. Giá bán khởi điểm là 10.000 đồng/CP. Tuy nhiên với điều kiện và giá bán như trên thì theo nhiều chuyên gia tài chính, khả năng thành công của EVN là không lớn. Bởi giá CP ABBank hiện chỉ dao động từ 6.000 - 6.800 đồng/CP, thấp hơn 30% so với mức giá khởi điểm mà EVN công bố.
|
Tương tự, Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng đã lên kế hoạch sẽ thoái toàn bộ 24 triệu CP tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Trao đổi với báo chí mới đây, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho biết từ nay đến năm 2015, PVN sẽ thực hiện thoái toàn bộ 20% vốn tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Tuy nhiên, ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch PVN - cũng cho rằng khó thực hiện việc thoái vốn trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng mà vẫn bảo toàn vốn nhà nước trong tình hình hiện nay.
Điều này cũng dễ hiểu vì khoản đầu tư vào Oceanbank trước đây tối thiểu đều theo mệnh giá là 10.000 đồng/CP nhưng nay giá thị trường xuống thấp hơn mệnh giá này từ 30 - 35%. Nếu bán cao hơn giá thị trường sẽ khó có người mua nhưng bán lỗ thì người đứng đầu tập đoàn phải gánh chịu trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm hình sự nên sẽ không ai dám “liều”.
“Cần phải thay đổi tư duy về việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành mà không chấp nhận lỗ. Thị trường hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với lúc đầu tư trước đây nên nhà nước phải biết chấp nhận thua lỗ để hoàn thành nhanh việc thoái vốn ngoài ngành. Chúng ta nên xem đây là chi phí để tái cơ cấu hoạt động của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nói.
Cơ cấu, sắp xếp lại
Theo báo cáo đã kiểm toán, tại thời điểm cuối năm 2011, tổng vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 23.744 tỉ đồng. Trong đó, lớn nhất là lĩnh vực ngân hàng với 11.403 tỉ đồng, tiếp đến là bất động sản với 9.286 tỉ đồng. Chứng khoán, bảo hiểm và quỹ đầu tư được đầu tư 3.053 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong năm 2012 vừa qua, việc thoái vốn của các đơn vị dường như vẫn giậm chân tại chỗ do các nhà đầu tư không mặn mà trong việc bỏ thêm vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khi kinh tế đang suy giảm, nhất là bất động sản hay chứng khoán, ngân hàng.
Theo TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM), việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các công ty nhà nước cần thực hiện càng nhanh càng tốt để dòng tiền có thể luân chuyển mà không bị "chết" một chỗ. Cần linh hoạt hơn trong việc cho phép các doanh nghiệp tìm kiếm nhà đầu tư mới như bán đấu giá công khai, đàm phán với các nhà đầu tư mới về giá cả cũng như điều khoản hợp đồng...
TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư (Trường ĐH Kinh tế) - nhận xét điều quan trọng nhất là giá bán có đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư hay không. Ngược lại, đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân muốn trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng ABBank hay Oceanbank.
Đối với các tập đoàn, nếu việc bán đấu giá CP không thành công thì có thể xin điều chỉnh giá bán thấp hơn trong những đợt sau. Chính phủ cũng có thể lựa chọn giải pháp khác như cơ cấu thu xếp lại nguồn vốn này.
Ví dụ, EVN có thể chuyển giao vốn đầu tư tại ABBank cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Bản thân SCIC đang có nguồn vốn dồi dào cộng với đủ năng lực quản lý đối với những lĩnh vực này. Thậm chí SCIC chỉ cần trả tiền mặt theo một tỷ lệ nhất định như 30% và số còn lại bằng trái phiếu và cam kết mua lại hằng năm. Khi đó EVN cũng sẽ thu hồi dần được vốn đầu tư tại ABBank mà không bị thua lỗ, còn SCIC xem như là một khoản đầu tư mới chờ thị trường thuận lợi sẽ bán ra...
“Thực hiện việc cơ cấu, sắp xếp lại nguồn vốn đầu tư của nhà nước là giải pháp đơn giản và dễ thực hiện nhất mà không làm cho tài sản nhà nước bị thất thoát. Còn nếu cứ đem CP ra bán đấu giá công khai thì bắt buộc phải theo giá thị trường mới có thể tìm được nhà đầu tư mới”, TS Lê Đạt Chí nói.
Theo Thanh Niên