Sáng tinh mơ, khi mặt trời chưa lên, một tốp người gồm 4 nam và 1 nữ đã có mặt trên cánh đồng trước hợp tác xã Lam Cầu (xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu, Nghệ An) để bắt châu chấu. Đồ nghề là một cuộn lưới dài 50-60m, những thanh tre nhỏ và cuộn dây dài cả trăm mét cột những đoạn bao bì đựng lúa cắt nhỏ, tốp người bắt đầu ngày làm việc.
Cả đội dùng cuộn dây dài căng thành hàng vừa đi, vừa xua châu chấu về khu vực đã giăng lưới sẵn. Thấy bị xua đuổi, cả đàn châu chấu sợ hãi bay theo "sự chỉ đạo" của những người săn bắt. Chỉ trong phút chốc, châu chấu đã bám đầy lưới và nhóm người đi săn chỉ việc gom lưới lại rồi trút thành quả vào bao tải. Mỗi mẻ đánh bắt, họ thu được 30-40 kg châu chấu.
Niềm vui với những người đi săn châu chấu vào dịp cao điểm. |
Nghề săn châu chấu của người dân huyện Quỳnh Lưu có từ 4-5 năm nay. Xã Quỳnh Thanh là địa phương đầu tiên khai sinh ra nghề này. Ban đầu, người săn bắt chỉ chạy xe máy dọc các cánh đồng và dùng vợt chao châu chấu. Nhưng cách làm đó khá tốn công, hiệu quả lại không cao. Khi giá thành châu chấu lên chóng mặt, người dân nơi đây đã nghĩ ra bộ đồ nghề trên.
Có thâm niên 5 năm trong nghề, anh Hồ Văn Tảo, ở xóm 3, xã Quỳnh Thanh, xem việc đánh bắt châu chấu là một nghề để kiếm sống. Lấy vợ muộn nên dù đã 40 tuổi, đứa con đầu của anh chỉ mới học lớp Ba. Cả bốn đứa con thơ dại, vợ chồng anh đều nhờ ông bà nội chăm sóc để đi kiếm ăn.
Để săn được nhiều châu chấu, người dân phải chịu khó đi nhiều nơi, thức dậy thật sớm. |
Thời điểm gặt lúa chính là thời kỳ ăn nên làm ra của những người đi săn châu chấu. Bất kể nắng mưa, họ đều có mặt trên các cánh đồng để hành nghề. Những ngày này, vợ chồng anh Tảo cùng những người anh em trong xóm chạy xe khắp nơi.
Thời kỳ cao điểm (tháng 7 vừa qua), châu chấu tươi có giá lên tới 50.000 đồng một kg, anh Tảo cùng các anh em họ hàng không chỉ bắt châu chấu ở Quỳnh Thạch mà còn chạy xe máy vào tận Đức Thọ, Hương Sơn (Hà Tĩnh) hay Tĩnh Gia, Quảng Xương (Thanh Hóa).
Hằng ngày, họ làm từ sáng tinh mơ đến chiều xế bóng mới về. Có hôm gặp cánh đồng nhiều châu chấu, một đội 4-5 người có thể thu được vài tạ trong một buổi sáng. Đánh bắt được bao nhiêu, họ lại mang về bán lại cho những người chuyên thu mua để mang ra Hà Nội tiêu thụ.
Trừ chi phí đi lại, ăn uống, vợ chồng anh Tảo mỗi người cũng kiếm được tiền triệu. "Nghề ni tuy mệt nhưng nhanh về, nhanh có tiền. Vợ chồng tui đi được nên ngày mô ít cũng có bạc triệu", nhanh tay trút châu chấu vào bao, anh Tảo cho hay.
Thấy nghề này "hái ra tiền", không chỉ người dân ở xã Quỳnh Thanh mà cả người dân các xã khác cũng đua nhau sắm đồ nghề. Hiện giờ, trong xã có tới hàng trăm người theo nghề.
Châu chấu nhỏ được chế biến thành các món nhậu yêu thích ở Hà Nội. |
Do nhiều người săn bắt nên giá cả châu chấu ngày càng giảm sút. "Ngày trước, ít người săn bắt nên châu chấu được giá, nhưng giờ nhiều người làm nghề ni quá, chỉ còn 17.000 - 20.000 đồng một kg thôi. Chăm chỉ, chịu khó thì vẫn dễ kiếm tiền hơn khối nghề đó", anh Lê Văn Phương, 32 tuổi, ở xã Quỳnh Thanh, cùng đội với anh Tạo, nói.
Châu chấu đánh bắt xong được chuyển cho những người thu mua. Bao lưới có châu chấu được cho xuống nước giũ sạch mùi hôi rồi để vào thùng xốp có đá lạnh đem ra Hà Nội tiêu thụ.
Anh Trần Văn Nam, một người thu mua châu chấu, cho biết: "Do nhu cầu thị trường cần nhiều nên bao nhiêu châu chấu chúng tôi cũng thu mua. Thứ này dễ tiêu thụ lắm, chúng tôi gửi hàng theo xe ra Hà Nội bán cho những nhà hàng, quán nhậu cao cấp”.
Ở các hàng nhậu tại Hà Nội, mỗi đĩa châu chấu rang (khoảng 100 g) có giá từ 60.000 đến 80.000 đồng.
Theo VNE