Một quán cơm dành riêng cho học sinh, sinh viên và những người nghèo khó trên địa bàn TP.HCM chỉ với một mức giá 2.000 đồng một phần với đầy đủ cá, thịt, rau, canh và có cả trái cây tráng miệng. Quán cơm đã thu hút hàng trăm người đến ăn mỗi ngày, trong đó khách hàng chủ yếu là trẻ em, lao động nghèo và sinh viên.
Gần đây xuất hiện một số bài viết nêu “góc nhìn” trái chiều, cho rằng nếu quán 2.000 đồng mở cạnh một hàng cơm bất kì, chủ quán cơm bán 20.000 đồng/suất phải đổi nghề, do không thể cạnh tranh lại. Bởi lẽ, cùng một suất cơm với đầy đủ thức ăn mà giá tiền lại chênh nhau 10 lần thì đương nhiên khách chọn quán cơm có giá 2.000 đồng. Nếu một quán cơm 2.000 đồng được mở, đồng nghĩa với một số quán cơm bình thường khác phải đóng cửa, kéo theo hàng loạt lao động mất việc.
“Một sự cạnh tranh bất bình đẳng liệu có công bằng cho họ? Họ cũng đóng thuế như bao doanh nghiệp, nhưng ai sẽ bảo vệ họ khi cú bán phá giá tuyệt đối gây ra bởi hàng cơm 2.000 bên cạnh?” trích bài viết trên một trang mạng.
Bài viết này cũng cho rằng: Những kẻ hưởng lợi trước tiên từ cơm 2.000 là những kẻ chăn thầu ăn mày, giúp chúng đã giàu lại càng giàu và đặt câu hỏi “có nhiều quán 2.000 liệu có hay?”. Thậm chí còn nêu vấn đề “con cá và cần câu” và cho rằng: Quán cơm 2.000 chính là con cá, nó không giúp được vào trọng tâm của vấn đề.
Có nhiều chuyên gia kinh tế phản ứng trước bài viết này. Họ cho rằng, những bài viết mang danh kinh tế học, chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho cuộc sống.
Trên trang mạng cá nhân, chuyên gia kinh tế Vũ Hoàng Linh cho rằng: Ngay khái niệm giữa cần câu và con cá cũng không phải lúc nào cũng dễ phân biệt. Cung cấp bữa ăn đủ dinh dưỡng để cho người ta có thể tái sản xuất cũng có thể lý luận như là cung cấp cần câu và cơ hội làm việc. Trái lại những thứ tưởng như là cần câu cũng có thể là những thứ ngớ ngẩn và vô ích không hơn gì những con cá gỗ, ví dụ dạy những nghề nghiệp không có ích...
“Riêng cái ý tưởng rằng từ thiện sẽ cạnh tranh với kinh doanh cùng với mối lo rằng sẽ có quá nhiều người làm từ thiện đã quá là buồn cười rồi, chứng tỏ tác giả chắc vừa mới lấy xong mấy lớp kinh tế học.
Quỹ từ thiện chưa bao giờ đủ lớn và nhiều để có thể thực sự tạo ra market distortions. Còn các quỹ từ thiện thật sự lớn như quỹ Bill Gates chẳng hạn thì nói chung sẽ vận hành như một doanh nghiệp lớn, chú trọng hiệu quả và điều đó cũng sẽ không tạo ra distortions (làm méo thị trường - PV) gì”, ông Vũ Hoàng Linh viết.
Nhà báo Nguyễn Vạn Phú cũng cho rằng đây là một góc nhìn nguy hiểm.
“Nó nguy hiểm ở chỗ, sẽ có người do tin tức lan tỏa về các quán ăn từ thiện 2.000 đồng từng muốn làm một điều gì đó, chung một tay cho nỗ lực này nhưng vì nhiều lý do chưa làm gì được, nay đọc xong bài những bài viết trên bèn bật lên tiếng chà – thế à và đánh mất luôn ý hướng thiện vừa mới chớm nở. Có lẽ ít người bị tác động như thế nhưng dù chỉ một người cũng là gây tác hại bằng ngòi bút.
Rất dễ phẫn nộ khi nghe người ta nhân danh kinh tế học, đưa ra những lập luận phi lý như thế. Người viết có biết gì về tương quan quy mô cung cầu mà dám nói như thế? Một vài quán cơm 2.000 đồng ở một thành phố 10 triệu dân sẽ tác động dữ dội lên hàng chục ngàn các quán cơm bình dân khác đến thế sao?”, ông Phú phân tích trên trang mạng cá nhân.
Nói về lập luận “Hẳn chúng ta đều đã nghe câu: Hãy cho kẻ khốn khó cần câu, thay vì con cá? Quán cơm 2.000 chính là con cá, nó không giúp được vào trọng tâm của vấn đề” trong bài viết trái chiều, ông Phú cho rằng, nghe qua thì dễ bị thuyết phục nhưng thử hỏi chênh lệch giữa 2.000 đồng và 14.000 đồng (giá trị thật của bữa ăn) có thể gom lại mua được cái cần câu gì (cần câu theo nghĩa đen có mua nổi không)? Tại sao cứ bám vào những cliché con cá cần câu mà không chịu hiểu bữa cơm 2.000 đó chính là cần, để những người ăn dùng nó biến thành sức lao động, cày bừa tiếp tục nuôi sống gia đình họ? Nghĩ được như thế thì mới thấy chính những quán cơm từ thiện đang trao cho họ những chiếc cần câu sử dụng trong ngày đó thôi.”
Nhà báo Vạn Phú cũng cho rằng lập luận “quán cơm 2.000 sẽ khuyến khích di cư vào thành phố” quá xuẩn ngốc. Giá trị xã hội của phần cơm không chỉ 2.000 đồng, nó có sức lay động lòng người, kích thích thiện tâm sẵn có ở mọi người, nó góp một phần rất lớn vào “vốn xã hội” mà có lẽ tác giả cũng từng được học qua.
Một số ý kiến khác cũng khẳng định: Suất cơm 2000 đồng ấy chính là phẩm giá của người nghèo được trân trọng, giữ gìn. Họ mua chứ không xin, và những người có điều kiện ăn ở quán ăn bình thường sẽ không vào đó để ăn. Vì nếu thế, tức là họ ăn vào phần của người cần hơn họ thì họ mới chính là người đánh mất phẩm giá.
Theo NĐT