Thưa bà, hầu hết độc giả phản hồi về bài viết trên đều phản đối việc thu thuế TNCN từ tài sản thừa kế?
Theo quy định của Luật Thuế TNCN, người nhận tài sản thừa kế, quà tặng, bao gồm cả chứng khoán các loại; vốn góp trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh; tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý nhà nước; bất động sản (trừ thừa kế bất động sản của vợ, chồng, bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, bố mẹ chồng, bố mẹ vợ, ông bà nội, ngoại, cháu ngoại, cháu nội, anh chị em ruột) có giá trị trên 10 triệu đồng phải nộp thuế TNCN với thuế suất 10% cho phần giá trị vượt trên 10 triệu đồng.
Hầu hết các nước trên thế giới cũng đều quy định người nhận thừa kế phải nộp thuế TNCN. Vì thế, việc đánh thuế TNCN từ tài sản thừa kế của Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Hàng trăm ý kiến bình luận của độc giả sau khi Báo Đầu tư điện tử đăng bài
“Vợ phải nộp thuế TNCN khi… chồng chết” (Ảnh minh họa)
Nhưng điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán... của người Việt không giống các nước khác, nên không phải cứ khoản thu nhập nào người ta thu thuế thì mình cũng áp dụng, thưa bà?
Chính vì thế, khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013), ngành thuế đã kiến nghị không nên đánh thuế đối với tài sản thừa kế và thu nhập từ trúng thưởng cá cược, đặt cược, trúng thưởng tại điểm vui chơi giải trí có thưởng vì thu 2 khoản này rất phức tạp, ngành thuế mất rất nhiều chi phí, thời gian, công sức, nhân lực để quản lý, nhưng số thu về cho ngân sách không nhiều.
Tại các cuộc hội thảo lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân, chuyên gia kinh tế cũng như tại các cuộc thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, vấn đề có hay không nên đánh thuế đối với tài sản thừa kế cũng gây ra nhiều tranh luận trái chiều. Nhưng cuối cùng, Quốc hội vẫn thông qua quy định đánh thuế TNCN đối với tài sản thừa kế và thu nhập từ trúng thưởng cá cược…
Theo bà, vì sao Quốc hội vẫn “quyết” thu thuế TNCN đối với tài sản thừa kế, thu nhập từ trúng thưởng cá cược…?
Số thu ngân sách nhà nước từ thuế TNCN đối với hoạt động thừa kế rất ít, bình quân chỉ khoảng 30 tỷ đồng/năm. Có lẽ do số thu ít, không ảnh hưởng đến thu nhập của đại đa số người dân nên Quốc hội vẫn quyết định thu thuế từ khoản thu nhập này để bảo đảm đúng bản chất của sắc thuế trực thu đánh vào cá nhân là đã có thu nhập đến mức nào đó đều phải nộp thuế, bảo đảm sự công bằng trong xã hội, chứ không phải vì tăng thu cho ngân sách.
Việt Nam là nước có số triệu phú đô-la tăng mạnh nhất trong khu vực. Điều đó cũng có nghĩa là tài sản thừa kế ngày càng nhiều, vì khác với các nước trên thế giới, các triệu phú đô-la người Việt không có “thói quen” hiến tặng tài sản cho xã hội. Vậy vì sao mỗi năm ngành thuế chỉ thu được 30 tỷ đồng tiền thuế TNCN từ thừa kế?
Số thu thuế TNCN từ thừa kế còn quá ít, theo tôi có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, khoản thu này vô cùng phức tạp.
Thứ hai, người nhận tài sản thừa kế phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng (ô tô, xe máy…) thường không chuyển quyền đăng ký mà họ vẫn sử dụng dưới tên người chủ cũ nên không có căn cứ để thu.
Thứ ba, mặc dù tài sản thừa kế rất lớn, nhưng chưa phát sinh nhiều. Ví dụ, gần đây báo chí nói nhiều đến việc Chủ tịch HĐQT CTCP Đại Nam tuyên bố giao lại toàn bộ tài sản trị giá lên đến cả chục ngàn tỷ đồng cho con trai, nhưng giao dịch thừa kế này chưa phát sinh, nên chưa thể thu được thuế TNCN từ khoản thừa kế này.
Vậy trong tương lai, liệu ngân sách có thu được thuế TNCN từ khối tài sản trị giá gần 10.000 tỷ đồng từ người thừa kế CTCP Đại Nam?
Nếu Luật Thuế TNCN không sửa đổi, thì tất cả mọi người nhận thừa kế trị giá từ 10 triệu đồng trở lên (ngoại trừ bất động sản thừa kế của ông bà, cha mẹ, con cái…) đều phải nộp thuế.
Ở nhiều nước trên thế giới, cơ quan thuế có quyền truy thu thuế của mọi tổ chức, cá nhân trong toàn bộ thời gian kể từ khi phát hiện ra tổ chức, cá nhân không thực hiện nghĩa vụ với ngân sách. Còn tại Việt Nam, theo Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế có quyền truy thu thuế trong vòng 10 năm kể từ khi phát hiện ra tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghĩa vụ với ngân sách.
Hiện tại, ngành thuế đang xây dựng cơ sở dữ liệu về thu nhập của mọi tổ chức, cá nhân để quản lý thuế. Đối với doanh nghiệp, trong vòng 10 năm có thể họ đã giải thể, phá sản, dừng hoạt động, nên truy thu thuế khó hơn. Còn với cá nhân nhận thừa kế, nếu họ còn sống, ngân sách hoàn toàn có thể thu được khoản thuế TNCN diễn ra trong vòng 10 năm.
Nếu không nộp thuế thì người nhận thừa kế không được pháp luật thừa nhận quyền sở hữu đối với chứng khoán các loại; vốn góp trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh; tài sản có giá trị khác nên khi có tranh chấp pháp lý xảy ra, người nhận thừa kế sẽ bị thua thiệt.
Tôi nghĩ rằng, người dân nên cân nhắc giữa việc nộp thuế TNCN (10% giá trị tài sản) hay có thể mất toàn bộ tài sản thừa kế khi có tranh chấp pháp lý xảy ra.
Theo Báo Đầu Tư