Bắt đầu từ 7h30, sớm hơn thường lệ 30 phút, song vẫn còn khá nhiều vị đã đăng ký nhưng không đủ thời gian đăng đàn.
Vẫn thể hiện trăn trở về những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, song một số ý kiến thảo luận tại phiên sáng 27/9 đã đề cập sâu hơn về bức tranh chung của các doanh nghiệp.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. |
Doanh nghiệp không còn mơ làm “đại gia”
Cho biết vừa dành rất nhiều thời gian gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng đầu tư chỉ nhắm vào khu vực nhà nước không thì không ổn, cần nhấn vào khu vực tư nhân. Bởi khu vực tư nhân trong nước đóng góp 43% vào GDP và 39% vốn đầu tư.
Bà cũng chia sẻ rằng cảm thấy niềm tin tăng lên khi thấy ý chí quyết tâm của các doanh nghiệp. "Các doanh nghiệp không còn dựa quá nhiều vào lao động giá rẻ và tài nguyên có sẵn, mà đã coi trọng công nghệ, sáng tạo và thay đổi hệ thống quản trị. Với tinh thần như vậy thì tôi tin các doanh nghiệp sẽ vượt lên được".
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng nhìn nhận, "các doanh nghiệp hiện giờ không còn mơ màng với ảo vọng “đại gia”, đã tập trung hóa thay vì đa dạng hóa". Không chỉ có doanh nghiệp nhà nước mà những doanh nghiệp tư nhân cũng từng lao vào chứng khoán và bất động sản, bây giờ cũng quay về lĩnh vực chính, đã biết tự lượng sức mình, không đi theo cái hào nhoáng hình thức như trước nữa.
Nới trần bội chi: Quốc hội sẽ biểu quyết
Trước khi điểm lại những ý kiến nhiều chiều của Diễn đàn, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý phải nhìn cả điểm sáng chứ không thể chỉ nhìn vào điểm tối của nền kinh tế.
"Không thể nói cả nền kinh tế tê liệt, đất nước vẫn tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân vẫn được quan tâm, cho dù có khó khăn có trì trệ". Sau nhận định này, Phó chủ tịch “phê” báo chí đưa tin chỉ nói mặt trái, "làm Diễn đàn u ám quá".
"Sau ba phiên thảo luận, các ý kiến khá thống nhất về khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng nguyên nhân và giải pháp còn khác nhau", bà Ngân nói.
Điểm lại nhận định chung của nhiều vị diễn giả là kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định hơn, tăng trưởng quý sau tăng hơn quý trước, song thu ngân sách cực kỳ khó khăn, Phó chủ tịch cho biết, hiện các cơ quan liên quan của cả Quốc hội và Chính phủ đã bàn xem có nên tăng trần bội chi hay không.
"Có người bảo không, có người bảo có, rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cũng chưa thể nói là có tăng hay không, mà vấn đề này theo thẩm quyền thì Quốc hội sẽ biểu quyết".
Khả năng có phát hành thêm trái phiếu Chính phủ hay mỗi năm chỉ 45 ngàn tỷ, theo bà Ngân là cũng đang được cân nhắc. "Nếu không tăng thêm thì tiền ở đâu để xử lý tồn tại do thắt chặt đầu tư công vừa rồi, mà có ý kiến cho rằng có thể lãng phí còn chưa đánh giá được, đó là vấn đề rất là lớn", bà Ngân nói.
Nhìn lại ba năm đầu của kế hoạch 2011 - 2015, Phó chủ tịch nêu sự thống nhất của nhiều ý kiến về kết quả đạt được trong nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, khó có thể đạt tăng trưởng bình quân 6,5% của cả giai đoạn, khi phục hồi tăng trưởng kinh tế có nhưng sẽ chậm lại.
Về tái cơ cấu nền kinh tế, nhấn mạnh đây là vấn đề rất khó và đòi hỏi kiên trì chứ không thể vội vàng, bà Ngân cũng đồng ý với nhiều ý kiến chuyên gia là lĩnh vực này còn chưa chuyển biến mạnh mẽ.
Phó chủ tịch đề nghị Ủy ban Kinh tế ngay sau diễn đàn lựa chọn ý kiến xác đáng để hình thành báo cáo có chất lượng và đưa vào báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.
Theo VnEconomy