Như tin đã đưa, liên quan đến hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB (gồm Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải và Phạm Trung Cang) ký biên bản ngày 22/3/2010 ra chủ trương dùng tiền huy động của dân ủy thác cho các tổ chức và cá nhân gửi tiền VNĐ và USD vào các tổ chức tín dụng.
Thực hiện chủ trương trên, từ ngày 22/5/2005 đến ngày 27/9/2011, Ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhiều nhân viên và 4 công ty (gồm: Công ty TNHHH Chứng khoán ACB, Công ty TNHH MTV quản lý quỹ ACB, Công ty TNHH TMDV Việt Thanh và Công ty CP Kim Ngân Việt) gửi tổng cộng 130.784.813.395.045 đồng với lãi suất từ 8,5%/năm đến 27%/năm và 81.258.329 USD với lãi suất từ 3%/năm đến 6%/năm vào 29 ngân hàng.
Qua quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã xác định có 26 ngân hàng đã nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần từ nhân viên Ngân hàng ACB và 4 công ty do ngân hàng này ủy thác nói trên. Trong danh sách này có tên của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank).
Agribank là một trong 26 ngân hàng đã có hành vi nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần từ nhân viên Ngân hàng ACB và 4 công ty khác (dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên). |
Ngày 19/7 vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm tra, xác định sai phạm và đề nghị xử lý các cá nhân liên quan tại các ngân hàng đã có hành vi nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần từ nhân viên Ngân hàng ACB và 4 công ty nói trên.
Do thời hạn điều tra vụ án đã hết, trong khi số lượng ngân hàng liên quan nhiều nên ngày 1/8/2013, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có Quyết định tách vụ án hình sự số 06/C46-P10 đối với hành vi nhận tiền gửi vượt trần của 26 ngân hàng để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trở lại với trường hợp của Ngân hàng Agribank, đây không phải là lần đầu tiên ngân hàng này bị phát hiện nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần.
Trước đó, theo tờ VnExpress (VnExpress.net) đưa tin vào ngày 16/9/2011 thì Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện 2 chi nhánh của Agribank vi phạm trần lãi suất.
Theo đó, tại chi nhánh Ba Đình, tỉnh Thanh Hóa, ngày 9/9, bà Nguyễn Thị Thủy gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn 1 tháng, số tiền 1 tỷ đồng với lãi suất 14% một năm. Agribank chi nhánh Ba Đình không chi thêm cho khách hàng này bất kỳ khoản nào, nhưng bà Bùi Thị Sáu là cán bộ tín dụng đã tự ý dùng tiền cá nhân tặng quà cho khách hàng với số tiền mặt 1 triệu đồng. Điều này đã vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước và của Agribank.
Đây không phải lần đầu tiên Agribank bị phát hiện vi phạm trần lãi suất. (Ảnh: Lao Động) |
Do đó, Agribank đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, chuyển công tác khác, cho hưởng bậc lương thấp hơn đối với bà Bùi Thị Sáu và bà Nguyễn Thị Huyền (cán bộ kế toán Agribank Ba Đình). Đồng thời, nhà băng này cũng khiển trách Giám đốc Agribank Ba Đình và Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài ra, tại Phòng Giao dịch Tôn Đức Thắng chi nhánh Agribank Sài Gòn, ngày 9/9 cũng đã xảy ra trường hợp cam kết chi thêm ngoài mức lãi suất tiền gửi bằng VNĐ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Liên quan đến vụ việc này, Ngân hàng Agribank cũng đã quyết định cách chức Phó giám đốc Phòng giao dịch đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan. Cảnh cáo đối với Giám đốc Phòng giao dịch Tôn Đức Thắng và khiển trách đối với ông Võ Việt Hùng, Giám đốc Agribank chi nhánh Sài Gòn.
Như vậy, cũng giống như trường hợp của Ngân hàng DongAbank mà chúng tôi từng phản ánh, Ngân hàng Agribank từng có bài học kinh nghiệm đắt giá vì vi phạm trần lãi suất. Thế nhưng Agribank không rút được kinh nghiệm cho mình. Tới khi vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn xảy ra, một lần nữa Agribank lại bị phát hiện có hành vi nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần như đã nói ở trên.
Theo GDVN