Những thay đổi đang diễn ra ở Eximbank

Thứ sáu, 04/10/2013, 09:31
Gần đây, thông tin về Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) xuất hiện khá nhiều và thu hút sự chú ý.

Các thông tin được chú ý nhất đó là sự thay đổi trong cơ cấu lãnh đạo cấp cao cùng với sự biến động về giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Thay đổi một loạt nhân sự cấp cao

“Nổ phát súng” đầu tiên về thay đổi vị trí cấp cao là “sự ra đi” của ông Trương Văn Phước – người đã có một thời gian gắn bó lâu dài với Eximbank. Đầu tháng 9, ông Phước được Thủ tướng bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn đó là Phó chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia.

Căn cứ theo Điều lệ của Eximbank, ông Trương Văn Phước sau khi được Thủ tướng bổ nhiệm vị trí mới thì đã không còn là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc của ngân hàng. Tất nhiên, HĐQT buộc phải tìm người khác và ông Nguyễn Quốc Hương – Phó Tổng giám đốc điều hành hoạt động của Eximbank – sau đó được bổ nhiệm làm Quyền Tổng giám đốc.

Ban điều hành bỗng chốc thiếu vắng một vị trí, Eximbank cũng ngay lập tức đưa ra phương án thay thế. Ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, kế toán trưởng, được điều động lên giữ chức danh Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Eximbank. Chức vụ Kế toán trưởng lại trống, HĐQT bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Kế toán tổng hợp thuộc khối Giám sát hoạt động giữ chức danh Kế toán trưởng kiêm luôn Trưởng phòng Kế toán tổng hợp thuộc khối Giám sát hoạt động Eximbank.

Chỉ sau đó khoảng 2 tuần, ông Tô Nghị có quyết định thôi giữ chức danh Phó Tổng giám đốc Eximbank để lên làm nhiệm vụ mới là Phó chủ tịch thường trực hội đồng đầu tư trung ương thuộc HĐQT Eximbank. Rồi sau 1 tuần nữa, đến ngày 25/9, Eximbank lại bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Triết lên làm Phó Tổng giám đốc.

Nói ngắn gọn thì trong vòng 1 tháng, Eximbank đã có sự thay đổi đáng kể trong Ban điều hành, bao gồm thay Tổng giám đốc, thay 2 phó Tổng giám đốc và thay Kế toán trưởng.

Chưa hết, một nguồn tin từ báo Vietnamnet mới đây cho hay, sự thay đổi về nhân sự cấp cao của Eximbank có thể chưa dừng lại khi mà đầu năm 2014, chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng có sẽ nghỉ hưu.

Cổ đông giảm nắm giữ

Mã cổ phiếu EIB của Eximbank được đánh giá là khá ổn định, thanh khoản tốt. Trong vòng 6 tháng trở lại đây, dù thị trường có nhiều biến động mạnh nhưng giá trị cổ phiếu của ngân hàng này cũng chỉ dao động trong biên độ hẹp, giá từ 14.000 – 15.000 đồng/cp.

Thông tin từ ĐTCK mới đây cho thấy, một cổ đông tổ chức của Eximbank đang có kế hoạch bán hơn 10 triệu cổ phần EIB. Số lượng cổ phiếu này chiếm khoảng 1% vốn điều lệ Eximbank.

Cơ cấu cổ đông của Eximbank hiện nay

Tên của cổ đông này vẫn là ẩn số vì giao dịch chưa diễn ra và cũng không loại trừ các cổ đông nắm giữ dưới 5% không phải báo cáo. Theo dữ liệu của chúng tôi, hiện Eximbank có 4 cổ đông tổ chức đó là Sumitomo giữ 15%, quỹ VOF nắm 5,02%, Ngân hàng Vietcombank giữ 8,19% và Công ty VBĐQ Sài Gòn – nơi ông chủ tịch Lê Hùng Dũng đang là chủ tịch kiêm Tổng giám đốc – giữ 2,07%.

Trước đó, đầu tháng 9, vợ chồng ôngTrần Tấn Lộc, Phó TGĐ thường trực đồng thời là người được ủy quyền công bố thông tin của ngân hàng và vợ là bà Hồ Thiên Nga (trưởng phòng Tài sản có-tài sản nợ của EIB) cũng đã bán toàn bộ số lượng cổ phiếu EIB mà ông bà này sở hữu, tổng cộng gần 180.000 cổ phiếu. Được biết, lượng cổ phiếu này bán một phần cho công ty chứng khoán Rồng Việt và phần nữa được giao dịch khớp lệnh trên sàn từ 20/8 đến 5/9/2013.

Những giao dịch “khủng”

Nhìn lại lịch sử giao dịch của Eximbank trong vòng 6 tháng trở lại đây thì thấy ngân hàng đã có những đợt giao dịch thỏa thuận rất mạnh.

Cụ thể hồi đầu tháng 5, chỉ qua 3 phiên mà khối lượng thỏa thuận của mã EIB trên sàn chứng khoán lên tới gần 43 triệu cổ phiếu, trị giá gần 675 tỷ đồng và tương đương khoảng 5,5% vốn điều lệ của Eximbank.

Tháng 9, mã EIB cũng có những phiên giao dịch với lượng khớp lệnh lớn. Cụ thể là phiên ngày 9/9 có tới 11,1 triệu cổ phiếu được thỏa thuận với giá trần 15.300 đồng/cp, trị giá hơn 170 tỷ đồng. Phiên 12/9 có hơn 6,65 triệu cổ phiếu được thỏa thuận tại giá trần 15.000 đồng/cp, trị giá cũng xấp xỉ 100 tỷ. Phiên 19/9, thị trường tiếp tục chứng kiến lượng thỏa thuận hơn 1,65 triệu cổ phiếu EIB nữa, trị giá hơn 23 tỷ đồng.

Tổng cộng từ tháng 5 đến tháng 9, qua hai đợt giao dịch khủng, đã có khoảng 63 triệu cổ phiếu EIB được thỏa thuận, giá trị tương đương khoảng 7,7% vốn điều lệ của Eximbank.

Ai đã bán, ai đã mua số cổ phiếu nói trên cho đến giờ này vẫn chưa rõ vì các giao dịch này không phải của cổ đông lớn hay cổ đông nội bộ và chắc chắn thị trường cũng sẽ khó lòng biết được. Mỗi giao dịch được tung ra là cả chiến lược dài hơi của nhà đầu tư.

Còn về vấn đề nhân sự cấp cao, những thay đổi đó một phần vì tình thế buộc phải vậy (do Tổng giám đốc được điều động lên UBGSTCQG), phần khác có thể là do mục tiêu chiến lược của ngân hàng.

Dẫu sao, với những diễn biến gần đây, người ta cũng có quyền đặt câu hỏi về sự thay đổi đang diễn ra ở Eximbank.

KQKD giảm sút

Xét về quy mô hiện nay thì Eximbank đang đứng thứ 2 trong số các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân về vốn điều lệ, chỉ sau Sacombank.

Hai năm trước, kết quả kinh doanh của Eximbank khá ấn tượng, với năm 2011 lãi trên 3.000 tỷ đồng và năm 2012 lãi hơn 2.000 tỷ.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh những tháng đầu năm 2013 này lại không mấy lạc quan. Cụ thể, trong 6 tháng, ngân hàng chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 581 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng tài sản trong khi đó "bốc hơi" 13.807 tỷ tức 8,1%. Tỷ lệ nợ xấu cũng gia tăng theo xu hướng chung của toàn hệ thống với 1,5% tổng dư nợ, tương đương 1.200 tỷ đồng,.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn