Đại gia Việt chi tiền 'núi' đắp đảo

Thứ năm, 03/10/2013, 11:17
Danh sách những đại gia đầu tư số tiền "khủng" xây đảo, không chỉ có chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển mà còn xuất hiện ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng và “lão bà thép” Tư Hường...

"Lão bà thép" Tư Hường khóc khi xây vịnh Diamond Bay

Diamond có diện tích 180 ha nằm trên đại lộ Nguyễn Tất Thành - Nha Trang - Khánh Hoà, là khu phức hợp cách sân bay khoảng 15 phút và cách trung tâm thành phố khoảng 10 phút đi xe. Diamond nổi tiếng là nơi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2008, và là điểm tham quan khi đến với thành phố Nha Trang. Crown Convention Center là một trong những điểm nhấn đặc biệt của Diamond Bay, với sân khấu có sức chứa 7.500 chỗ ngồi, là nơi diễn ra chung kết cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2008 ngày 14/07/2008. Nơi đây được đầu tư hơn 500 triệu USD do công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàn Cầu làm chủ đầu tư, nơi "lão bà" Tư Hường làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Sân golf được xây dựng trên quy mô lớn do Andy Dye thực hiện với 18 lỗ với khu tập và khu biệt thự đan xen; khu lưu trú nghỉ dưỡng theo chuẩn 5 sao với khu resort 334 phòng, phòng cao cấp và khu nhà nghỉ gia đình. Khu nghỉ dưỡng này được chia làm ba khu vực khách sạn, khu Emerald và khu Sapphire. Khu khách sạn gồm 168 phòng hướng ra sân vườn với những phòng đơn, phòng đôi, phòng cao cấp và phòng dành cho gia đình.

Khu Emerald và khu Sapphire với cách thiết kế phòng theo từng cụm gia đình gồm 166 phòng đơn và phòng đôi. Khu trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm, sân khấu đa năng (Crown Convention Center) với sức chứa 7.500 chỗ ngồi, sàn diễn rộng 1500m2, khu trung tâm báo chí rộng 2.000m2 cho 1.000 phóng viên tác nghiệp.

Khu nhà hàng gồm cụm các nhà hàng sang trọng, phục vụ nhiều loại hình ẩm thực khác nhau, như Nhà hàng Ngọc Bích (Jade), nhà hàng Hoàn Vũ (Universe), Nhà hàng Sao Biển (Star) trong khu Wonderpark khoảng 500 chỗ, nhà hàng Pool Launge ngay sát hồ bơi. Khu Diamond Bay resort được xây dựng trong bốn giai đoạn, và dự tính sẽ hoàn tất vào năm 2015 với tổng kinh phí đầu tư hơn 500 triệu USD, nên trong giai đoạn này - có nhiều công trình còn dang dở, phần nào hạn chế phục vụ du khách.



Theo lời kể của bà Tư Hường, cuối năm 2007, “Hoa hậu Quý bà” Đoàn Thị Kim Hồng mời bà tại Khánh Hòa. Bà vận động tính đứng ra đăng cai tổ chức với cam kết sẽ hoàn thành Daimond Bay- địa điểm tổ chức cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ trong vòng 6 tháng, bất chấp ý kiến của ba kiến trúc sư nước ngoài được thuê thiết kế, cho rằng không thể kịp hoàn thành để tổ chức sự kiện. Bà Tư Hường khẳng định làm được.

Trong 6 tháng thi công, có đến 4 tháng mùa mưa, công việc không như mong đợi. Đích thân bà Tư Hường ra công trường đôn đốc công việc, có lúc trắng đêm. Giữa chừng, nhà tài trợ nhận được thông tin, 9 phút quảng cáo truyền hình trực tiếp quốc tế trên kênh NBC (Mỹ) chỉ được sử dụng để quảng bá đất nước, con người Việt Nam, không dùng cho mục đích thương mại. Bà Kim Hồng rút lui.

Bà Tư Hường kể: “Tài sản của mình thì nằm ở đây. Tôi bảo, thôi phải bán nhà để làm cái này cũng làm". Nhưng gặp khó khăn, có những lúc bà ra biển ngồi khóc một mình. Khi một lãnh đạo Khánh Hòa đến thị sát và bày tỏ lo lắng về tiến độ công việc, bà nói: “Nếu mưa gió ngưng thì làm kịp, nếu trời không thương chỉ còn nước chui xuống đất”.

Theo bà Tư Hường, gia đình bà đã bỏ ra 65 triệu USD đầu tư vào Daimond Bay và các hoạt động xung quanh sự kiện này. Trong đó, gần 45 triệu USD cùng sức lao động của 1.500 công nhân trong 4 tháng trời ròng rã, đã biến một vùng đất hoang vu thành nhà hát Crown Convention với 7.500 chỗ ngồi, đủ tiêu chuẩn tổ chức một sự kiện, công nhân trồng chuối, khoai lang, thậm chí cả gieo mạ nhằm tạo cảnh quan xanh.

20 triệu USD còn lại được chi trả cho hoạt động tổ chức sự kiện, mời Lady Gaga tới biểu diễn, vé máy bay và chi phí sinh hoạt của các thí sinh… trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2008.

Tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng chi tiền tấn xây Hòn Ngọc Việt Vinpearl Land

Cuối năm 2006, một khu liên hợp giải trí và du lịch mang tên Hòn Ngọc Việt nằm gọn gàng trên đảo Hòn Tre ( thành phố Nha Trang – Khánh Hòa ) đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Vinpearl nằm gọn trên đảo Hòn Tre ( thành phố Nha Trang – Khánh Hòa ), và để ra được đến đó, du khách buộc phải vượt qua biển. Hành trình vượt biển có thể sẽ được thực hiện bằng một số phương tiện là hệ thống tàu phà, bao gồm 5 tàu siêu tốc với sức chứa 30 hành khách/tàu và 7 phút cho một chuyến, 1 tàu cánh ngầm với sức chứa 140 hành khách, 3 phà vận chuyển hành khách cao cấp với sức chứa 370 người và 25 phút cho một chuyến, 4 phà vận chuyển nước ngọt và ôtô với sức chứa 4 ôtô và 25 phút cho một chuyến.

Đặc biệt, vào tháng 3/2007, Vinpearl  có thêm hệ thống cáp treo trên biển lớn nhất thế giới với chiều dài hơn 3,3 km, có thể vận chuyển 1.500 người/giờ và chỉ mất có 9 phút để có thể đi từ thành phố Nha Trang ra đến đảo Hòn Tre.

Chiều cao trung bình của đường cáp treo này so với mặt biển là 40 m, trong đó điểm cao nhất là 60 m. Vinpearl có một khu khách sạn 5 sao với bể bơi lớn nhất Đông Nam Á. Khách sạn Sofitel Hòn Ngọc Việt với 500 phòng ngủ, 2 bể bơi với diện tích 5.000 m2, cách bãi biển chỉ 700m, cùng với hệ thống nhà hàng bên bờ biển và nằm trên núi. Bên cạnh đó, một khu Spa được đánh giá là lớn nhất Việt Nam với hơn 10.000m2 kết hợp giữa phong cách truyền thống và hiện đại cũng được đưa vào hoạt động cuối năm 2006.

Với quy mô tầm cỡ, Vinpearl là nơi tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm cỡ quốc tế, quốc gia, như hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN, ASEAN + 3 lần thứ 14 (tháng 4/2010); cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và Nữ hoàng Vinpearl Land trong khuôn khổ Hoa hậu hoàn vũ Thế giới (7/2008); Hoa hậu Việt Nam 2006; Hoa hậu Thế giới người Việt 2007, phần thi đặc biệt của Hoa hậu Trái đất 2007…

Chúa đảo Đào Hồng Tuyển chơi ngông xây đường ra đảo Tuần Châu

Từ năm 1999 trở về trước, cơ sở vật chất trên đảo rất nghèo nàn và lạc hậu: không có điện lưới, không có nước sạch, đường xá chỉ là đường mòn và không có các phương tiện giao thông cơ giới. Tuần Châu lúc đó chỉ là một xã đảo nghèo thuộc thành phố Hạ Long, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề chài lưới sử dụng các phương tiện đánh bắt rất thô sơ và làm ruộng. Đời sống văn hoá tinh thần của người dân vì thế rất thiếu thốn.

Vào năm 2002, một khu du lịch mới được xây dựng trên đảo đã mang đến một diện mạo, dáng vẻ mới. Liền theo đó, cơ sở hạ tầng của đảo được đầu tư phát triển mạnh. 100% số hộ dân được dùng điện lưới quốc gia và dùng nước sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn. 90% đường liên khu, đường tiểu mạch dân sinh được bê tông hóa.

Một số công trình được đầu tư mới như: trụ sở Uỷ ban Nhân dân phường, trường học, trạm y tế phường. 15 năm sau đó là khoảng thời gian ông Tuyển cho xây dựng 110 km đường quanh đảo, 55 công trình giải trí và biệt thự, bến du thuyền lớn nhất thế giới, đưa diện tích khai thác trên đảo từ 98 ha lên gần 700 ha. Từ đây, người ta cũng gọi ông là "Chúa đảo".

Tuần Châu ngày nay được biết đến như một trung tâm du lịch quốc tế, với nhiều cuộc thi người đẹp tầm cỡ được lựa chọn tổ chức tại đây, như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004, chung kết Miss Teen 2011, Nữ hoàng trang sức 2013. Dấu ấn Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004 (năm hoa hậu Nguyễn Thị Huyền đăng quang), là những lời đồn về mối quan hệ của chúa đảo Tuần Châu và á hậu 1 Trịnh Trân Chân.

Sau cuộc thi, 'chúa đảo' Đào Hồng Tuyển mời Trân Chân về Tuần Châu làm việc, cô đã hỏi: "Anh định trả lương cho em bao nhiêu?", ông trả lời: 'Em muốn bao nhiêu thì anh trả bấy nhiêu'.

Sau 1 tháng suy nghĩ, Trân Chân đồng ý làm phó tổng giám đốc công ty Âu Lạc của ông Tuyển, vì muốn biến Tuần Châu thành thương hiệu quốc tế bằng trí tuệ của người Việt. Chúa đảo Đào Hồng Tuyển từng tiết lộ, tổng tài sản của ông lên tới 2 tỷ USD. Bởi thế, nhiều người cho rằng việc mời người đẹp quản lý có nhuốm màu đại gia - chân dài.

Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau khi gây xôn xao dư luận bằng cách đảm nhận chức vụ Phó tổng giám đốc công ty Âu Lạc, Trịnh Trân Chân đã lặng lẽ ra đi không kèn không trống. Có người đồn rằng á hậu bị sa thải, cũng có lời đồn cô bị đánh ghen bởi bà chủ đảo, và có lời đồn ác ý hơn là cô qua nước ngoài để sinh em bé. 


Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn