Sức ép lên doanh nghiệp
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 29/9, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trước đó Trung ương đã có một kỳ hội nghị bàn riêng về tiền lương.
Vấn đề tiền lương hiện có hai phần, một phần là lương công chức, viên chức, người có công, các đối tượng cần trợ giúp... và một phần là lương tại doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Đam, đề xuất tăng lương vừa qua là liên quan đến lương doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, việc điều chỉnh lương phải rất cân đối, hài hòa với các mục tiêu khác. |
Theo người phát ngôn Chính phủ, hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động đang trình phương án điều chỉnh lương của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông, vấn đề lương của doanh nghiệp luôn có hai mặt, trong đó một mặt là bao giờ chúng ta cũng muốn người lao động hưởng lương cao. Nhưng mặt trái là nếu lương cao quá thì sức hút đầu tư sẽ giảm đi.
“Chúng ta thường nói chúng ta có nhiều lợi thế thu hút đầu tư trong đó có lợi thế là người Việt Nam cần cù, sáng tạo và lương thấp. Vì vậy, điều chỉnh thì phải rất cân đối, hài hòa”, Bộ trưởng Đam nói.
Theo tính toán, với tốc độ tăng trưởng kinh tế, ví dụ 5 - 6%, cùng với lạm phát khoảng 7%, cộng lại khoảng 12%, rồi cộng theo đà phát triển lên tiếp khoảng 2-3%, thì các phương án mà các bộ, ngành đang tính là đề nghị mức lương tối thiểu tăng khoảng 14-15%…
Theo Bộ trưởng Đam, với doanh nghiệp, sức ép sẽ rất lớn nếu phải tăng lương cao, vì như vậy sẽ không còn sức cạnh tranh. Còn khu vực lương dùng ngân sách, nếu tăng cao thì ngân sách không có vì chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi, trong đó hơn một nửa là chi cho lương.
Đa số các bộ đều “vượt” thứ trưởng
Trước câu hỏi của báo giới về thực tế nhiều bộ hiện có số lượng thứ trưởng vượt quy định, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã yêu cầu tất cả các bộ báo cáo tình hình công việc của bộ mình, kiến nghị số lượng thứ trưởng cần thiết phải có để đảm bảo chức năng của mỗi bộ.
Bên cạnh đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Nội vụ, hiện các bộ đang trao đổi đề xuất phương án mỗi bộ cần bao nhiêu thứ trưởng. Chính phủ sẽ bàn riêng về việc này.
“Về số lượng thứ trưởng hiện nay, tôi xin nói rằng, kể cả cấp phó của các bộ, các cục trực thuộc, đúng là có tình trạng vượt mức quy định. Có thể nói rằng, tuyệt đại đa số các bộ đều có số lượng thứ trưởng nhiều hơn số lượng quy định tại Nghị định của Chính phủ”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đam, tinh thần chung của Chính phủ là sẽ chỉ đạo xem xét, rà soát số lượng thứ trưởng ở các bộ để tùy từng bộ cụ thể mà có số lượng thứ trưởng tối thiểu cần thiết chứ không thể máy móc chỉ có 3 hay 4.
“Có những bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính gần như cuộc họp nào cũng cần có đại diện. Còn tinh thần chung sẽ là ở mức tối thiểu. Chúng tôi đang bàn, tới đây Chính phủ sẽ bàn và kết quả sẽ thông báo cho báo chí. Chắc chắn đây là một việc Chính phủ sẽ phải báo cáo các cơ quan của Đảng, cơ quan có thẩm quyền để có kết luận cuối cùng”, Bộ trưởng Đam cho hay.
Theo VnEconomy