Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng thu không đạt dự toán là “một vấn đề mới xuất hiện của năm 2013 và có nguy cơ gây bất ổn kinh tế”. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi hầu hết các con số về thu, chi của ngân sách cho thấy “túi tiền quốc gia” đang cạn dần cùng với sự suy kiệt khủng khiếp từ doanh nghiệp.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, có tới 40 địa phương lớn không đạt tiến độ thu ngân sách. Đây đều là những địa phương có tỷ trọng đóng góp lớn trong ngân sách cả nước. Đến ngày 15/9, đi qua hơn hai phần ba tài khóa, nhưng tổng thu mới được 62,5% dự toán, tương đương 509.700 tỷ đồng. Dự báo, tổng thu ngân sách cả năm 2013 sẽ giảm 21.000 tỷ đồng so với dự toán, chỉ đạt 795.000 tỷ đồng.
Thu ngân sách 2013 nguy cơ vỡ kế hoạch là vấn đề được nhiều người đề cập và trăn trở suốt từ năm 2012 đến nay, đặc biệt là những người nắm giữ, quản lý túi tiền quốc gia. Từ tháng 9 năm ngoái, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân từ 4 triệu lên 9 triệu đồng, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị chỉ nên tăng lên 7 triệu đồng. Khởi điểm chịu thuế cao tức sẽ có thêm nhiều người không thuộc diện đóng thuế, ngân sách cũng vì thế mà vơi đi.
Các nguồn thu từ thuế, tiền đất ngày càng thấp khi ngày càng nhiều doanh nghiệp rời bỏ thị trường, sản xuất kinh doanh đình trệ. |
Trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đó, ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đã gần như rút hết ruột mà tâm sự khi có ý kiến nói đề xuất của ông không đứng về phía người dân. “Đề xuất của Thường trực Ủy ban cũng là vì nhân dân, vì đất nước. Nếu chỉ vì cá nhân tôi thì tôi muốn nhân dân Việt Nam ai cũng được miễn thuế. Nhưng vì đất nước của chúng ta còn quá nhiều vấn đề nên tôi đề nghị cần phải tính toán lại sao cho hợp lý”, ông Hiển nghẹn lời nói.
Cũng chung nỗi niềm này như ông Phùng Quốc Hiển mà gần đây, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng “cực chẳng đã” mới phải đưa ra đề xuất giảm lương tối thiểu 100.000 đồng. Mức giảm này đúng bằng số vừa tăng từ 1/7 vừa qua và khoản ngân sách để bố trí tăng lương được tính toán lúc đó là 21.700 tỷ đồng sau nhiều tính toán của Chính phủ và Quốc hội.
Dù đề xuất trên đã không được Thủ tướng chấp nhận nhưng theo nhiều chuyên gia, ở cương vị người giữ túi tiền của đất nước, ông Đinh Tiến Dũng hiểu rất rõ những khó khăn và đã có một đề nghị “dũng cảm và tiến bộ”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ sự hoan nghênh với cách tiếp cận của Bộ trưởng. “Cá nhân tôi cho đây là đề xuất rất tích cực. Rõ ràng, nền kinh tế dẫn đến tình hình như hiện nay phần lớn do bộ máy Nhà nước kém hiệu quả và khu vực công phải phần nào chịu trách nhiệm đó. Ở khu vực tư nhân, khi không làm ăn được, từ giám đốc tới nhân viên đều phải giảm lương đó thôi”, bà Lan phân tích.
Một chuyên gia khác thì cho rằng chưa cần bình luận có nên hay không nhưng đề xuất này thể hiện sự nguy khó của ngân sách quốc gia hiện nay. “Cứ nhìn vào ‘nồi cơm’ của mỗi nhà là biết gia đình họ khỏe hay yếu. Không thể cứ nói kinh tế đang hồi phục, quý sau tốt hơn quý trước trong khi ‘nồi cơm’ thì đang ngày một vơi đi”, ông nói.
Cực chẳng đã Bộ Tài chính mới đề xuất giảm 100.000 đồng lương tối thiểu |
Túi tiền vơi đi nhưng các khoản chi lại khó dừng lại dù Chính phủ đã nhiều lần “cân đong đo đếm” lại chính sách tài khóa trong năm. Sau khi đã tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương từ đầu năm, đến nửa cuối năm Chính phủ lại tiếp tục cắt giảm thêm 10% nữa từ dự toán chi thường xuyên trong 7 tháng cuối 2013.
Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp toàn thể vừa diễn ra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu lý do ngân sách giảm phần lớn vì sự khó khăn của doanh nghiệp và việc thực hiện miễn giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, các khoản thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu thấp do kim ngạch xuất nhập khẩu của nhiều mặt hàng giá trị lớn, thuế suất cao giảm mạnh.
Tuy nhiên, ông Vũ Sỹ Cường – chuyên gia kinh tế của Học viện Tài chính cho rằng cũng nên kể tới nguyên nhân kỷ luật tài khóa của Việt Nam quá kém, cụm từ “chi vượt dự toán” gần như lúc nào cũng xuất hiện. “Kỷ luật ngân sách kém nên sửa đổi thói quen, thắt chặt chi tiêu rất khó. Nhiều địa phương vốn quen việc lập dự toán bảo một đồng nhưng chi thực tế 2, 3 đồng”, ông Cường chia sẻ.
Rồi mới đây, khi những khoản chi thường xuyên không thể cắt giảm hơn, Chính phủ buộc đề nghị Quốc hội cho phép nới trần bội chi lên 5,3% thay vì 4,8% để có thêm “đất” cho chi đầu tư phát triển.
Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 9, để minh chứng “túi tiền quốc gia" đang rất hạn hẹp vì nhiều nguồn thu giảm mạnh, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói: “Trước đây cứ 100 đồng GDP, chúng ta có trên 30 đồng để đầu tư, nay chỉ còn 19 đồng”. Theo tính toán, cứ tăng bội chi thêm 1% GDP, Chính phủ có thêm 40.000 tỷ đồng từ ngân sách.
Khi đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải thừa nhận tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP đang giảm dần. Năm 2011, tỷ lệ huy động ngân sách là 25,1% và đến 2012 còn 22,3%, ước tính, năm nay cũng chỉ còn 22%.
Không chỉ năm 2013, bài toán ngân sách của hai năm 2014 và 2015 sẽ tiếp tục nan giải và cần được đặt lên bàn nghị sự tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội cuối năm nay như không ít chuyên gia đã đề nghị tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu vừa rồi.
Theo VNE