Tân Sơn Nhất nỗ lực cải thiện hình ảnh: Vẫn chưa có bước chuyển đột phá

Thứ năm, 05/11/2015, 14:03
Sau khi trang mạng Sleeping in Airports công bố xếp hạng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào danh sách 10 sân bay tệ nhất thế giới, từ ngày 20 đến 26.10, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan có ít nhất 2 cuộc họp đề ra các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng phục vụ tại sân bay. Ngày 3.11, trong vai hành khách đi máy bay, PV Báo Lao Động đã đến ghi nhận thực tế tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhà vệ sinh ở ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất hướng dẫn khó hiểu khiến nhiều hành khách không biết lối đi.

Nhà vệ sinh bớt dơ bẩn, biển chỉ dẫn loằng ngoằng

Theo trang mạng Sleeping in Airports, sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) bị xếp hạng tệ nhất thế giới do chất lượng phục vụ kém như hệ thống truy cập wifi tệ, nhà vệ sinh dơ bẩn, không có nhiều lựa chọn nhà hàng. Ngày 3.11, PV Báo Lao Động ghi nhận công tác vệ sinh ở các khu vực nhà ga quốc nội, quốc tế tương đối sạch sẽ, nhân viên quét dọn thường xuyên.

Khảo sát một loạt nhà vệ sinh ở các khu vực tại nhà ga quốc nội và quốc tế cho thấy sạch hơn, ít mùi hôi. Cứ khoảng 30 phút lại có 1-2 nhân viên vào lau chùi, dọn dẹp, xịt nước khử mùi. Tuy vậy, vào thời điểm có các chuyến bay đáp xuống, lượng hành khách có nhu cầu đông là sau đó nhà vệ sinh lại rơi vào tình trạng quá tải và bốc mùi hôi, đặc biệt tại khu vực ga đến quốc nội.

Các biển chỉ dẫn, hướng dẫn hành khách đến các quầy làm thủ tục, nhà vệ sinh, nhà hàng, khu chức năng cũng được bố trí chi tiết, đầy đủ hơn. Tuy nhiên, một số nơi biển chỉ dẫn quá nhiều cũng làm hành khách không biết lối nào mà lần. Cụ thể tại tầng trệt ga quốc tế, ngay chân cầu thang để lên khu vực đưa tiễn, chỉ trong phạm vi hơn 1m2 có đến 4 biển chỉ dẫn nhà vệ sinh, lối thoát hiểm, nơi bỏ rác và lối lên nơi đưa tiễn.

Đáng nói, biển chỉ dẫn nhà vệ sinh chỉ vào hướng cầu thang, đến cầu thang lại chỉ lên lầu. Việc biển chỉ dẫn loằng ngoằng này làm nhiều hành khách đi tới đi lui tìm mãi không biết nhà vệ sinh ở đâu.

Đã vậy, khu vực dưới chân cầu thang lên khu vực đưa tiễn lại bị lấn chiếm để đặt các thùng cát tông, xe đẩy trông nhếch nhác không khác gì kho chứa hàng.

Wifi chập chờn, nước uống đắt 3 lần bên ngoài

Wifi truy cập miễn phí là điều mà nhiều hành khách than phiền, bực bội nhất trong thời gian ngồi đợi. Tại cửa đợi số 14, 16, 17 của ga đi quốc nội, có cả trăm hành khách ngồi đợi, chúng tôi truy cập wifi công cộng song phải mất khoảng 7 phút mới đăng nhập được hệ thống. Khi đăng nhập vào được hệ thống, tốc độ lại quá chậm và khoảng vài phút sau không truy cập được.

Tương tự tại sảnh công cộng khu ga đi quốc tế, cột sóng wifi công cộng hiển thị tốt nhưng không truy cập được.

“Mạng wifi công cộng của sân bay rất tồi, truy cập mãi không vào được. Tôi đành đến quầy dịch vụ ăn uống gọi mua 1 ly càphê rồi xin mật khẩu wifi riêng của quầy dịch vụ này mới vào được mạng Internet” - anh Quốc Minh, đưa người nhà đi Singapore, phản ánh.

Hành khách làm thủ tục check in tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Ghi nhận tại các khu nhà hàng trong phòng đợi dường như rất vắng khách, mà nguyên nhân có lẽ do giá dịch vụ khá đắt, gấp 2-3 lần so với bên ngoài. Chúng tôi quan sát tại khu nhà hàng trước cổng số 14, 16, 17, có một hành khách đến quầy để mua một ly càphê sữa đá nhưng nhân viên nói 70.000 đồng, vị khách này không mua vì giá cao quá.

Khi chúng tôi mua một chai trà không độ, nhân viên này bán với giá 30.000 đồng, trong khi giá một chai trà không độ bên ngoài chỉ 10.000 đồng.

Chị Tân (ngồi đợi chuyến bay đi Đà Nẵng trưa 3.11 cùng với chồng và con) cho biết: “Hai mẹ con ăn một tô phở lớn và một tô phở nhỏ, nhưng do không hỏi giá trước nên khi trả tiền mới biết 135.000 đồng mà xót cả ruột. Lần sau, tôi không dám ăn phở ở đây nữa”.

Bên ngoài nhà ga, khu vực đón taxi cũng khá lộn xộn và thường ùn ứ khách vào lúc cao điểm. Hành khách muốn lựa chọn hãng taxi có uy tín phải mòn mỏi chờ đợi đến lượt. Đặc biệt, có tình trạng taxi chê khách nhà gần sân bay.

Anh Nguyễn Văn Tâm (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết: “Nhiều lần tôi đón taxi ở sân bay TSN, khi lên xe tài xế hỏi về đâu, nếu đi gần thì vẻ mặt tài xế rất khó chịu, có vẻ không muốn chở. Dù cự ly tôi đi phải trả khoảng 100.000 đồng, nhưng khi trả tiền, tài xế taxi lại vòi xin thêm với lý do chở một đoạn đường ngắn mà phải xếp tài cả tiếng”.

Chưa thể khắc phục ngay

Trao đổi với PV , ông Đặng Tuấn Tú - Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất - cho rằng, sau khi sân bay bị xếp vào 10 sân bay tệ nhất thế giới, cảng cho chấn chỉnh ngay khâu làm vệ sinh công cộng cũng như khu vực nhà vệ sinh. Riêng giờ cao điểm nhiều chuyến bay đáp xuống, lượng khách đi về cùng lúc đông, mà lúc này nhân viên không thể vào làm vệ sinh nên không tránh khỏi mùi hôi.

Về tình trạng wifi, ông Đặng Tuấn Tú cũng xác nhận vẫn chưa được cải thiện. “Chúng tôi có kế hoạch nâng cấp, chắc chắn trong tháng 12 tới sẽ khắc phục được tình trạng wifi kém”.

Ông Tú cũng giải thích thêm, do hạ tầng sân bay hiện nay quá tải, có một số vấn đề tồn tại khó có thể giải quyết ngay các tồn tại mà cần thêm thời gian. Cụ thể: Ngày 5.11 sẽ khởi công xây dựng thêm một khu phục vụ khách đón taxi. Trong tháng 11, khởi công xây dựng nhà đậu xe 5 tầng mất khoảng 3 tháng.

“Chúng tôi cũng phối hợp các đơn vị triển khai gộp điểm soi chiếu của hải quan và điểm kiểm tra an ninh hàng không thành một điểm trong tháng 11, nhằm tạo sự thuận lợi, giảm phiền hà khi hành khách chờ đợi qua 2 cửa như lâu nay”.

Để giải quyết căn cơ tình trạng quá tải, kẹt xe quanh khu vực sân bay TSN, ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý và Khai thác hạ tầng, Sở GTVT TP.HCM - cho biết, Sở sẽ tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng, như phát triển thêm các tuyến xe buýt, xe điện và đẩy nhanh việc phát triển thêm các loại hình vận tải công cộng khác như Metro, Tramway, Monorail… kết nối sân bay với các khu vực khác nhằm hạn chế phương tiện cá nhân (kể cả lượng xe taxi) lưu thông quá lớn vào sân bay như hiện nay.

Sở GTVT cũng sẽ phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu bố trí thêm cổng ra vào trên các tuyến đường xung quanh sân bay như đường Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh, Phạm Văn Bạch, Quang Trung... nhằm giảm áp lực giao thông tại vị trí cổng duy nhất trên đường Trường Sơn như hiện nay.

Trước mắt sẽ nghiên cứu tổ chức giao thông tổng thể tại khu vực sân bay, đầu tư lắp đặt hệ thống camera để giám sát giao thông 24/24 giờ nhằm kịp thời can thiệp khi xảy ra nguy cơ dẫn đến ùn tắc giao thông; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào khai thác toàn tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài nhằm giảm tải cho tuyến đường Trường Sơn, rồi mở rộng đường Hoàng Minh Giám đúng lộ giới đảm bảo việc lưu thông được thuận lợi.
Theo Báo Lao Động

Các tin cũ hơn